Mùa xuân Canh Ngọ (1930), với tư cách lãnh tụ của phong trào yêu nước cách mạng Việt Nam và được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị họp tại Hồng Công (Trung Quốc) từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930. Dự hội nghị có hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh; hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu. Đông Dương Cộng sản liên đoàn mới thành lập nên chưa kịp triệu tập dự hội nghị. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn là những người lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên trước đó, được phân công tổ chức hội nghị. Đây là sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, Hội nghị thành lập Đảng có vai trò như Đại hội đại biểu toàn quốc.
Với sự lãnh đạo và uy tín chính trị của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã đi đến thống nhất thành lập một Đảng cách mạng duy nhất và thông qua Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, thống nhất hệ thống tổ chức Đảng trên cả nước trên cơ sở đoàn kết, xóa bỏ mọi thành kiến, nhận thức khác nhau để xây dựng Đảng theo lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và quan điểm cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong Cương lĩnh đã khẳng định rõ mục tiêu chiến lược của Cách mạng là: “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “để đi tới xã hội cộng sản”1. Phải đánh đổ chế độ thống trị của đế quốc, phong kiến, làm cách mạng ruộng đất, xây dựng Nhà nước công - nông - binh thực hiện các quyền tự do dân chủ và quyền lợi của nhân dân. Đó thật sự là một cuộc cách mạng triệt để, giải quyết đúng đắn mâu thuẫn cơ bản của xã hội là mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp. Cương lĩnh của Đảng phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và đoàn kết quốc tế. “liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới”2. Gắn liền sự nghiệp cách mạng của quốc gia, dân tộc với cách mạng quốc tế.
Trước yêu cầu phát triển phong trào cách mạng và theo chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (10-1930) do đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, chủ trì đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương với trách nhiệm lãnh đạo cách mạng ba nước: Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia.
Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935. Thời điểm đó, cách mạng Việt Nam vừa trải qua những năm tháng đầy oanh liệt. Phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh đã mở đầu vẻ vang sự nghiệp đấu tranh do Đảng lãnh đạo. Phong trào đã bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt trong máu lửa. Đến giữa năm 1931, Trung ương Đảng bị địch bắt, nhiều đồng chí lãnh đạo hy sinh, Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh ngày 6-9-1931. Không còn Trung ương, các tổ chức Đảng ở địa phương cũng bị địch phá vỡ. Tháng 6-1934 phải thành lập Ban Chỉ huy ở nước ngoài do đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập lãnh đạo để thực hiện nhiệm vụ của Trung ương, khôi phục tổ chức và phong trào cách mạng trong nước và chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất của Đảng... Đại hội Đảng lần thứ nhất đánh dấu sự khôi phục phong trào cách mạng và từng bước phục hồi tổ chức, tiếp tục phát triển đường lối đấu tranh giai cấp và giải phóng dân tộc theo mục tiêu của Đảng. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư; Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 đồng chí. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh ở Hồng Công (Trung Quốc) bắt giam ngày 6-6-1931. Năm 1933 được trả tự do và đầu năm 1934, Người trở lại Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va (Liên Xô). Vì vậy, Người không trực tiếp dự Đại hội I của Đảng. Tại Đại hội, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và “được Ban Chỉ huy ở ngoài và Ban Trung ương của Đảng chỉ định là đại diện của Đảng ở Quốc tế Cộng sản”3.
Đại hội II của Đảng họp từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Từ Đại hội I đến Đại hội II, sự nghiệp cách mạng trải qua 16 năm với những thắng lợi vẻ vang. Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc -
Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc cùng Trung ương Đảng hoàn thiện đường lối giải phóng dân tộc và lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Nhà nước non trẻ đã phải lãnh đạo nhân dân tiến hành kháng chiến chống lại cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp bảo vệ nền độc lập và chính quyền dân chủ nhân dân. Cách mạng Lào và Cam-pu-chia cũng phải chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Đại hội II của Đảng thấy rõ sự cần thiết xây dựng ở mỗi nước Đông Dương một Đảng cách mạng riêng. Ở Việt Nam, Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày và Chính cương Đảng Lao động Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày là sự tổng kết 21 năm Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phát triển đường lối kháng chiến hoàn thành giải phóng dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ của Đại hội là: “Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn” 4.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (21-7-1954), kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền bắc được hoàn toàn giải phóng tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền nam vẫn phải tiếp tục cách mạng dân tộc, dân chủ để đi đến thống nhất đất nước. Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”5. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ mới mẻ, khó khăn. Hồ Chí Minh lưu ý phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa để tạo ra quy luật riêng của Việt Nam, định ra đường lối, phương châm, hình thức, bước đi để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Xây dựng miền bắc vững mạnh làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Tại Đại hội, đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đường lối do Đại hội III đề ra với cách mạng ở hai miền nam, bắc và tư tưởng của Hồ Chí Minh đã đưa miền bắc phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa với những thành tựu quan trọng và đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng, hoàn thành thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.
Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo sự nghiệp đổi mới với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Cần phải nhận thức và thực hiện tốt hơn từ những bài học lịch sử và những chỉ dẫn của Bác Hồ.
Một là, Đảng luôn luôn kiên định, bồi đắp, nhận thức đúng đắn, vận dụng sáng tạo và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chú trọng giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, không ngừng nghiên cứu, nâng cao trình độ lý luận và tổng kết thực tiễn. Kiên định nguyên tắc đồng thời sáng tạo và phát triển. Không kiên định sẽ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, nhưng không sáng tạo, phát triển sẽ mắc bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí.
Hai là, kiên định mục tiêu chiến lược: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường mà Đảng và Bác Hồ đã dứt khoát lựa chọn từ năm 1930 khi Đảng ra đời. Chú trọng bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối, chống nguy cơ sai lầm về đường lối, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân. Phấn đấu đưa nước Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Ba là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng luôn luôn là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng, phải tăng cường xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng. Kiên quyết chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Người cán bộ, đảng viên phải là tấm gương về đạo đức, tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh vững vàng, năng động, sáng tạo trong tư duy và có uy tín trong Đảng và trong nhân dân. Phấn đấu để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh” như mong muốn của Bác Hồ.
1 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 3, trang 1.
2 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 3, trang 4.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 5, trang 203.
4 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 7, trang 37.
5 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 12, trang 673.