Nhiều cải thiện, nhưng tiếp cận thông tin vẫn không dễ
Báo cáo nghiên cứu "Đánh giá việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2024" do UNDP tại Việt Nam, Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp thực hiện, vừa được công bố. Theo đó, tính đến ngày 6/10/2024, thực hiện Luật Đất đai và Luật Tiếp cận thông tin, có 53/63 tỉnh, thành phố (chiếm 84,1%) đã đăng tải công khai bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử địa phương, tăng 41,2% so với năm 2021.
Đối với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, 70,9% trong số 704 Ủy ban nhân dân cấp huyện đã công khai kế hoạch năm 2024, tăng 23% so với năm 2021, nhưng chỉ 32,06% hồ sơ được ban hành đúng hạn (trước ngày 31/12/2023).
Về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, có 452 hồ sơ được công khai trên 704 huyện (chiếm 64,2%), trong đó Bắc Giang là tỉnh duy nhất duy trì công khai đầy đủ qua ba vòng đánh giá từ năm 2022 đến nay.
Tiến hành bốn vòng đánh giá từ năm 2021 đến 2024, nhóm nghiên cứu nhận định, tỷ lệ phản hồi cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân còn hạn chế. Năm 2024, nhóm này gửi yêu cầu cung cấp thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024 đến 63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và 705 Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tính đến ngày 31/10/2024, chỉ có 49,2% phản hồi từ cấp tỉnh và 33,8% từ cấp huyện. Đặc biệt, tỷ lệ không phản hồi của 561 văn phòng Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân cấp huyện vẫn ở mức trên 65% qua cả bốn vòng đánh giá.
Luật Đất đai năm 2024 đã chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2024. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2024, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và chính quyền các cấp được thực hiện, bắt đầu từ việc sáp nhập các bộ, ngành ở Trung ương đến sắp xếp lại đơn vị cấp huyện và cấp xã trên toàn quốc. Theo Kết luận số 121-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, việc tổ chức lại bộ máy sẽ tiếp tục được thực hiện với định hướng không tổ chức cấp hành chính trung gian (cấp huyện), sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh.
Có thể thấy, việc công khai giá đất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, vốn không đơn giản như đã thấy, sẽ tiếp tục gặp phải nhiều thách thức. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có sự thay đổi lớn, phải mất một thời gian đáng kể mới ổn định. Hiện nay, nhiều nhiệm vụ liên quan đến quản lý đất đai, như lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuộc thẩm quyền của cấp huyện. Việc bỏ cấp huyện và sáp nhập xã dẫn đến thiếu cơ quan chuyên trách tại địa phương để thực hiện và công bố thông tin về giá đất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất có thể dẫn đến sự chậm trễ và thiếu nhất quán trong việc cung cấp thông tin cho người dân. Về phía người dân, nếu không có phương thức công khai phù hợp, việc sáp nhập xã - đặc biệt là ở các khu vực nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa - có thể khiến họ phải di chuyển xa hơn nhiều để tiếp cận thông tin tại các cơ quan hành chính.
Sớm xây dựng hành lang pháp lý
Ngay từ khi đề ra chủ trương cải cách tổ chức bộ máy, yêu cầu sửa đổi Hiến pháp và hàng chục đạo luật khác đã được đặt ra. Trong đó, đối với lĩnh vực đất đai nói chung và lĩnh vực công khai thông tin nói riêng, việc bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai 2024 cùng các đạo luật về tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương, bảo đảm sự phù hợp với cơ cấu tổ chức hành chính mới, rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp trong quản lý đất đai, là hết sức cấp thiết. Đương nhiên, muốn có thông tin chính xác để cung cấp, cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, bao gồm cả việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, ngay sau khi các quyết định về địa giới hành chính được ban hành.
Đáng lưu ý, theo nhóm nghiên cứu UNDP, các huyện thực hiện tốt việc công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm không đồng nghĩa với việc sẽ bảo đảm phản hồi và tương tác với người dân qua đường bưu điện. Tỉnh Bắc Ninh có 100% huyện đã công bố đồng thời cả quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm trên trang thông tin điện tử nhưng không có bất kỳ huyện nào phản hồi các mẫu phiếu yêu cầu cung cấp thông tin trong thử nghiệm vòng thứ tư. Các tỉnh còn lại trong nhóm có 100% huyện công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trên trang thông tin điện tử cũng đều thuộc nhóm có tỷ lệ phản hồi các phiếu yêu cầu cung cấp thông tin dưới 50%, trừ tỉnh Lâm Đồng.
Chính vì vậy, trong xây dựng chính sách, các chuyên gia khuyến nghị mạnh mẽ việc đưa thủ tục cung cấp thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin vào danh mục thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước có trách nhiệm, nghĩa vụ công khai và cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân. Cùng với đó là thiết lập và vận hành suôn sẻ hệ thống truyền tải thông tin, bao gồm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc công khai và quản lý thông tin đất đai; tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương về quy trình công khai thông tin và quản lý đất đai. Dựa vào tính chất nhiệm vụ, khối lượng công việc tăng lên, cần phân bổ nguồn lực phù hợp cho chính quyền cấp tỉnh và cấp xã gồm ngân sách, nhân lực có kiến thức và thiết bị phù hợp.
Đáng nói, tình trạng các đường dẫn của bài đăng công khai thông tin không khả dụng tương đối phổ biến, đặc biệt với các thông tin có thời kỳ áp dụng lâu dài như quy hoạch sử dụng đất. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm các bài đăng đã bị xóa hay cổng/trang thông tin điện tử phải thực hiện bảo trì hay thay đổi cấu trúc đường dẫn. Do đó, việc tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng của công chức thực hiện nhiệm vụ quản trị cổng/trang thông tin điện tử về duy trì bảo đảm các đường dẫn khả dụng hoặc trong trường hợp không thể duy trì, cần thiết đăng tải công khai lại để bảo đảm tính sẵn có của thông tin là hết sức cần thiết.