Ánh sáng cuối đường hầm

John Crace (trong ảnh, bên phải), một trong những cây viết ăn khách nhất tại Anh, chưa bao giờ e ngại chia sẻ về quá khứ đen tối thời còn trẻ. Nhà báo nổi tiếng ấy từng có thời gian dài đắm chìm trong ma túy. Giữa vũng lầy tối tăm, Crace được kéo ra bởi những người bất chấp mọi thứ để ở lại giúp đỡ ông.

Ánh sáng cuối đường hầm

Cơn điên loạn thời trai trẻ

Crace giờ chỉ còn nhớ mang máng về ngày ông quyết định đứng lên làm lại cuộc đời. Đó là buổi đêm thứ bảy hồi đầu tháng 10/1986. Gần 40 năm đã trôi qua kể từ thời điểm Crace tuyên bố "Tôi sẽ bỏ thuốc!", giữa căn phòng đầy những con nghiện vật vờ. Ma túy từng là niềm vui của Crace suốt một thời gian dài, nhưng càng lún sâu vào nó, ông càng cảm thấy khốn khổ trong những thời khắc tỉnh táo hiếm hoi.

Nhớ về những ngày xưa cũ bên bàn đèn và khói thuốc, Crace chỉ cảm thấy rùng mình. Heroin là loại ma túy tối thượng trong mắt các con nghiện, nhưng với ông, nó chỉ là cơn phê pha bình thường. Ông lần đầu sử dụng ma túy ở tuổi 20 và cảm thấy khói thuốc thật quen thuộc, ấm áp và an toàn. Ma túy trở thành rào chắn ngăn Crace khỏi cảm giác lo sợ với thế giới bên ngoài, bởi mọi tội lỗi đều được tha thứ.

Điều đáng sợ nhất của chuyện nghiện ngập là mọi người đều sa đà vào nó lúc nào không hay. Trong vài năm đầu, Crace tự đặt quy tắc chỉ dùng ma túy vào ngày thứ bảy. Thế rồi, ông lấn dần sang chủ nhật, rồi thứ sáu, dần dần thành cả tuần. Từ một thanh niên khỏe mạnh, Crace vật vã không ngủ được mỗi khi đói thuốc.

"Tuổi thanh xuân của tôi là chuỗi ngày thất bại. Tôi chẳng đạt được thành tựu nào đáng kể trong khoảng thời gian nghiện ngập đó. Tương lai trước mắt tôi hoàn toàn mờ mịt", Crace kể. Ma túy chỉ khiến cuộc sống của ông ngày càng tụt dốc, và ông lại dùng nhiều hơn, đến khi nào mất tỉnh táo để quên đi thực tại. Những ngày vô vị như thế cứ trôi qua, rồi Crace choàng tỉnh giấc và nhận ra ông đã 30 tuổi.

Ma túy không chỉ cướp đi sức khỏe và tuổi thanh xuân của Crace. Ở tuổi 30, ông gần như không còn người bạn đích thực nào nữa. Quanh Crace chỉ còn những con nghiện. Họ có thể không phải người xấu, nhưng dĩ nhiên chẳng ai trong số đó muốn ông cai thuốc cả.

Ánh sáng cuối đường hầm -0

Tìm lại chính mình

Điều may mắn nhất với Crace là ông vẫn biết điểm dừng cuối cùng. Ông chỉ hít, chứ chưa bao giờ tiêm trực tiếp heroin vào trong cơ thể. Nhưng ngay cả khi không biến thành một con nghiện "thực thụ", ma túy vẫn cướp đi rất nhiều thứ từ tay Crace. Ông thừa nhận trong khoảng thời gian đó, lừa đảo và dối trá đã thành bản chất của mình.

"Tôi vẫn đi làm như những người bình thường khác nhưng chỉ làm công việc vớ vẩn thôi, và bản thân tôi cũng chẳng nghiêm túc với chuyện kiếm tiền. Với tôi thời điểm ấy "công việc toàn thời gian" là nghiện hút", Crace hồi tưởng. Ông không nhớ nổi mình đã trải qua bao nhiêu ngày lang thang trên từng góc phố, từng quán rượu bẩn thỉu chỉ để tìm mối mua ma túy.

Không ít lần Crace cố gắng tự tìm cách cai ma túy, nhưng không thành công. Cứ sau mỗi lần thất bại như thế, nỗ lực của ông lại vơi dần. Song, lúc ông muốn bỏ cuộc, những người thân yêu nhất với ông lại không nghĩ như thế.

Người cứu rỗi cuộc đời Crace không ai khác ngoài vợ ông. Bà cũng là một trong những người bạn cuối cùng còn gắn bó với Crace, ngay cả khi ông đã chìm sâu trong bùn. Thay vì cưỡng ép chồng mình đi cai nghiện tại trung tâm, bà và mọi người tìm cách truyền cảm hứng cho Crace. Suy cho cùng, động lực vẫn là điều quan trọng nhất quyết định thành bại của việc cai nghiện.

"Khao khát được tiếp tục sống của anh phải lớn hơn suy nghĩ muốn chết", vợ Crace khuyên nhủ chồng. Bà đưa ông đến những cuộc trò chuyện nhóm được thực hiện bởi Hiệp hội Cai nghiện Hoàng gia Anh. Ở đó luôn có những người sẵn lòng giúp đỡ Crace thoát khỏi "nàng tiên nâu" bằng những câu chuyện về chính cuộc đời họ.

Rất nhiều người từng nghiện ngập trong nhiều tháng, nhiều năm giống Crace, nhưng cuối cùng họ vẫn dứt ra được. "Tại sao ta lại không thể làm?", suy nghĩ đó ngày một lớn dần bên trong Crace. Ông chẳng biết những người đang nói chuyện với mình là ai, nhưng trải nghiệm của họ giúp động lực cai nghiện trong ông ngày một mạnh mẽ hơn. Ông dần thích đến những buổi trò chuyện như thế, thay vì bị ám ảnh bởi cơn đói thuốc.

Lời nhắn gửi thế hệ sau

Cai thuốc thành công nhờ những buổi trò chuyện, Crace biết ông phải làm gì cho tương lai phía trước. Đó là một phần trách nhiệm của người được giúp đỡ, và cảm thấy mình cần làm việc tương tự để lan tỏa thông điệp sống tích cực, lành mạnh.

Trở lại cuộc sống thường nhật, Crace phát hiện thêm một vấn đề khó khăn nữa với những người cai nghiện muốn tái hòa nhập cộng đồng. Khi chuẩn bị nộp đơn xin việc, Crace phát hiện ra ông chẳng biết mình nên viết gì trong hồ sơ về khoảng trống 10 năm dài đằng đẵng kia. Ông không muốn nói dối, nhưng liệu có nơi nào sẵn sàng chấp nhận một người từng nghiện ma túy muốn làm việc?

Một lần nữa, những người từng giúp Crace cai thuốc lại mở ra một con đường khác cho ông. Họ động viên để Crace vững tin, không ngại che giấu quá khứ đen tối. Ông may mắn tìm được công việc ở tòa soạn báo The Independent tại Anh, rồi dần dần trở thành cây viết ăn khách như ngày nay. Nếu không có những người giúp đỡ lúc chìm trong bóng tối, Crace có lẽ không thể sống đến giờ này.

"Nhiều bạn nghiện với tôi giờ đây không còn tồn tại trên dương thế nữa. Ma túy gây ra quá nhiều hệ lụy và bệnh tật. AIDS, viêm gan C, ung thư, tim mạch. Những ai mê đắm vào ma túy quá lâu còn dẫn tới trầm cảm tự sát. Cũng có người chết vì sốc thuốc", Crace tâm sự. Càng nhìn vào quá khứ thời trẻ, ông càng cảm thấy may mắn vì đã chiến thắng chính mình và chọn cuộc sống lành mạnh cho tương lai.

Cuộc sống không có ma túy luôn tốt đẹp hơn. 35 năm đã trôi qua kể từ ngày cai thuốc thành công, Crace giờ đây đã trở thành người thành đạt trong xã hội hiện đại. Ở tuổi 65, ông biết mình sẽ sống rất thọ và mạnh khỏe. Các con của Crace cũng vô cùng ngạc nhiên khi nghe ông kể về biến cố thời trai trẻ. Chúng ngưỡng mộ, và quan trọng hơn, tránh được vết xe đổ mà ông từng trải qua.