Họa sĩ Nhật Bản Yasumasa Suzuki:

Ấn tượng với tinh thần tươi mới của Việt Nam

“Nỗi buồn ốc sên” là cuốn tranh truyện nổi tiếng được nhắc đến trong cuốn sách “Bắc Cầu” của Thượng Hoàng hậu Nhật Bản Michiko. Một câu chuyện về những nỗi buồn được che đậy trong vỏ bọc của mỗi người qua nét vẽ tài hoa của họa sĩ nổi tiếng Yasumasa Suzuki. Phóng viên Thời Nay có dịp trò truyện với lão họa sĩ khi ông qua thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em thích thú với các tác phẩm tranh truyện của họa sĩ Yasumasa Suzuki.
Trẻ em thích thú với các tác phẩm tranh truyện của họa sĩ Yasumasa Suzuki.

Họa sĩ Yasumasa Suzuki (sinh năm 1941) bắt đầu tham gia Câu lạc bộ tranh Nhật Bản năm 1962, lần đầu tiên được chọn tham gia Triển lãm sản phẩm mới năm 1969 và liên tiếp trong 20 lần sau. Cùng trong năm 1969, ông trở thành thành viên của Hiệp hội Sogakai.

Ấn tượng với tinh thần tươi mới của Việt Nam ảnh 1

Họa sĩ Yasumasa Suzuki.

Sự kiện giới thiệu tranh minh họa gốc của hai cuốn truyện “Chim sẻ Cosette” và “Nỗi buồn ốc sên’” của họa sĩ Yasumasa Suzuki nằm trong chuỗi hoạt động của “Tuần sách kết nối - Ehon week” được Quỹ Bắc Cầu dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, tổ chức tại Hà Nội từ 14 đến 22/10 với các hoạt động về sách, đọc sách dành cho trẻ em.

Phóng viên (PV): Theo ông, điều gì khiến tranh truyện Nhật Bản lại được các độc giả Việt Nam đón nhận?

Họa sĩ Yasumasa Suzuki: Ở Nhật Bản, sách tranh rất phát triển, có nhiều thể loại và được người dân rất ưa thích. Thượng Hoàng hậu Nhật Bản Michiko cũng đã từng đọc cuốn truyện cổ “Nỗi buồn ốc sên” của Niimi Nankichi. Sau này, tôi mới vẽ minh họa lại lời câu chuyện bằng tranh và chính là cuốn tranh truyện ehon “Nỗi buồn ốc sên” mà các bạn đã thấy. Bà cảm nhận được nỗi buồn trong đó và sau này, mỗi khi gặp khó khăn, bà nhớ lại thời nhỏ được mẹ kể rồi tự đọc câu chuyện này và cảm thấy rất được an ủi.

Tranh truyện cho phép ngay cả trẻ nhỏ chưa biết đọc cũng có thể hiểu nội dung và mở rộng trí tưởng tượng bằng cách nhìn vào tranh. Đó chính là sức mạnh của tranh truyện. Không chỉ ở Nhật Bản mà trẻ em hay người dân Việt Nam khi đọc cuốn truyện này thì cũng có thể cảm nhận được những tình cảm như thế. Tôi rất vui khi có cơ hội được trực tiếp giới thiệu những bức tranh minh họa gốc của cuốn tranh truyện bằng tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam.

PV: Theo ông điều quan trọng khi bắt đầu thực hiện một tác phẩm và bí quyết để thành công của một họa sĩ vẽ tranh truyện là gì?

Họa sĩ Yasumasa Suzuki: Theo tôi, đó là việc mình giữ được tinh thần vẽ như chơi, vẽ bằng sự vui thích của mình. Đó là điều rất quan trọng, bởi vì khi chúng ta vẽ thứ mà mình không thật sự yêu thích, không có sự chơi đùa trong đó thì rất dễ bị nhàm chán.

Con đường của tôi đi có thể hơi khác với các họa sĩ chuyên nghiệp. Cách tôi thực hành nghệ thuật được hiển thị thông qua các tác phẩm trong tranh truyện của tôi. Như cuốn “Nỗi buồn ốc sên”, với nỗi buồn thì thường sẽ không thể gọi tên hay nhìn thấy bằng hình dáng được. Khi chuyển thể nỗi buồn đó thành tác phẩm này, tôi đã lấy một con ốc sên tại vườn nhà để vào trong một chiếc hộp rồi quan sát nó. Tiếp đó, tôi vẽ ra các bức sketch (phác họa), có khoảng 200 bức sketch về chú ốc sên này. Sự quan sát khi vẽ, đặt nội dung của cuốn sách về nỗi buồn vào tâm trạng của mình để chuyển hóa thành hình ảnh, đó là cách mà theo tôi tạo nên được sức hút của cuốn truyện.

Tôi nghĩ họa sĩ tranh truyện cần rèn cách quan sát và duy trì luyện tập một cách thường xuyên.

PV: Điều thú vị ông thấy khi lần đầu tiên đến Việt Nam?

Họa sĩ Yasumasa Suzuki: Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và tôi cảm nhận được không khí, tinh thần và sức sống của người Việt Nam rất lớn. Tôi ấn tượng với lượng giao thông ở trên phố, điều thú vị mà tôi học được tinh thần của người Việt Nam, đó là sự linh hoạt và ứng biến. Bên cạnh đó, người Việt Nam có sự tinh tế và nhạy cảm lớn. Đặc biệt là ở món ăn của Việt Nam khi sử dụng nhiều nguyên liệu tươi, đó là một phần thể hiện sự tinh tế và nhạy cảm khiến tôi cảm thấy rất trân trọng.

Tôi cũng chưa biết nhiều về sách, truyện tranh Việt Nam. Tôi cũng rất mong có cơ hội để được đọc cũng như được xem các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam. Tôi nghĩ nền truyện tranh của các bạn sẽ phát triển tốt bởi tôi nhìn thấy sức sống của con người Việt Nam và tiềm năng phát triển, các bạn cần duy trì tinh thần tươi mới đó bởi nó sẽ là sự khác biệt của Việt Nam về sau này.

PV: Ông sẽ chuyển tải những ấn tượng và cảm xúc của mình có được khi ở Việt Nam vào tác phẩm chứ?

Họa sĩ Yasumasa Suzuki: Khi đến Việt Nam tôi đã chuẩn bị một quyển sketch book, nó đang là một cuốn giấy trắng nhưng từ hôm nay tôi sẽ bắt đầu ghi lại bằng ký họa những kỷ niệm, ấn tượng tôi có được trong thời gian ở đất nước các bạn. Đó sẽ là những ký họa về cuộc sống như tà áo dài hay những nét đẹp của người già, trẻ nhỏ… Tôi sẽ tổng hợp và mong muốn thực hiện một cuộc triển lãm về đất nước Việt Nam tại Nhật Bản.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Họa sĩ Yasumasa Suzuki: “Điều khác biệt lớn giữa các họa sĩ thời chúng tôi với thế hệ họa sĩ trẻ thời nay đó là họ sử dụng các công cụ đồ họa, thậm chí là AI để hỗ trợ cho việc vẽ tranh. Nhưng theo tôi điều khác biệt sẽ đến từ mỗi người. Mỗi người có cách truyền tải khác nhau. Với tôi cũng thế, có thế giới riêng của mình. Và tôi tôn trọng điều đó”.