Ẩn họa cây xanh gãy đổ mùa mưa bão

Những ngày qua, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, kèm với đó là tình trạng hàng loạt cây xanh trên địa bàn thành phố gãy đổ, có trường hợp còn đè lên người đi đường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Một cây xanh bật gốc, gãy đổ trên đường Phạm Văn Đồng (TP Hồ Chí Minh).
Một cây xanh bật gốc, gãy đổ trên đường Phạm Văn Đồng (TP Hồ Chí Minh).

Nguy cơ thường trực

Ngày 7/6, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có trận mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ khiến nhiều tuyến đường bị ngập, một số tuyến đường cây xanh gãy đổ do mưa to gió lớn, may mắn xảy ra vào khung giờ thấp điểm nên không có sự việc nào đáng tiếc xảy ra.

Những cơn mưa lớn đầu mùa trước đó cũng đã khiến nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố gãy đổ. Đến thời điểm hiện nay, tuy chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng nhưng người dân vẫn không khỏi lo lắng về tình trạng mất an toàn cây xanh mỗi khi bước vào mùa mưa.

Ông Lý Văn Hào (ngụ đường Châu Văn Liêm, Quận 5) bày tỏ: “Mùa mưa bão chúng tôi rất lo lắng về tình trạng cây xanh gãy đổ, nhất là các cây lớn tuổi, cây sâu bệnh lâu ngày nguy cơ luôn thường trực, đồng nghĩa người đi đường mất an toàn cao. Rất mong cơ quan chức năng thành phố có biện pháp bảo đảm an toàn”.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên các tuyến đường như: Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Phạm Văn Đồng…, hàng cây xanh hai bên đường chủ yếu là phượng, me tây, xà cừ, lim sét, sọ khỉ… Đây là những loại cây rất dễ gãy nhánh nếu gặp mưa to gió lớn.

Từng chứng kiến cây xanh gãy đổ trúng người đi đường, bà Đào Thị Thanh (ngụ Quận 3) luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi bước vào mùa mưa. “Hôm đó trời mưa gió to, một anh đi xe máy Grab khi đi qua đường Cách Mạng Tháng Tám không may bị cây xanh bên đường gãy đổ vào khiến xe đè lên người, rất may là chỉ bị xây xước tay chân và chấn thương phần mềm”, bà Thanh cho biết.

Theo ông Lê Văn Tấn, Trưởng phòng Công viên cây xanh thuộc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh), sự cố ngã đổ cây xanh đô thị do nhiều nguyên nhân. Trong đó, yếu tố tác động bất lợi, cực đoan của tình hình thời tiết như mưa bão, giông, lốc xoáy… là một trong những nguyên nhân chính.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng Bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên (Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh) cho rằng, phương pháp khả thi nhất để tránh xảy ra sự cố cây xanh chính là thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa cây, nhất là trước mùa mưa bão. Song song đó, cần có kế hoạch thay thế cây mới.

Cây sinh trưởng trong tự nhiên tuổi thọ có thể lên đến hàng trăm năm, nhưng cây trồng trong đô thị thì thường chỉ đạt từ 50 - 70 năm. Phải có nghiên cứu bài bản về vấn đề này, từ đó có phương án thay mới cây xanh phù hợp, kịp thời.

Cũng theo các chuyên gia nghiên cứu cây xanh đô thị, giải pháp trước mắt cho vấn đề cây xanh gẫy đổ là cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống cây xanh, phát hiện nhanh và sớm nhất những cây bị bệnh. Giải pháp mang tính căn cơ dài hạn là cần huy động tri thức và tinh túy của các chuyên gia, giới khoa học trong vấn đề bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh đường phố.

Cần giải pháp căn cơ

Để bảo đảm an toàn, giảm sự cố cây xanh trong mùa mưa bão năm 2024, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh sẽ thường xuyên thực hiện hoạt động chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh.

Cụ thể, ông Lê Văn Tấn cho biết, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đã liên tục triển khai kiểm tra, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây. Đến nay, đơn vị đã cơ bản hoàn thành công việc cắt tỉa đợt 1 trong năm 2024 (trong năm sẽ có 2 đợt cắt tỉa). Đặc biệt, chú trọng rà soát thay thế cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn trên đường phố. Từ đầu năm 2024, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đã tiến hành xử lý, thay thế gần 700 cây xanh mất an toàn trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, đối với cây xanh đường phố thuộc quản lý của các đơn vị khác như UBND thành phố Thủ Đức, UBND các quận, huyện khác, Sở Xây dựng đã triển khai các yêu cầu, lưu ý, khuyến cáo về công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh đến các đơn vị cũng như chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật có sự phối hợp theo thẩm quyền, chức năng để bảo đảm công tác an toàn cây xanh.

Liên quan các giải pháp để phát triển cây xanh đô thị sau khi bị đốn hạ, di dời tại TP Hồ Chí Minh, nhất là khi thành phố đang thiếu trầm trọng diện tích cây xanh trên đầu người, lại trong điều kiện thời tiết cực đoan năm nay, ông Lê Văn Tấn thừa nhận cây xanh có vai trò quan trọng trong việc tạo, duy trì cảnh quan đô thị, cải thiện tích cực môi trường sống cho người dân, là yếu tố cần thiết và quan trọng cho cuộc sống đô thị. Cây xanh là một trong những hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, vì vậy việc phát triển đô thị phải luôn gắn liền, đồng hành với việc bảo tồn, phát triển hệ thống cây xanh.

Trong điều kiện TP Hồ Chí Minh rất thiếu về chỉ tiêu mét vuông công viên, cây xanh trên đầu người thì việc duy trì, phát triển hệ thống công viên, cây xanh luôn được quan tâm, cần nhiều nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành, các sở, ban, ngành và người dân.

Đối với việc đốn hạ, di dời cây xanh phục vụ các dự án, TP Hồ Chí Minh đều có tính toán bù đắp thông qua việc chủ đầu tư thực hiện trồng lại cây xanh theo thiết kế. Thành phố cũng triển khai các kế hoạch phát triển công viên, cây xanh thông qua rà soát những vị trí, khu đất, tuyến đường để có thể phát triển thêm công viên, cây xanh nhằm thay thế, bổ sung khối lượng cây xanh đã đốn hạ, cũng như để tăng thêm tỷ lệ mét vuông công viên, cây xanh tương ứng với khối lượng hạ tầng giao thông được phát triển.

Cũng theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, gỗ thu hồi từ việc xử lý cây xanh phục vụ đầu tư xây dựng các công trình sẽ do các chủ đầu tư thực hiện thu hồi, thanh lý để thu, nộp ngân sách theo quy định hoặc thực hiện theo các chủ trương, chỉ đạo khác. Bên cạnh đó, số lượng gỗ khác có tính chất thu hồi liên tục từ việc thay thế cây xanh bị mất an toàn trong quá trình chăm sóc, bảo dưỡng (cây chết, hư hại, mục, bọng, ngã đổ...) cũng được các đơn vị thanh lý theo quy định.

Thời gian qua, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã thanh lý toàn bộ khối lượng gỗ thu hồi từ việc đốn hạ, giải tỏa cây xanh và sẽ thường xuyên tổ chức thanh lý, đấu giá công khai khi có khối lượng gỗ phát sinh. Gỗ thu hồi từ việc đốn hạ cây xanh có chất lượng không cao, được cưa cắt trong điều kiện đô thị nên hạn chế về kích thước (chất lượng gỗ tận thu, không phải là gỗ lâm sản), chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về công tác thanh lý, đấu giá gỗ thu hồi từ cây xanh đường phố...

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, những ngày tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục có những cơn mưa chuyển mùa. Người dân cần đề phòng hiện tượng thời tiết cực đoan như gió giật, lốc, sét, có khả năng xuất hiện trong những cơn mưa giông. Trong đó, không ít những vụ việc thương tâm liên quan đến cây xanh gãy, đổ. Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, ngoài trách nhiệm kiểm tra, chăm sóc của các đơn vị chức năng thì người dân cũng nên hạn chế lưu thông vào các con đường có nhiều cây xanh kích thước lớn hoặc trú mưa vào những lúc mưa to, gió lớn.

Để phòng tránh cây xanh gãy đổ, bảo đảm an toàn cho người dân, mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng đã có các chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị kiểm tra, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong mùa mưa. Trong đó nhấn mạnh việc rà soát, có biện pháp xử lý cành, nhánh các cây cao dễ ngã đổ, nhất là cây xanh ở khu vực trường học, bệnh viện, công viên, khu dân cư.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo hiệu trưởng các trường học phải thường xuyên kiểm tra, rà soát các cây xanh trong khuôn viên của trường để có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm an toàn. Sở Xây dựng phối hợp với TP Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị kiểm tra chặt chẽ công tác quản lý cây xanh đô thị, khắc phục tình trạng cây gãy đổ mất an toàn trong mùa mưa bão; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị quản lý cây xanh đô thị, rà soát số lượng cây gây nguy hiểm, không an toàn để cắt tỉa cành...