BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

13 năm thầm lặng vá đường

Có người bảo anh “làm chuyện bao đồng”, rồi thì “ăn cơm nhà nhưng lo chuyện chẳng giống ai”, bỏ ngoài tai những lời ấy, suốt 13 năm người đàn ông trú tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín (Hà Nội) vẫn cứ miệt mài hàng đêm đi chữa lành những con đường chằng chịt ổ gà. Anh là Phạm Văn Hiếu, người làm những việc thiện nguyện với suy nghĩ giản đơn rằng, mang đến an toàn cho mọi người chính là niềm vui.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Phạm Văn Hiếu thầm lặng suốt nhiều năm đi chữa lành những con đường.
Anh Phạm Văn Hiếu thầm lặng suốt nhiều năm đi chữa lành những con đường.

Việc tốt thầm lặng

21 giờ, đêm càng về khuya, càng lạnh. Đợt rét tăng cường khiến đường phố Hà Nội như thưa vắng bóng người qua lại hơn. Những cơn gió đêm hun hút thổi khiến những ngôi nhà ven đường tắt điện và đi ngủ sớm hơn thường nhật. Trái ngược cảnh đó, trên trục đường qua thôn Yên Phú đoạn dẫn đến Trường THPT Lý Tử Tấn (huyện Thường Tín) vẫn loang loáng ánh đèn pin rọi sáng. Nơi chi chít ổ gà, một nhóm thanh niên đang thầm lặng san đá, vá đường. Người “chốt chặn” hướng dẫn và điều tiết giao thông, nhóm khác thì đeo găng tay, dùng búa đập nát và dàn đều hỗn hợp gồm đá và nhựa đường. Có những em nhỏ đi theo người lớn cũng kịp góp sức bằng cách đứng rọi chiếc đèn nhỏ để mọi người có đủ ánh sáng làm việc.

Ngưng tay khỏi chiếc đầm sắt nặng chịch, quệt ngang giọt mồ hôi sau khi ổ gà được là phẳng, Phạm Văn Hiếu cười tươi bảo tôi, dịp này, anh và những người bạn của mình ưu tiên giặm, vá các tuyến đường đi đến trường học bị bong tróc, hư hỏng. Bởi những lúc trời mưa, gặp ổ gà, gặp xe tải chạy ngang qua là quần áo các em học sinh bị lấm lem. Không những vậy, theo lời anh Hiếu, trục đường qua thôn Yên Phú còn là điểm mà khách tham quan hay chọn để lưu thông đến chùa Đậu. Việc đường được “chữa lành” sẽ giúp du khách đi vãn cảnh an toàn và giúp hạn chế những tai nạn giao thông có thể xảy đến.

Nhắc lại hành trình “chữa lành” những con đường của mình, anh Phạm Văn Hiếu kể, năm 2010, trong một lần đi làm bản thân đã chứng kiến vụ ngã xe trên đường, nguyên nhân bởi người đi đường chẳng may lạc xe vào ổ gà ũng nước. Cách đó ít ngày, chính anh cũng bị ngã khi đi vào ổ gà. Bản thân chứng kiến và trực tiếp thấy được những nguy hiểm tiềm ẩn từ cung đường hư hỏng, anh Hiếu nảy ra ý định vá lại chúng.

Những ngày đầu dấn thân vào việc này với anh cũng có những khó khăn nhất định. Ban đầu, anh Hiếu bỏ tiền mua và mang theo cát, sỏi, xi-măng đến để vá đường. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn những chỗ vá đã bị sụt lún và hư hại. Để tìm ra căn nguyên, anh đến các công trường thi công và quan sát đội thợ làm đường. Dần anh nhận ra, để thi công đường, người ta sử dụng hỗn hợp nhựa đường và đá dăm. Thế là anh lại tự bỏ tiền túi ra để mua nhưng là mua nhựa đường và đá dăm. Cũng có khi, trong lúc đi làm Hiếu thấy đơn vị thi công đường còn thừa nguyên vật liệu, anh cũng tìm cách liên hệ để xin về. Những ổ gà sau khi được vá lại đã phẳng phiu và không bị hư hại như khi dùng cát sỏi.

Anh Phạm Văn Hiếu chia sẻ, hiện anh tìm được một cơ sở chuyên cung cấp những vật liệu vá đường trên khu vực cảng Khuyến Lương (quận Hoàng Mai). Ban đầu, thấy Hiếu có ý định mua vật liệu làm đường, vị lãnh đạo doanh nghiệp còn tưởng anh là tư nhân tìm đến để mua lẻ, phục vụ thi công những hạng mục nhỏ. Họ cũng tỏ ra dè chừng. Thật may, khi được Hiếu giải thích, khi biết những việc làm ý nghĩa của anh thì người lãnh đạo đơn vị nọ đã vui vẻ và đồng ý làm việc tiếp với chàng thanh niên nhân hậu.

Đáng mừng hơn, họ còn không nỡ lấy tiền anh. Với những điểm đường cần vá ở tỉnh xa, họ còn cho người chở trực tiếp vật liệu đến cho Hiếu. “Họ bảo những việc mình làm hết sức ý nghĩa. Họ không có nhiều nhưng cũng có tấm lòng để cùng làm việc thiện. Thế là họ cho vật liệu, có lúc còn chở tận nơi để cả nhóm vá đường…”, anh Phạm Văn Hiếu vui vẻ kể.

Lại có lần, khi Hiếu và cả nhóm bạn đang mải miết làm việc, một chiếc xe tải chạy qua thấy mọi người kỳ cụi làm thao tác đầm và là phẳng mặt đường, người lái xe đã đi chậm và đưa xe vào đúng điểm mới vá, giúp Hiếu bớt đi không ít công sức.

Quanh câu chuyện vá đường, anh Hiếu kể, bản thân cũng nhờ việc này mà gặp được người kết tóc xe duyên với mình. Trong lần tham gia cùng vá đường, anh đã gặp một cô gái hiền lương, mê làm việc thiện giống mình tên là Lê Thị Phượng. Dù đêm tối nhưng người con gái nọ không quản ngại khó khăn vẫn theo anh đi sửa chữa những cung đường hỏng.

Mỗi chuyến đi lại vun bồi thêm tình cảm, nhờ những việc tốt thầm lặng Hiếu đã tìm được cho mình hạnh phúc riêng. Hiếu bộc bạch với tôi, do thấu hiểu việc nghĩa mà chồng làm nên vợ thông cảm được cho anh. Anh bảo, chị đã quen với cảnh hằng đêm đợi chồng đi vá đường về mới đi ngủ. Cũng không ít lần, anh và chị cùng đưa con đi vá đường để con có thêm trải nghiệm cuộc sống và thấy được niềm vui khi được giúp đỡ mọi người.

Mong sao những thiện lành sẽ lan tỏa

Không chỉ nên duyên nhờ nghĩa cử vá đường, anh Hiếu còn bắt gặp không ít nhân duyên thiện lành khác, đó là những người cùng chí hướng, muốn đem những điều tốt đẹp lan tỏa trong cuộc sống. Nhắc chuyện này, anh Lê Văn Dũng (sinh năm 1997) trú tại thôn Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín chia sẻ, bản thân đã gắn bó và đồng hành với anh Phạm Văn Hiếu trong rất nhiều đêm chữa lành những con đường.

Ban ngày làm công nhân, tối hai anh em lại cùng đi vá đường. Cả hai lập thành nhóm nhỏ, cứ thấy hố, thấy đường hư hại là nhắn tin cho nhau, hẹn thời gian và địa điểm để cùng đi xử lý. Nếu làm không xong, đêm hôm sau sẽ lại tiếp tục làm. “Ban đầu người thân quen cũng ngăn cản tôi làm công việc này, chủ yếu vì vá đường thường phải đi lại vào ban đêm, rất nguy hiểm nhưng sau được nghe tôi giải thích, lại thấy việc làm ý nghĩa của tôi với anh Hiếu nên không ai ngăn cản nữa”, anh Lê Văn Dũng bộc bạch.

Giống như anh Lê Văn Dũng, cảm cái tấm lòng thiện tâm của anh Phạm Văn Hiếu nên nhiều bạn trẻ đã tình nguyện đăng ký tham gia và thành lập lên một câu lạc bộ vá đường. Em Lê Văn Minh (sinh năm 2000) cho biết, trong một lần trò chuyện và được nghe những câu chuyện tử tế về nhóm vá đường của anh Hiếu, Lê Văn Minh đã tìm cách liên hệ và tham gia. Thế rồi cũng từ đó đến nay, bất cứ khi nào nhóm có lịch, Minh cũng đi theo và rong ruổi khắp các ngõ phố của Thủ đô để vá đường. Cứ thế, dù mùa đông hay mùa hạ, từ 20 đến 23 giờ, trên những cung đường xuống cấp luôn có những chú ong đêm cần mẫn chữa lành, để mỗi sớm mai mọi người có thể đi lại được êm thuận.

Là một trong những thủ lĩnh tinh thần của nhóm vá đường, ít ai biết rằng, Hiếu còn được biết đến là một người luôn tiên phong trong hoạt động hiến máu tình nguyện. Phạm Văn Hiếu kể, bắt đầu từ năm 2010 anh đã tham gia hiến máu. Hiếu hiến nhiều. Cho đến thời điểm này anh vẫn không nhớ rõ chính xác bản thân đã bao nhiêu lần hiến máu, chỉ biết rằng cứ hễ đủ thời gian, anh lại có mặt ở viện hoặc tại địa phương để tham gia hoạt động thiện nguyện này.

Nói chuyện này, Phạm Văn Hiếu bảo tôi, sang tuần nhóm của anh sẽ có một buổi hiến máu quy mô lớn. Quy mô lớn bởi các thành viên thay vì đi riêng lẻ, nay cận Tết nên đông đảo mọi người cùng nhau đến cùng một ngày. Hiếu chia sẻ, tất cả những người tham gia hôm tới, khoảng gần 20 thành viên, chủ yếu là những người làm công việc tự do như anh nhưng đều có chung một niềm đam mê đó là làm thiện nguyện. Tất cả đều mong muốn đem những giọt máu, những hy vọng của mình tới những người cần, để sự sống được ươm mầm.

Nhìn cách Hiếu nói, xem Hiếu làm, một người bạn của tôi rỉ tai bảo, suốt nhiều năm nay Phạm Văn Hiếu là một “địa chỉ đỏ” của không ít bệnh viện mỗi khi cần máu gấp để cấp cứu người. Nhiều bệnh viện như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Nhi Trung ương... hễ thiếu, hễ cần, chỉ nhấc máy gọi là Hiếu có mặt.

Với những đóng góp của mình, năm 2023, Phạm Văn Hiếu vinh dự được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng. Anh cũng là một trong những điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt được huyện Thường Tín vinh danh năm 2023.

Hiếu bảo với tôi, anh tuổi Canh Ngọ (sinh năm 1990 - PV) nên vất vả đủ đường. Thế nhưng, vất vả hay lận đận là số phận định đoạt, còn thiện lương là do bản tâm. Bởi khi giúp người, làm những việc có ích cho cộng đồng Hiếu luôn thấy vui. Anh bảo, hiện tại anh đang làm và tương lai cũng tiếp tục làm những điều thiện. Nhìn nét chân chất trên gương mặt của Hiếu, tôi tin anh sẽ làm được, đúng như câu “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.