Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

Tháng 4/2021, cô gái 9X Nguyễn Chiều Xuân sáng lập Lionbooks vì muốn có thêm nhiều sách thuần Việt cho thiếu nhi. Bốn tháng sau, Xuân bắt đầu những bản thảo đầu tiên của series “Em yêu Việt Nam mình” ở vai trò tác giả kiêm nhà sản xuất. Đến nay, tủ sách đã có bảy bộ với bao câu chuyện đẹp từ nhiều vùng miền. Xuân nói sẽ tiếp tục tỉ mẩn gieo hạt đợi ngày những mầm cây ngập tràn yêu thương khoe mình trong nắng ấm.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả Võ Thị Mai Chi tìm thêm chất liệu cho những cuốn sách viết về vẻ đẹp các vùng miền.
Tác giả Võ Thị Mai Chi tìm thêm chất liệu cho những cuốn sách viết về vẻ đẹp các vùng miền.

Những con chữ chất chứa yêu thương

Là người ưa xê dịch, Xuân hay cùng chồng và cô con gái nhỏ khám phá những vùng đất mới dọc dải đất chữ S. Đến bất cứ nơi nào, sở thích của bà mẹ trẻ là lân la làm quen với người địa phương để biết cho bằng được những điểm đặc trưng, nét độc đáo ở đó. Mà đâu chỉ các địa điểm nổi tiếng, mấy món ăn ngon, cái Xuân tò mò, thích thú còn là nếp văn hóa, phong tục của từng vùng đất. Đi mãi, đi mãi, đến một ngày đứng giữa biển miền trung ngập tràn nắng gió, Xuân tự nhủ “Hay là mình làm bộ sách lưu giữ những điều đẹp nhất về đất, về người Việt Nam cho trẻ con nhỉ? Biết đâu từ trang sách nhỏ sẽ dưỡng nuôi được tình yêu lớn cho quê hương, đất nước”.

Vậy là những con chữ đầu tiên của bộ sách đầu tiên trong series mang tên “Việt Nam quê mình” với ba tựa “Vèo vèo Hội An”, “Xình xịch đến Huế” và “Tu tu ra khơi” thành hình trong niềm vui khấp khởi. Viết xong, rà đi rà lại bản thảo mấy bận trước khi tổ chức vẽ tranh minh họa, Xuân vẫn còn xuýt xoa. Cô mỉm cười khi tưởng tượng ra cảnh bọn trẻ tụm năm tụm ba háo hức lật mở từng trang sách rồi khoe cùng chúng bạn “Chỗ này bố mẹ tớ dắt đi rồi. Biển nơi này rất tuyệt” hay “Mẹ tớ nói Việt Nam mình đẹp chẳng thua nước nào đâu. Và tớ thấy đẹp thật các cậu ạ!”… Niềm vui ấy đến thật nhanh khi trong một lần đưa gia đình về miền trung du lịch, con gái nhỏ của Xuân reo lên giữa phố “Mẹ ơi, chỗ này quen lắm. Con thấy trong sách mẹ làm đó”. Tự dưng lúc ấy, Xuân thấy lòng xốn xang đến lạ. Kiểu như ai đó chạm vào tim, đúng chỗ đong đầy thương yêu.

Cả series sách bảy bộ thì có tới sáu bộ, Xuân là người viết nội dung. Hỏi sao không đặt tác giả các nơi viết cho tiết kiệm chi phí, Xuân lắc đầu: “Sợ không đúng ý mình lại tiếc. Thôi thì ráng chăm chút cho đến khi gặp người cùng chí hướng. Dù gì, mình cũng chân đi mà”. Bạn bè hay đùa, làm sách mà kỳ công, đi lại bao lần để lấy chất liệu, kiểm chứng thông tin rồi bổ sung cái này, cái kia chắc có ngày… lỗ vốn. Xuân cười, lỗ vốn thật chứ đâu đùa nhưng vẫn lãi nhiều thứ, nhất là nụ cười trẻ thơ khi được cùng bố mẹ khám phá đất nước mình xinh đẹp qua từng trang sách đẹp.

Xuân nói, được làm sách về vẻ đẹp của đất nước thì thích lắm nhưng cũng đủ điều khó. Cái khó lớn nhất là có quá nhiều thứ để kể, nhiều lúc chẳng biết bắt đầu từ đâu. Biển đẹp làm sao, rừng như thế nào, nếp sống ở địa phương đó có gì đặc biệt… bao nhiêu thứ cứ nhảy múa trong đầu, đòi chen vào từng trang sách. Nhiều lúc buộc phải cắt bỏ các chi tiết thừa để sách truyền tải vừa đủ nội dung cho con trẻ, tác giả đau đầu vì… tiếc. Nhưng chính điều đó giúp Xuân ngày càng tinh tế hơn trong việc chọn lựa nét đặc trưng của từng điểm đến. “Tôi luôn dặn mình phải làm sao để trẻ cảm nhận được nét riêng của từng địa phương. Mà điều đó cần đến từ trải nghiệm thực tế của tác giả. Người viết phải đi đến tận nơi, tự cảm nhận và lựa chọn điều đặc biệt. Rồi cách kể cũng phải mềm mại, nhẹ nhàng, có tính gợi mở. Có cuốn, tôi phải đi lại khá nhiều lần để lấy tư liệu, cảm nhận mọi thứ rồi quay lại quan sát lần nữa xem cảm nhận của mình có thật sự phù hợp với góc nhìn trẻ thơ không. Nói chung, đây là dòng sách vất vả nhất nhưng tôi thấy xứng đáng để đầu tư”.

Đâu chỉ ra sách là xong, chính những hoạt động triển khai sau đó đã giúp các câu chuyện kể của bà mẹ trẻ đến gần với độc giả nhí. Với mỗi bộ sách Xuân chọn cách lan tỏa riêng, nhưng bao giờ cũng là những buổi cùng đọc sách, cùng kể chuyện về các nhân vật tại nhiều tỉnh thành để trẻ cười vang vì thích thú. Cái đẹp của đất, của người, của nếp sống tại từng địa phương được lồng ghép trong từng câu chuyện kể để khi sách khép lại, một thế giới rực rỡ sắc màu sẽ mở ra trước mắt, chờ những đứa trẻ khám phá, cảm nhận vẻ đẹp quê nhà. “Thấy gương mặt háo hức của các bạn nhỏ, tôi biết sách đã chạm đến tâm hồn các em. Tình yêu đất nước được dưỡng nuôi từ những thứ đẹp đẽ, bình dị và gần gũi. Có tình yêu với quê hương, hiểu hơn về nơi mình sinh ra, biết thêm các vùng đất thì khi lớn lên, các con sẽ có sẵn một nền tảng cho việc khám phá học hỏi và bước chân ra thế giới”, Xuân vui vẻ cho hay.

Để trẻ thêm yêu đất nước mình

Con trẻ mê Toán, giỏi tiếng Anh và nhiều bộ môn khoa học khác nhưng lại chẳng mấy mặn mà với những điều thân thương ngay tại nơi cha mẹ chúng sinh ra, lớn lên cũng là điều khiến tác giả Võ Thị Mai Chi lo lắng. Hỏi Ý có món gì, tụi nhỏ dễ dàng nói mì Spaghetti hay Pizza, hỏi Pháp có gì thì sẽ là Eiffel, Ai Cập thì kim tự tháp… Nhưng ở Việt Nam, chưa chắc các con nhìn công trình Nhà thờ Đức Bà hoặc chùa Một Cột đã biết nó ở TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, hay món phở bò mỗi sáng con hay ăn thì xuất xứ từ đâu.

Sợ một ngày kia các bạn nhỏ rành rẽ về thế giới mà lại mơ hồ khi nhắc đến quê hương mình, cách đây không lâu, Mai Chi cùng các cộng sự bắt đầu hành trình kể chuyện cho độc giả nhí về văn hóa, địa lý nước nhà với “Đất nước gấm hoa - Atlas Việt Nam” (NXB Kim Đồng) và bộ sách tranh “Đến thăm thành phố của em” (NXB Trẻ). Chọn đề tài về địa phương, Mai Chi muốn góp phần đưa những nội dung đặc trưng của đất nước mình đến gần hơn với độc giả nhí sao cho dễ đọc dễ nhớ, từ đó muốn tìm hiểu sâu về các điểm đến mình yêu thích. Ở “Đất nước gấm hoa”, tác giả biên soạn, chắt lọc nội dung theo hướng đơn giản hóa để chỉ cần lật mở, nhìn vào trang sách, trẻ có thể nhớ những từ khóa quan trọng đi cùng hình vẽ đẹp mắt. Ở bộ “Đến thăm thành phố của em”, tác giả chọn cách kể chuyện thông qua việc xây dựng tuyến nhân vật cùng lứa tuổi với người đọc để truyền tải nội dung theo hướng dí dỏm, gần gũi nhất thay vì liệt kê các điểm đến, món ăn của từng địa phương.

Kể như thế nào để trẻ nắm đủ thông tin mà không thấy khô khan, nhàm chán? Kể làm sao để gói gọn được những điều hay, nét đẹp của từng vùng đất nhằm khơi gợi niềm đam mê khám phá cho trẻ về sau. Nói đơn giản chứ làm đâu dễ. Sách tranh cho trẻ luôn giới hạn con chữ và được hỗ trợ bởi phần hình minh họa, đòi hỏi tác giả phải sàng lọc nhiều lần để có được những chi tiết thật đắt trong từng trang. “Mỗi khi mở máy lên và bắt đầu gõ chữ, tôi luôn nhắc nhớ là mình đang viết cho thiếu nhi nên phải luôn đặt mình vào vị trí của các em. Nếu là các em thì mình có thích đọc không? Một địa phương có rất nhiều thứ có thể đưa vào sách, như những thông tin về công trình văn hóa, danh thắng, lễ hội… vậy thì làm sao gói gọn trong vòng 24 đến 36 trang sách tranh? Tác giả phải dẫn dắt và kể một cách chọn lọc, lôi cuốn, giúp các em nhớ được những thứ hữu ích cho bản thân trong một rừng thông tin”, tác giả Mai Chi chia sẻ.

Sách phát hành, phản hồi chê khen có đủ, nhóm tác giả ghi chép từng ý kiến để hoàn thiện hơn mỗi ngày. Mai Chi nói, mình đến với lĩnh vực này vì muốn chia sẻ cùng trẻ những điều thật đẹp của đất nước, vậy nên, ai đóng góp để giúp sách hay hơn, thú vị hơn đều rất đáng trân trọng. Niềm vui của những người viết lách như Mai Chi là một ngày kia nhận được mấy dòng tâm tình của phụ huynh nọ, kể rằng: “Vừa rồi khi dắt con trai 5 tuổi của bạn đi du lịch về Cần Thơ, bé cứ một mực phải khám phá hết các điểm có trong cuốn “Đất nước gấm hoa”. Cứ qua một điểm là bé lại dùng bút chì để khoanh tròn nó, kiểu đánh dấu mình đã chinh phục được thử thách mới này rồi, đã ăn món ăn này rồi”. Với người viết, khi trang sách khiến bạn đọc thích thú, mọi thứ trở nên ý nghĩa vô cùng.