Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh mẽ

5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả gặt hái nhiều thành công với mức tăng trưởng 28,1%, thu về gần 3 tỷ USD. Dự báo, xuất khẩu mặt hàng này có thể đạt mức kỷ lục từ 6-7 tỷ USD trong năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Thu mua, phân loại vải xuất khẩu ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: NAM ANH
Thu mua, phân loại vải xuất khẩu ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: NAM ANH

Cơ hội ở thị trường châu Âu

Cuối tháng 5, vùng vải Thanh Hà (Hải Dương) xuất khẩu lô vải thiều tươi đầu tiên đi châu Âu trong năm nay. Hai tấn quả vải tươi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP được Công ty Amei Việt Nam xuất đi bằng đường hàng không để tới Pháp. Đây là một thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất cao.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, thị trường châu Âu có nhu cầu rất lớn về quả vải nói riêng và nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu đối với vùng trồng cũng như chất lượng sản phẩm là rất cao. Chúng tôi đã ký được rất nhiều đơn hàng, doanh nghiệp đang cố gắng cùng bà con nông dân cung cấp đủ sản lượng theo nhu cầu thị trường.

Đây là tin vui trong bối cảnh vải thiều năm nay mất mùa, sản lượng vải chính vụ dự báo giảm từ 70 đến 90% so năm ngoái. Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương đánh giá, để quả vải tới được tay người tiêu dùng Pháp, chúng ta phải đáp ứng được các tiêu chuẩn Codex - một tiêu chuẩn rất khắt khe của thị trường nhập khẩu. Điều này chứng tỏ là ngoài chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì quả vải Thanh Hà đã vượt qua được những rào cản khó khăn nhất tại thị trường châu Âu.

Còn theo ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương, kết quả này cũng cho thấy công tác xúc tiến, quảng bá thương mại những năm trước đã phát huy tác dụng bước đầu. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã rất tích cực tìm tòi, nghiên cứu thị hiếu khách hàng, kết nối hiệu quả với nhiều quốc gia. “Đây cơ hội rất tốt để mở ra triển vọng xuất khẩu quả vải Hải Dương đến nhiều thị trường khác tại châu Âu”.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tháng 5/2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2023; trong đó, nông sản chính 2,73 tỷ USD (tăng 14,3%). Tính chung 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 24,14 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; trong đó, riêng mặt hàng rau quả thu về 2,59 tỷ USD (tăng 28,1%).

Đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả vẫn là sầu riêng. Mặt hàng này đạt mức tăng trưởng gấp đôi so mức bình quân của rau quả trong quý I/2024, lên tới 66% so cùng kỳ năm 2023. Đáng nói, Việt Nam đã vượt Thailand trở thành nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất tại thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng vượt Philippines trở thành nhà xuất khẩu chuối tươi lớn nhất tại thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá, dư địa xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam còn rất lớn, không chỉ tại thị trường Trung Quốc.

Ông Zoller, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tentamus Group cho biết, nông sản Việt Nam nói chung và các loại trái cây không chỉ được ưa chuộng tại châu Âu hay Bắc Mỹ mà còn là mặt hàng hấp dẫn ở nhiều thị trường khác. Vấn đề quan trọng là nhà xuất khẩu phải cập nhật được thông tin về quy định của các thị trường nhập khẩu, từ đó cung cấp các sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu chất lượng và tăng sản lượng xuất khẩu.

Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của chuối và sầu riêng, thị trường xuất khẩu rau quả tiếp tục lạc quan khi sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sắp được mở cửa thị trường vào Trung Quốc. Nếu hai mặt hàng này được mở cửa sang Trung Quốc sớm thì xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ và giá trị xuất khẩu toàn ngành có thể chạm tới con số kỷ lục 6 - 7 tỷ USD trong năm nay.

Tăng cường kiểm soát chất lượng

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), dự kiến hết năm 2024 tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,29 triệu ha (tăng khoảng 20 nghìn ha). Tổng sản lượng quả thu hoạch 5 tháng đầu năm khoảng 4,429 triệu tấn; tổng sản lượng cả năm đạt 13,506 triệu tấn, tăng khoảng 3,4% so năm 2023.

Mặc dù tăng về số lượng với nhiều tín hiệu khởi sắc về xuất khẩu, nhưng việc tăng cường kiểm soát chất lượng rau quả là rất quan trọng.

Ngay như với mặt hàng sầu riêng, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, mặc dù chất lượng sầu riêng đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đồng đều. Nếu làm tốt hơn ở khâu kiểm tra chất lượng, chúng ta có thể vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc và vượt Thailand trong tương lai.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang bước vào đầu giai đoạn thu hoạch chính vụ một số cây ăn quả như xoài, sầu riêng, mít, bưởi, nhãn, thanh long... nên giá giảm. Cụ thể, giá thu mua sầu riêng ở mức 70.000 - 83.000 đồng/kg, giảm từ 37.500 - 60.000 đồng/kg; giá thanh long ruột đỏ 23.929 đồng/kg, giảm 4.643 đồng/kg, thanh long ruột trắng 20.000 đồng/kg, giảm 5.100 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng chưa có nhiều đột phá về xuất khẩu.

Để khơi thông thị trường xuất khẩu, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại, mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào các thị trường truyền thống, thị trường xuất khẩu lớn (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc...); các thị trường mới, nhiều tiềm năng (thị trường các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi...); thúc đẩy sớm ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi (thị trường Trung Quốc),… Phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.