Xuất khẩu hàng hóa khởi sắc

Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trong các tháng gần đây, cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng cho năm 2023, khi nhiều tổ chức đánh giá sức mua thế giới và niềm tin của người tiêu dùng đang tăng trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
Mặt hàng nông sản có sự bứt phá mạnh trong thời gian qua. Ảnh: BẮC SƠN
Mặt hàng nông sản có sự bứt phá mạnh trong thời gian qua. Ảnh: BẮC SƠN

Xuất khẩu hàng hóa liên tục tăng trưởng

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Xuất khẩu ở khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%.

Như vậy, liên tục trong bốn tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đều có mức tăng trưởng so với tháng liền kề trước đó. Điều này cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực.

Như vậy, thị trường đã khởi sắc trở lại bất chấp kết quả chung tám tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%. Cán cân thương mại hàng hóa tám tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.

Đáng chú ý, mặt hàng rau quả đã có sự bứt phá rất mạnh trong thời gian qua. Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tám tháng qua ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục từ trước tới nay của ngành rau quả. Trong đó, mặt hàng sầu riêng từ kim ngạch “không đáng kể” đã vươn lên trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt tăng trưởng của một số mặt hàng như: gạo đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều đạt 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà-phê đạt 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%; sản phẩm chăn nuôi đạt 325 triệu USD, tăng 26,1%...

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nguyên nhân xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh là do tháng 5 và 6 vào mùa thu hoạch rộ loại quả này ở các tỉnh phía nam nên lượng hàng xuất sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến. Từ tháng 8 tới cuối năm sẽ bước vào chính vụ thu hoạch ở Tây Nguyên. Do đó, sản lượng sẽ tăng vọt và xuất khẩu sầu riêng vượt 1 tỷ USD.

Gần đây, giá sầu riêng Việt Nam được doanh nghiệp và tiểu thương Trung Quốc mua giá cao, ngưỡng bán 85.000-100.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, năm 2023, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,25 tỷ USD, giảm 1,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,2%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng tăng trong vài tháng trở lại đây với nhóm hàng chính là tư liệu phục vụ sản xuất. Với mức gia tăng như vậy, có thể kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa khởi sắc hơn thời gian tới.

Tính chung tám tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong tám tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá hơn 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có hai mặt hàng nhập khẩu hơn 10 tỷ USD, chiếm 38,8%).

Xuất khẩu hàng hóa khởi sắc ảnh 1

Doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc có thể phục hồi từ quý IV/2023. Ảnh: HẢI NAM

Nhiều điểm sáng vào cuối năm

Bộ Công thương thông tin, một yếu tố thuận lợi khác cho xuất khẩu các tháng cuối năm là từ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự kiến, tồn kho hàng hóa tiếp tục giảm. Ngoài ra, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng, đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các yếu tố như hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và xuất khẩu. Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo hiệp định EVFTA... sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

Nhận định về thị trường, Công ty chứng khoán Agribank (AGR) cho biết, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại một số thị trường xuất khẩu chính như Mỹ hay Trung Quốc cũng đang tăng trở lại. Đây là điểm sáng cho thị trường những tháng cuối năm.

AGR kỳ vọng, đơn hàng xuất khẩu từ quý III sẽ tiếp tục phục hồi rõ nét hơn, đặc biệt, đối với các mặt hàng như thủy sản, gỗ, dệt may, xơ - sợi,...

Đối với ngành dệt may, xơ - sợi, AGR đánh giá, các doanh nghiệp xuất khẩu xơ - sợi có thể phục hồi rõ nét từ quý III/2023 do các nhà sản xuất phải bổ sung hàng tồn kho dự trữ cho việc nhu cầu của khách hàng gia tăng vào mùa lễ hội cuối năm. Còn doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc có thể phục hồi từ quý IV/2023.

Với ngành gỗ, AGR kỳ vọng, lợi nhuận của các doanh nghiệp này sẽ lấy lại đà tăng trưởng từ quý IV/2023, nhờ tín hiệu doanh số bán nhà mới tại thị trường Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi, cùng đó là thị trường bất động sản trong nước cũng khả quan hơn nhờ các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho rằng, nhiều khả năng xuất khẩu Việt Nam sẽ phục hồi vào quý IV/2023 do chu kỳ hàng tồn kho tại Mỹ đã chạm đáy và do nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tăng tốc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Cơ sở đưa ra nhận định này, theo báo cáo của VinaCapital, là lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ vẫn tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lượng hàng tồn kho đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” như hàng điện tử gia dụng và hàng may mặc theo ước tính của VinaCapital là không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

Cho rằng, Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, VinaCapital kỳ vọng hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024 (trở lại mức tăng trưởng 8-9% đối với ngành sản xuất). Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP phục hồi từ dưới 5% năm 2023 lên 6,5% trong năm sau.