Tương lai “xa” của điện gió ngoài khơi

Theo Bộ Công thương, do còn nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý, chính sách, quy hoạch nên việc đạt được mục tiêu phát triển 6 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 là rất khó khả thi. Đáng chú ý, cơ hội cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở sân chơi này đang rất hứa hẹn, nếu được lựa chọn thí điểm phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Điện gió ngoài khơi được coi là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng. Ảnh: EVN
Điện gió ngoài khơi được coi là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng. Ảnh: EVN

Với đặc thù là lĩnh vực rất mới tại Việt Nam và chưa có kinh nghiệm trong đầu tư, có liên quan đến an ninh, chủ quyền biển đảo, Bộ Công thương cho rằng, chưa thể đánh giá đầy đủ các vấn đề bất cập của điện gió ngoài khơi (ĐGNK).

Việc này sẽ được Bộ Công thương tiếp tục thực hiện sau khi nhận được ý kiến của Thường trực Chính phủ và ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan liên quan về Dự thảo đề án thí điểm phát triển ĐGNK do bộ này vừa chủ trì xây dựng.

Khó hoàn thành mục tiêu

Theo Bộ Công thương, cùng với mục tiêu chung như phát triển ĐGNK theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” theo Nghị quyết 81 của Quốc hội, đề án đã xác lập một số mục tiêu cụ thể như đến năm 2030 sẽ hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến phát triển ĐGNK; đến năm 2032 sẽ hoàn thành đầu tư một dự án thí điểm.

Bàn về thời điểm ban hành nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm phát triển ĐGNK ngay trong tháng 5 này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề án khẳng định, nếu năm nay Quốc hội ban hành nghị quyết, thì đến 2030 dự án thí điểm rất khó khả thi để đi vào vận hành.

Theo nhiều chuyên gia, thời gian thực hiện dự án ĐGNK cần từ 6 - 8 năm kể từ khi bắt đầu khảo sát, cùng với đó suất đầu tư rất lớn khoảng 2,5 - 3 tỷ USD/GW. Tức, việc đạt được mục tiêu 6 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 theo quy hoạch điện VIII đề ra là một bài toán quá nan giải.

Ngoài ra, để bảo đảm trình tự, thủ tục, quy định pháp luật, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội đòi hỏi thời gian để tổng kết, lấy ý kiến bộ, ngành, thẩm định, trình Chính phủ cho ý kiến. Do đó, Bộ Công thương khẳng định, việc trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 năm nay cũng rất khó khả thi.

Quy hoạch điện VIII xác định, đến năm 2030, công suất ĐGNK phục vụ nhu cầu trong nước đạt khoảng 6.000 MW, có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050, tổng công suất ĐGNK đạt khoảng 70 - 91,5 GW.

Ít tháng trước, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, việc phát triển điện gió ngoài khơi còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được pháp luật hiện hành quy định cụ thể.

Ông Diên cho rằng, cần sớm báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội có nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí và ĐGNK, đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII. Riêng các dự án ĐGNK đòi hỏi đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.

Tương lai mở cho EVN

Đặc biệt, về đối tượng lựa chọn thí điểm phát triển ĐGNK, đề án cho biết, giai đoạn đầu sẽ tập trung giao tập đoàn kinh tế nhà nước, tạo tiền đề để hoàn thiện quy định pháp luật. Sau khi hệ thống pháp luật đã hoàn thiện mới tính tới giao nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân.

Cụ thể, về tập đoàn nhà nước (bao gồm PVN, EVN hoặc Bộ Quốc phòng) được nghiên cứu giao phát triển (như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hồi tháng 2 vừa qua), luận giải của Bộ Công thương cho thấy EVN đang chiếm ưu thế so với các đơn vị còn lại.

Nhận định của Bộ Công thương đưa ra, thực tế PVN và các đơn vị thành viên có những lợi thế nhất định, kinh nghiệm, năng lực khi triển khai thành công nhiều dự án dầu khí ngoài khơi nhiều năm trước. Đặc biệt, theo chỉ báo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), kinh nghiệm chuyên môn của ngành công nghiệp dầu khí có thể chi phối 40-50% chi phí một dự án ĐGNK.

Nhưng nếu chọn PVN, thì phương án này gặp trở lực đến từ quy định chưa cho phép PVN đầu tư ngoài ngành cũng như ĐGNK nói riêng. PVN thời gian qua đã kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép đầu tư ĐGNK nhưng chưa được chấp thuận.

Các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ĐGNK hầu hết đều là các tập đoàn dầu khí lớn, như: Equinor, Shell, Repsol, Total, BP, Chevron hay Petronas. Trong đó, có trường hợp như Orsted của Đan Mạch đã chuyển hoàn toàn sang các dự án năng lượng tái tạo. Equinor (Na Uy) đã giảm dần tỷ trọng dầu khí và tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo với gần 12.000 MW ĐGNK đang phát triển.

Ở phương án còn lại, theo Bộ Công thương, với nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện, EVN có những lợi thế nhất định khi tận dụng kinh nghiệm, năng lực đã có trong triển khai ĐGNK. Đáng chú ý, Nếu EVN làm dự án sẽ không phải tiến hành đàm phán giá điện. Nguyên nhân là EVN vừa là đơn vị mua điện vừa là đơn vị bán điện.

Đối với phương án giao đơn vị Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương cho rằng, cần đánh giá về sự phù hợp với chủ trương của Đảng cũng như tính khả thi sau khi xem xét năng lực cụ thể. Bộ Quốc phòng đã có ý kiến không giao thí điểm phát triển ĐGNK cho đơn vị thuộc Bộ do điều kiện về năng lực và kinh nghiệm. Tuy nhiên, một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có thể tham gia một số khâu phù hợp trong quá trình thực hiện dự án.

Hai năm trước, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T nhận định, đa số dự án điện gió ngoài khơi đang đề xuất đều có quy mô lớn (từ 2.000 - 5.000 MW) và sẽ được phân kỳ đầu tư phù hợp theo khả năng hấp thụ, truyền tải. Giai đoạn đầu thường đầu tư khoảng 1.000 MW, theo kinh nghiệm của chúng tôi thì cần khoảng 6-8 năm.

Trong khi đó, hiện đã là quý III/2022, tức chỉ còn chưa đầy 8 năm để cán đích 2030. Như vậy, nếu khâu phê duyệt quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư không được triển khai sớm thì mục tiêu đạt được 7 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 sẽ khó khả thi”. Dự báo của bà Bình từ hai năm trước, đang dần trở thành hiện thực.