Khó khăn chồng chất
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, chủ đề “Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công cho biết, xuất khẩu dệt may năm 2024 tốt hơn so với năm 2023 dù chưa thật sự lấy lại đỉnh các năm trước đó. Các doanh nghiệp dệt may có đơn hàng nhiều hơn nhưng ở trong môi trường rất cạnh tranh do giá không tăng nhưng chi phí logistics tăng, doanh nghiệp phải chia sẻ chi phí vận chuyển hàng hóa với đối tác mua hàng dẫn đến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Chi phí tăng, khách hàng yêu cầu hàng hóa xanh, sạch hơn trong khi giá không tăng đang tạo áp lực kép đối với doanh nghiệp dệt may.
Lý giải về chi phí logistics tăng, bà Lê Thị Thanh Minh, Trưởng phòng châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, vận tải đường biển chuyển hướng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi) khiến thời gian vận chuyển kéo dài, cước tàu tăng do kênh đào Suez là tuyến đường ngắn nhất vận chuyển từ châu Á sang châu Âu. Vì vậy, giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang châu Mỹ, châu Âu đầu năm 2024 tăng cao so với cuối năm 2023. Đến tháng 3, giá cước vận chuyển sang châu Mỹ, châu Âu có giảm nhưng vẫn cao hơn bình quân những năm trước 20%.
Không chỉ cước tàu tăng mà phụ phí cũng tăng mạnh, tăng không báo trước gây bức xúc cho doanh nghiệp. Thời gian vận chuyển kéo dài 10 - 15 ngày khiến chuỗi cung ứng bị đảo lộn, chậm trễ. Căng thẳng Biển Đỏ còn kéo theo tình hình thiếu container rỗng, giá container rỗng cao. “Những biến động trên thế giới cũng khiến giá dầu thô tăng, ảnh hưởng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp”, bà Minh cho hay.
Còn theo ông Trần Trọng Kim, Tham tán thương mại Việt Nam tại Arab Saudi, căng thẳng ở Trung Đông đã xuất hiện từ trước nhưng trong quý I tình hình trở nên căng thẳng hơn. Theo đó, các công ty vận tải phải tránh đi đường vòng qua châu Âu, châu Phi, thay vì đi qua kênh đào Suez. Trọng tải tàu vào kênh đào Suez đã giảm 42%; trong khi tổng tải trọng vào mũi Hảo Vọng tăng 87%, trung bình di chuyển 7 ngày… Thậm chí, một loạt tập đoàn như DP, hãng tàu quốc tế Evergreen Marine đã từng tạm dừng tất cả chuyến vận tải qua Biển Đỏ hoặc lệnh cho tàu rời khỏi khu vực… Những điều này làm tăng chi phí, chậm trễ giao hàng trong quý II/2024.
Đáng quan ngại, sau các cuộc trả đũa của Israel và Iran gần đây, tình hình càng thêm căng thẳng khiến đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam giảm, du khách từ Việt Nam không thể đến các điểm quanh khu vực Trung Đông. Qua theo dõi tình hình sở tại, các hải trình hàng hóa thời gian qua bị ảnh hưởng đã tác động đến giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Arab Saudi. Các tàu đều phải thay đổi lịch trình giao hàng, thời gian lên đến 15 ngày; công ty vận tải tăng giá cước tới 15%... có thể giảm kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Quản trị rủi ro, phòng ngừa
Các chuyên gia cũng cho rằng, tình hình căng thẳng địa chính trị trên thế giới chưa thể kết thúc sớm nên doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó. Thí dụ, đa dạng thị trường; lưu ý những điều khoản bất khả kháng khi ký kết hợp đồng xuất khẩu; mua bảo hiểm đầy đủ; cập nhật, nắm bắt sớm thông tin thị trường từ cơ quan quản lý nhà nước...
Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Arab Saudi khuyến nghị 3 nội dung. Thứ nhất, các cơ quan, tổ chức trong nước tiếp tục thông tin tới các hiệp hội, doanh nghiệp, để lường trước những khó khăn khi qua Arab Saudi, Yemen trong thời gian tới. “Đề nghị doanh nghiệp tăng cường đầu mối nhập khẩu mà không đi qua Biển Đỏ vì hiện nay vẫn còn một số cảng trong khu vực không bị ảnh hưởng, vẫn hoạt động bình thường”, ông Trần Trọng Kim nêu.
Thứ hai, khi giao dịch với doanh nghiệp nhập khẩu hàng ở khu vực này, cần ký hợp đồng thanh toán qua dạng thư tín dụng L/C, ký hợp đồng bảo đảm. Nếu khách hàng thanh toán trước càng tốt. Đặc biệt, không trả trước bất kỳ một khoản phí nào như phí môi giới hợp đồng, phí hóa đơn vì đây là lừa đảo.
Thứ ba, các hoạt động mời tham gia đơn hàng lớn, giá tốt cho các mục tiêu nhân đạo, cứu trợ cần xác minh qua kênh Đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại đây để được hỗ trợ để tránh bị lừa đảo.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng nhấn mạnh, khi triển khai hợp đồng, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, tham vấn ý kiến các chuyên gia pháp lý, chuyên gia thị trường và đặc biệt thận trọng vì trong giai đoạn hiện nay có thể xuất hiện hiện tượng lừa đảo trong thương mại quốc tế.
“Doanh nghiệp Việt thường khá hời hợt khi ký hợp đồng, chỉ quan tâm lời lỗ, ký xong mới phát hiện bị hớ. Trong khi đó, doanh nghiệp muốn có quan hệ làm ăn bền vững phải bám sát các quy định quốc tế và cần có sự tham gia của các chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm giao dịch an toàn. Có biện pháp quản trị rủi ro, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đưa vào kế hoạch của doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý về quy định xử lý tranh chấp khi ký hợp đồng thương mại quốc tế. Doanh nghiệp thường có thói quen xử lý tranh chấp là đưa ra tòa, trong khi thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hòa giải là lựa chọn cần thiết. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế hiện nay là thị trường của người mua nên doanh nghiệp cần lưu ý chọn trung tâm trọng tài quốc tế ở Việt Nam để có lợi về chi phí và điều kiện hơn, bảo đảm pháp lý tốt hơn cho doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Công thương khuyến cáo doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung hàng hóa, khi ký kết hợp đồng nên lưu ý các điều khoản bất khả kháng, mua bảo hiểm đầy đủ để tránh rủi ro, đồng thời, cần tăng cường cập nhật thông tin từ Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải để nắm bắt sớm thông tin.
“Hiện, một số doanh nghiệp đã chuyển sang giao nhận hàng hóa thông qua tuyến đường sắt liên vận từ Việt Nam qua Trung Quốc, Liên bang Nga vào châu Âu...”, bà Minh thông tin.