Xử lý nghiêm những chiêu “né” phạt nguội của lái xe

Tuy mức xử phạt đã tăng lên đáng kể, tuy nhiên nhiều lái xe vẫn sử dụng chiêu trò sửa biển, che biển số xe để đối phó camera phạt nguội nhằm đổ lỗi, che giấu hành vi vi phạm của mình.

0:00 / 0:00
0:00
Một xe ô-tô sửa biển lưu thông trên đường Hà Nội.
Một xe ô-tô sửa biển lưu thông trên đường Hà Nội.

“Quýt làm cam chịu”

Trước sự gia tăng số lượng phương tiện và các camera giao thông trên đường phố, ngày càng nhiều lái xe sử dụng chiêu sửa biển để tránh những biên bản phạt nguội. Đối với những người lái xe, hành vi “khôn lỏi” này có thể khiến tinh thần thoải mái hơn, tham gia giao thông mà không sợ bị phạt, nhưng đối với chính chủ phương tiện và lực lượng chức năng thì đây là một mối nguy hiểm kể cả khi chưa gây ra tai nạn.

Cách thức chung của các xe vi phạm là sử dụng băng dính đen trùng mầu chữ trên biển số để che lại hoặc nối thêm một phần. Thí dụ, như biển 30F khi nối thêm một nét có thể thành 30E hay số 9 chỉ cần khéo léo thêm một nét là thành số 8 và trở thành một phương tiện khác hoàn toàn khi dính phạt nguội. Một số trường hợp còn sử dụng bài hoặc giấy dán che hẳn một số trên biển. Tình trạng vi phạm này không chỉ diễn ra với những chiếc xe dịch vụ mà còn những chiếc xe sang đắt tiền khiến cho các lái xe dính phạt oan càng thêm bức xúc. Dạo một vòng trên các hội nhóm liên quan đến ô-tô, không thiếu những bài viết, chụp ảnh và phản ánh hành vi này.

Che biển số là một cách trốn tránh trách nhiệm về những sai phạm như chạy quá tốc độ, chạy sai làn đường hay dừng đỗ không đúng nơi quy định của người lái xe. Nhưng đồng thời, việc làm này còn khiến cho chủ sở hữu thật của biển xe đó dính án phạt mà mình không gây ra. “Tôi chỉ hằng ngày đi làm từ Thanh Xuân đến Bắc Từ Liêm mà bỗng nhiên một hôm nhận được biên bản phạt gửi đến tận cơ quan, ghi nơi vi phạm là cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Cả nửa năm còn không ra khỏi Hà Nội”, anh Nguyễn Hoàng Trung (trú tại Thanh Xuân) chia sẻ.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn như tai nạn xảy ra, khi lái xe chạy trốn thì lực lượng chức năng sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc tìm kiếm. Đặc biệt nghiêm trọng là những vụ án hình sự, tội phạm có thể lợi dụng điều này để thực hiện hành vi phạm pháp gây rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra.

Do đó, khi phát hiện phương tiện của mình bị phạt oan, chủ phương tiện cần cung cấp các dữ liệu chứng minh xe của mình không ở nơi vi phạm, thời gian vi phạm, kèm với đó là các giấy tờ liên quan cho cơ quan chức năng nơi gửi thông báo để xác minh. Sau khi xác minh, lỗi sẽ được xóa trên hệ thống, tuy nhiên đó là với các lỗi vi phạm giao thông thông thường, đối với các xe gây tai nạn hoặc có yếu tố hình sự, thì việc xác minh sẽ mất thời gian và phức tạp, gây phiền phức cho chủ xe.  

Cần mạnh tay hơn

Việc ứng dụng công nghệ vào giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đang ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh. Song, tỷ lệ xử phạt vẫn còn chưa được cao do nhiều nguyên nhân khách quan như: chủ xe chạy xe không chính chủ, đăng kiểm trước khi thông báo phạt nguội được phía công an cung cấp sang cơ quan đăng kiểm, hoặc chờ đến khi quyết định xử phạt hết thời hạn hiệu lực… Trong năm 2021, Phòng Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh đã trích xuất hơn 110 nghìn trường hợp lỗi vi phạm. Trong đó, chỉ có 25.026 trường hợp đóng phạt với số tiền gần 29 tỷ đồng. 

Cơ quan chức năng đang khuyến khích người tham gia giao thông khi phát hiện trường hợp vi phạm, cần báo ngay cho cơ quan công an hoặc tổ giám sát, trật tự giao thông gần nhất để có thể xử lý tại hiện trường hay trạm dừng nghỉ với những xe vi phạm. Các trường hợp gian dối này trước đây chỉ xảy ra ở trên những tuyến đường cao tốc nhưng gần đây không khó để bắt gặp ngay trong nội đô. Vậy nên cơ quan chức năng cũng khuyến khích người dân gửi video, hình ảnh tố giác để kịp thời phát hiện và điều tra, góp phần chấn chỉnh những người cầm lái đang có ý đồ xấu.

Trước đây, mức phạt cho các hành vi sửa đổi, che chắn biển số xe theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2022, mức phạt ở các trường hợp này đã tăng lên gấp sáu lần, từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Tuy mức phạt đã  tăng nhưng có lẽ vẫn chưa đủ mức răn đe để khiến các lái xe bỏ thói quen xấu này. Vì vậy, cần có những chế tài đi cùng như giam giữ xe hoặc tước giấy phép lái xe có thời hạn để nhấn mạnh hơn những hậu quả nghiêm trọng mà hành vi này gây ra đối với người tham gia giao thông.