“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”
Quyết sách đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam ngay sau ngày giành được độc lập năm 1945 không phải là phát triển kinh tế hay xây dựng quân đội. Tại phiên họp đầu tiên vào ngày 3-9-1945, Hồ Chủ tịch đề nghị mở chiến dịch “Xóa nạn mù chữ”, coi “mù chữ” là một quốc nạn với tuyên bố: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Xác định trúng điểm mấu chốt, để bắt tay thực hiện chiến dịch chống nạn mù chữ, ngày 8-9-1945, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, với lời kêu gọi: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết chữ”.
Tuyên bố của Bác Hồ đánh vào lòng tự trọng, lòng kiêu hãnh của cả dân tộc và đã tạo nên hiệu ứng tinh thần mạnh mẽ quyết tâm “diệt giặc dốt”. Các lớp học lập tức được mở ra khắp nơi, từ đình chùa miếu phủ, ở nhà, ra cả cổng chợ, đường làng... Kỳ tích đã được lập. Hơn 2,5 triệu người trên tổng số 22 triệu dân đã thoát mù chỉ sau một năm phát động phong trào. Và liên tục từ đó đến nay, trong mọi hoàn cảnh, công tác xóa mù chữ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Năm 2000, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Đến nay, tỷ lệ người biết chữ ở độ tuổi 15 đến 35 trên toàn quốc là 98,69%; 99,8% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ.
Một sự trùng hợp đặc biệt: 21 năm sau ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh Bình dân học vụ, UNESCO khởi xướng Ngày biết chữ quốc tế sau Hội nghị thế giới để xóa nạn mù chữ (tổ chức trong tháng 9-1965 tại Tehran) và lần đầu tiên tổ chức vào ngày 8-9-1966.
Năm nay, Ngày quốc tế xóa mù chữ (2015) mang chủ đề “Xóa mù chữ và Xã hội bền vững”; đặc biệt chú trọng đến việc khai thác tính liên hệ mật thiết và sức mạnh tổng hợp giữa việc biết chữ và các Mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Phát biểu tại Hội thảo quốc gia “Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ trong tiến trình xây dựng Xã hội học tập” nhân kỷ niệm 70 năm Bình dân học vụ, bà K.Mun-lơ - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Xóa mù chữ là động lực chính cho phát triển bền vững. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị rộng lớn hơn cần thiết để xây dựng xã hội bền vững”. Vị Trưởng đại diện UNESCO cũng khẳng định, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn trong công tác xóa mù chữ, nhất là nhóm thanh niên độ tuổi từ 15 đến 25. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý: “Vẫn còn đó những thách thức phía trước. Trong công tác xóa mù chữ không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc viết mà còn tăng cường xóa mù chữ kiến thức khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, và nhiều lĩnh vực khác”.
Chìa khóa để phát triển
Tổng Giám đốc UNESCO mới đây đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên và toàn thể các đối tác cần nỗ lực gấp đôi - kể cả về chính trị lẫn tài chính - để bảo đảm rằng, xóa mù chữ được xem như là một trong những động lực mạnh mẽ nhất của sự phát triển bền vững.
Đồng tình với luận điểm trên, nhiều chuyên gia giáo dục cũng bày tỏ ý kiến phải mở rộng nội hàm khái niệm “xóa mù chữ”. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, cùng với xóa mù chữ cơ bản còn phải “xóa mù chữ chức năng” - yếu tố vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm hòa nhập và bình đẳng xã hội, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho mọi người. GS, TS Phạm Tất Dong - Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, cảnh báo: Trong xã hội ngày nay, nhiều người có học vấn cao cũng bị rơi vào tình trạng mù chữ chức năng do không cập nhật được kỹ năng mới, không đáp ứng được những thay đổi về nội dung và phương pháp lao động, sản xuất của nghề.
Tại một Hội nghị giáo dục các nước châu Á cách đây không lâu cũng đã đặt vấn đề mù nghề cũng có nghĩa là mù chữ. Mù nghề còn là nguyên nhân cơ bản của sự nghèo đói. Mù thông tin, mù công nghệ tin học, mù ngoại ngữ, mù kỹ thuật… đều có thể gây nên tình trạng mù chữ chức năng của người lao động, thể hiện ở sự thiếu hiệu quả trong hoạt động chuyên môn nghề nghiệp.
Xã hội hiện đại đang thay đổi từng ngày, đòi hỏi mỗi người cần liên tục học hỏi, thường xuyên cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống và kỹ năng lao động. Đẩy mạnh quá trình xây dựng xã hội học tập là hết sức cần thiết, công tác xóa mù chữ chức năng càng cần thiết hơn. Song, để thành công, ngành giáo dục cần phải lựa chọn đúng điểm mấu chốt nhất để tạo nên đột phá. Lúc này, điểm mấu chốt và cũng là chìa khóa hội nhập thế giới là “xóa mù tin học và ngoại ngữ” phải được thực hiện quyết liệt như tinh thần Bình dân học vụ của 70 năm trước.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa rồi liệu có khiến nhiều người phải suy nghĩ, khi có đến hơn 80% điểm dưới trung bình (từ 5 trở xuống)?! Xã hội có quyền đặt câu hỏi - liệu Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 sẽ về đâu? Xóa mù tiếng Anh - đã đến lúc không còn là việc nên làm, mà là việc phải làm, cấp bách và phải có hiệu quả.