Xem xét tiếp tục giảm thuế VAT

Chính phủ đang đề xuất Quốc hội cho thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong thời gian sáu tháng đầu năm 2024, áp dụng với nhóm đối tượng như đã từng triển khai tại Nghị quyết 43. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế cho rằng, nên kéo dài thời hạn giảm thuế hết năm 2024 và mở rộng đến tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục giảm thuế VAT là để hỗ trợ trực tiếp cho người dân, từ đó gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất. Ảnh: HẢI NAM
Tiếp tục giảm thuế VAT là để hỗ trợ trực tiếp cho người dân, từ đó gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất. Ảnh: HẢI NAM

Duy trì giảm thuế VAT để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra (từ ngày 23/10 đến 29/11/2023) là thông qua Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết này chiều 20/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ… đã làm nền kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn. Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Bộ trưởng thông tin, trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã đề ra giải pháp giảm VAT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất này ở mức 10%, từ ngày 1/2 đến hết ngày 31/12/2022.

Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thông qua Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết 43 từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.

Qua bốn tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9 và tháng 10/2023), chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết 101 đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15.600 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024, trong đó có việc tiếp tục xem xét giảm thuế VAT.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho hay, trên cơ sở báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách giảm 2% VAT theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 101 đã được thực hiện ổn định trong năm 2022, 2023; dự kiến thu ngân sách năm 2024 còn nhiều khó khăn, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế VAT như nội dung quy định tại hai Nghị quyết nói trên, thời gian áp dụng từ ngày 1/1 đến 30/6/2024.

Theo đó, tất cả những hàng hóa dịch vụ đang chịu thuế VAT 10% sẽ được giảm xuống mức 8% trong thời gian nói trên; trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến việc áp dụng chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng (trung bình 4.175 tỷ đồng/tháng).

Điểm mới của dự thảo Nghị quyết lần này là Chính phủ đề xuất, sau ngày 30/6/2024 nếu tình hình chưa hết khó khăn thì sẽ tiếp tục đề xuất việc gia hạn chính sách này.

Tại buổi thảo luận hội trường về giảm thuế VAT chiều 20/11, các đại biểu Quốc hội đều đồng thuận về việc tiếp tục gia hạn chính sách này để hỗ trợ trực tiếp cho người dân (là người tiêu dùng cuối cùng), từ đó gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, tạo thêm việc làm, kích thích tổng cầu nội địa phát triển, trong bối cảnh nguồn thu từ xuất khẩu giảm sút.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nhận định, những giải pháp về việc giảm thuế giá trị gia tăng cùng với các cơ chế hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đã và đang tạo điều kiện rất lớn nhằm giúp đỡ cho các doanh nghiệp giảm dần một phần chi phí sản xuất, kinh doanh, từng bước tăng dần lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu của toàn xã hội, tiếp tục ổn định, phát triển kinh tế về lâu dài.

Đồng thuận với đề xuất này, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) nói rằng: “Tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mức tăng trên dưới 10% trong năm 2023, bất chấp tác động tiêu cực từ thu nhập, việc làm và niềm tin tiêu dùng, chứng tỏ giảm thuế giá trị gia tăng đã phát huy giá trị và cần thiết được tiếp nối trong năm 2024”.

Xem xét tiếp tục giảm thuế VAT ảnh 1

Các doanh nghiệp giảm một phần chi phí sản xuất, kinh doanh nhờ giảm thuế.Ảnh: NAM ANH

Cần mở rộng diện áp dụng giảm thuế VAT

Tại buổi thảo luận hội trường Quốc hội về việc giảm thuế VAT chiều 20/11, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, phạm vi áp dụng dự thảo nghị quyết như Nghị quyết 43 đã không còn phù hợp. Bởi vì bối cảnh ban hành Nghị quyết 43 là thời điểm đặc biệt của đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau.

Còn hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đã có thay đổi; nhiều ngành, lĩnh vực không được giảm thuế theo Nghị quyết 43 nhưng đang rất khó khăn như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... “Vì vậy, tôi đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế hiện nay để có quy định về phạm vi áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng của dự thảo nghị quyết cho phù hợp với thực tiễn”, ông Mai nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) khẳng định, nhóm đối tượng được giảm 2% VAT tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 101 chỉ phù hợp với bối cảnh năm 2022 và 2023.

Ông Thanh đề xuất, năm 2024 cần cân nhắc áp dụng chung một mức giảm thuế VAT cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ vì các doanh nghiệp hiện tại đều rất khó khăn. Ngoài ra, theo vị đại biểu, việc phân biệt đối tượng giảm thuế làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường, gây khó khăn cho công tác hạch toán. Thí dụ, những doanh nghiệp đa ngành nghề rất vất vả khi bóc tách mặt hàng nào được giảm thuế, mặt hàng nào không được giảm, có những mặt hàng khó xếp vào loại nào, tạo sự phức tạp cho quản lý doanh nghiệp.

“Thực tế, không ít doanh nghiệp hoạt động trong những sản phẩm dịch vụ bị loại trừ khỏi danh sách đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm”, đại biểu đoàn Cà Mau nói thêm.

Cũng đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 và sáu tháng cuối năm 2023.

“Phải đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để bảo đảm chính sách được ban hành vừa có tác dụng tốt nhất theo mục tiêu xây dựng nghị quyết lại vừa không ảnh hưởng nhiều đến tổng thu ngân sách nói chung và ngân sách của các địa phương nói riêng”, đại biểu đoàn Hải Dương nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị kéo dài việc giảm VAT 2% đến hết năm 2024. Cho rằng kinh tế tài chính quốc tế và trong nước năm 2024 sẽ còn bất định kéo dài, diễn biến khó lường, doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn cần được trợ lực thực chất, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị Quốc hội cân nhắc giảm thuế VAT cho cả năm 2024 để tạo nền tảng vững chắc hơn cho phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Ông Thanh nhấn mạnh, cả hai lần áp dụng giảm VAT trong năm 2022 và 2023 đều chưa đủ dài hơi cho nên tác động khuyến khích, hỗ trợ tiêu dùng còn hạn chế.

Nhất trí với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, phải có đánh giá kỹ chính sách để áp dụng giảm VAT dài hạn hơn thay vì chỉ áp dụng sáu tháng một lần. “Bây giờ nên đánh giá một cách toàn diện, nếu thấy việc giảm thuế VAT chắc chắn sẽ tốt cho nền kinh tế thì nên áp dụng dài hạn 1-2 năm, thậm chí có thể dài hơn”, ông Huân nói.

Tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, Chính phủ đề xuất không giảm cho toàn bộ doanh nghiệp để bảo đảm nhất quán trong chính sách, đồng thời giảm áp lực cho ngân sách (nếu giảm cho tất cả hàng hóa thì ngân sách giảm thu hơn 37.100 tỷ đồng).

Nhận định rằng giảm VAT là chính sách trong ngắn hạn và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, Bộ trưởng nói rằng, đây chỉ là một trong rất nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP.