Với số lượng tín đồ Hồi giáo hiện nay chiếm gần 25% dân số thế giới và dự báo sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050, thị trường Halal toàn cầu có quy mô, tiềm năng lớn và đa dạng về lĩnh vực. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu được dự báo đạt 10 nghìn tỷ USD trước năm 2028.
Trước tiềm năng đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”; với các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, giúp các doanh nghiệp Việt tham gia sâu, hiệu quả vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt chinh phục tiêu chuẩn Halal
HTX Hà Nội Xanh (huyện Đan Phượng, Hà Nội) là một trong số ít những đơn vị đã thành công xuất khẩu nhiều sản phẩm sang thị trường Hồi giáo.
Đại diện HTX, bà Bá Thị Nguyệt Thu, Chủ tịch HĐQT cho biết, Halal là tiêu chuẩn cao nhưng không phải quá khó để đạt được.
Lấy thí dụ về các sản phẩm mỹ phẩm được làm từ cây bưởi, bà Thu cho biết, đây là những sản phẩm rất “đắt hàng”, thậm chí không đủ để cung cấp cho thị trường khu vực này. Muốn làm được các sản phẩm, doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ từ khâu lựa chọn vùng trồng cho đến quá trình thu hoạch, chăm sóc, thu hái và sản xuất sản phẩm, luôn phải tuân thủ các quy định khắt khe bảo đảm tiêu chuẩn hữu cơ.
Không chỉ có quả bưởi mà các loài hoa như hoa hồng, hoa nhài đặc biệt phù hợp làm nguyên liệu cho mỹ phẩm phục vụ thị trường Hồi giáo. Những loại mỹ phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên như thế hiện nhà cung cấp làm không đủ so với nhu cầu nhập khẩu của các nước Hồi giáo.
Với nguồn cung nông, thủy sản phong phú, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiếp cận thị trường Halal.
Theo ông Abbas, Chủ tịch Halal Việt Nam, nhiều quốc gia Hồi giáo đang sẵn sàng mở cửa cho các mặt hàng của Việt Nam. Trong đó, đa số là nông, hải sản vốn là thế mạnh của nước ta. Ông cho rằng, quan trọng nhất là sự sẵn sàng của các doanh nghiệp, nông dân và HTX trong việc sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn của người Hồi giáo.
Thị trường Hồi giáo có khả năng chi tiêu rất lớn cho sinh hoạt hằng ngày. Khối thị trường thực phẩm Halal có mức doanh thu hằng năm lên tới 907 tỷ USD. Vấn đề còn lại là cách tiếp cận thị trường của các nhà sản xuất Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Toản, nguyên Cục trưởng Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hàng chục năm trước, nhiều doanh nghiệp đã mày mò và thành công với việc đáp ứng tiêu chuẩn Halal. Theo thống kê, hiện có khoảng 60 tỉnh, thành phố có các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Halal toàn cầu nhưng số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận chỉ khoảng hơn 1.000. Sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal đến nay còn hạn chế, mới đáp ứng được khoảng một phần ba nhu cầu từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.
Để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thị trường Halal
Ngành công nghiệp Halal gồm nhiều lĩnh vực đa dạng, phong phú gồm: nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược phẩm, mỹ phẩm, các ngành công nghiệp hỗ trợ, dây chuyền sản xuất, lưu kho, vận chuyển, logistics, dịch vụ Halal...
Tại Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với sự tham dự của đại diện từ 50 quốc gia mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn thúc đẩy để Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal thế giới.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ các lợi thế quan trọng của Việt Nam về môi trường chính trị, xã hội, kinh tế; đường lối đối ngoại; các lợi thế về nông nghiệp, du lịch, dệt may, logistics, dịch vụ Halal. Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh thông điệp của Việt Nam về việc đưa Halal thành nội hàm hợp tác kinh tế, là định hướng mới trong hoạt động sản xuất trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa con người.
Qua đó, Thủ tướng đề nghị các nước thúc đẩy hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quản lý nhà nước liên quan đến Halal, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Halal quy mô lớn và phục vụ xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam.
Cùng với đó, thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác, các thỏa thuận công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal; đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan Halal; quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Halal Việt Nam và mở cửa các thị trường cho các sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam; thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa, từ đó tăng cường sự chia sẻ, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp hai bên về những thế mạnh của nhau và tiềm năng hợp tác trong phát triển ngành Halal tại Việt Nam.
Thực phẩm Halal là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển.