Hướng tới nông nghiệp bền vững

Tại hội thảo khoa học quốc gia “Nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực và an toàn thực phẩm” năm 2024 vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp mới, giới thiệu các công nghệ hiện đại hướng đến nền nông nghiệp “xanh”, cung cấp chuỗi sản phẩm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học, chuyên gia mang đến hội thảo nhiều giải pháp thiết thực cho mô hình nông nghiệp bền vững.
Các nhà khoa học, chuyên gia mang đến hội thảo nhiều giải pháp thiết thực cho mô hình nông nghiệp bền vững.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng trung bình 16,1%/năm trong giai đoạn 2014-2023, từ 1,5 tỷ USD lên 5,7 tỷ USD. Quá trình duy trì nguồn cung và siết chặt chất lượng đầu ra cho rau quả xuất khẩu đòi hỏi sự linh hoạt trong việc đổi mới công nghệ trồng trọt, thu hoạch, bảo quản.

Thêm hướng đi mới

Khâu chăm sóc, bảo vệ rau quả khỏi sâu bệnh cùng các yếu tố tác động khắc nghiệt từ môi trường đóng vai trò quan trọng. GS, TS Trần Đại Lâm (Viện trưởng Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, nếu người trồng không sử dụng các biện pháp bảo vệ thực vật như thuốc diệt cỏ, trừ sâu, diệt nấm thì sản lượng cây trồng có thể bị thiệt hại từ 30% đến 40%. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng liều lượng và đúng cách để tăng sản lượng, giữ được chất lượng đất và bảo đảm các yếu tố kiểm duyệt khắt khe khi xuất khẩu.

Viện trưởng Kỹ thuật nhiệt đới giới thiệu giải pháp “xanh” từ Bio - Nano trong sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bảo quản rau quả, một hướng đi mới hứa hẹn sẽ tạo nhiều lợi thế cho việc thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp bền vững. Có nguồn gốc tự nhiên từ củ nghệ, nhựa dầu nghệ… vật liệu nano thảo mộc đã chứng minh được khả năng diệt sâu bệnh và tăng sản lượng (10-30%) cho nhiều loại cây trong các đợt thử nghiệm thực tế. Bên cạnh khả năng phòng, chống dịch hại, sâu bệnh cho cây trồng, vật liệu nano còn hỗ trợ quá trình xử lý sau thu hoạch, giúp giảm tỷ lệ rau quả hư hỏng, không đạt yêu cầu.

Với quốc gia có hơn 30% rau quả thất thoát sau thu hoạch như Việt Nam, công nghệ mới này sẽ cung cấp thêm giải pháp kéo giảm rủi ro tài chính và bảo vệ môi trường. Bên cạnh phân bón cùng thuốc bảo vệ thực vật chuẩn “xanh”, màng bảo quản chứa phụ gia nano sẽ giảm các gốc tự do, kích hoạt enzym bảo vệ, giúp thời gian bảo quản nông sản lâu hơn so với biện pháp thông dụng hiện nay. “Vật liệu nano sử dụng các nguyên liệu và hoạt chất sinh học là cách tiếp cận thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe con người. Tại Việt Nam, có rất nhiều công trình khoa học đã ứng dụng công nghệ vật liệu nano trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, việc áp dụng các lớp phủ nano trên thị trường hiện vẫn chưa thật sự rõ ràng. Trong thời gian tới, cần tích cực thương mại hóa, đẩy các sản phẩm lớp phủ nano phát triển rộng rãi hơn”, GS Lâm phân tích thêm.

Tăng chuỗi giá trị nông sản

Tại hội thảo lần này, Trường đại học Nguyễn Tất Thành giới thiệu nhiều giải pháp thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Trong đó, “Mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh” được đánh giá cao khi tạo ra nhiều tác động tích cực đến môi trường. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiều thí nghiệm ở tỉnh Đồng Nai và Trà Vinh và tiến hành đo đếm các thông số như độ an toàn đối với môi trường, năng suất lúa, chất lượng đất… Kết quả thu được, giải pháp này không chỉ giúp người nông dân giải quyết lượng lớn chất thải trên đồng ruộng mà còn tăng năng suất lúa gần 20%.

Trong khi đó, công nghệ hiện đại và tập trung triển khai kinh tế tuần hoàn là giải pháp được GS, TS Nguyễn Văn Mười (Trường đại học Cần Thơ) đưa ra nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng chuỗi giá trị nông sản an toàn và bền vững tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nhà khoa học còn đưa ra nhiều sáng kiến về việc tái sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp giúp các đơn vị tiết kiệm chi phí, tạo thêm sản phẩm mới cho thị trường như làm đồ ăn vặt từ bột hạt sầu riêng hay chế tạo rượu vang từ xơ mít…

PGS, TS Nguyễn Duy Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam cho rằng, cần có sự kết hợp từ nhiều phía trong việc đưa ra các giải pháp, công nghệ mới nếu muốn hướng đến nông nghiệp bền vững hay chuỗi giá trị an toàn bền vững. Mặc dù chưa thực hiện quản lý theo hệ thống thực phẩm nhưng Việt Nam đã có chuỗi giá trị nông sản gần 10 năm nay. Chuỗi này là tổng thể các hoạt động liên quan đến một ngành hàng nông sản, bao gồm từ việc cung cấp đầu vào, tổ chức sản xuất, thu gom, chế biến và cuối cùng là bán sản phẩm cho người tiêu dùng hay xuất khẩu.

“Trong chuỗi giá trị đó, không có mắt xích nào có chủ thể là nhà khoa học - công nghệ nhưng khoa học - công nghệ lại có tác động và rất cần đến mọi mắt xích của chuỗi. Một khi chúng ta gắn thêm đuôi từ “an toàn bền vững” thì vai trò của khoa học - công nghệ càng lớn hơn nhiều. Tôi băn khoăn là có phải trên thực tế chúng ta hay khoa học - công nghệ của chúng ta chưa làm tốt được điều này, chưa nghiên cứu theo chuỗi đầy đủ, chưa có phân công hợp tác nghiên cứu giữa các đơn vị tiềm năng như cách vận hành của một chuỗi”, ông Lâm trăn trở.

Gần 150 báo cáo tại hội thảo tập trung đề cập 5 vấn đề chính của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, gồm: Biến đổi khí hậu và môi trường – Tác động và giải pháp thích ứng; Tận dụng tài nguyên phế phụ phẩm và phát triển nguồn nguyên liệu mới vì an ninh lương thực và an toàn thực phẩm; Khoa học và công nghệ xanh bảo quản – chế biến nông sản thực phẩm; Thực phẩm và sức khỏe; Phát triển sản phẩm và mô hình sản xuất.