Theo nhận định của các chuyên gia, tuy ngành da giày đang đứng trước những cơ hội lớn từ 15 hiệp định thương mại đã ký nhưn g việc có thể tận dụng được hay không cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước.
Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp
Theo số liệu của Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), trước đây, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày chỉ đạt 40% nhưng đến nay đã tăng lên trung bình là 55%, cá biệt có những mặt hàng như giày thể thao đã chủ động được 70-80%, giày vải gần như 100% nguyên phụ liệu trong nước.
Số liệu là vậy, nhưng thực tế, các chủng loại nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hàng xuất khẩu hầu hết là sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhiều nhà máy thuộc da quy mô lớn tại Việt Nam đều của doanh nghiệp FDI. Mặt hàng sản xuất khá đa dạng như: Da thành phẩm sản xuất từ da muối, da bán thành phẩm wetbue nhập khẩu, giả da từ nhựa tổng hợp PU, PVC cao cấp, phụ kiện kim khí, nhựa, chỉ may, keo dán, một số hóa chất…
Điều này cũng thể hiện qua tổng kim ngạch xuất khẩu ngành giày dép luôn tăng trưởng hằng năm, nhưng chủ yếu thuộc các doanh nghiệp FDI với tỷ lệ khoảng gần 80%, trong khi số lượng doanh nghiệp da giày FDI lại chỉ chiếm khoảng hơn 10% tổng số doanh nghiệp da giày cả nước.
Cũng theo số liệu của Lefaso, ngành da giày Việt Nam có tổng cộng 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên liệu và phụ liệu giày dép, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ khả năng cung ứng nguyên liệu cao cấp.
Việc có quá ít doanh nghiệp đủ khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu gây khó khăn cho những nhà sản xuất da giày trong việc đáp ứng đơn hàng và nguồn nguyên liệu. Điều này kéo theo tỷ lệ nội địa hóa thấp, trở thành rào cản của ngành da giày khi tiếp cận các thị trường có yêu cầu cao.
Nhất là trong bối cảnh, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM - một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu vừa chính thức thực hiện thí điểm cho giai đoạn chuyển tiếp (ngày 1/10/2023) và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ vào năm 2026.
CBAM là một chính sách thương mại về môi trường bao gồm các khoản thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Theo đó, CBAM kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990.
Trong khi, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso, giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn, EU lại là thị trường xuất khẩu đạt 6 tỷ euro mỗi năm của Việt Nam. Do vậy, trong giai đoạn tới, ngành da giày Việt Nam cần thiết phải thay đổi để thích ứng với quy định này.
Phát triển vùng công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt
Để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, năng lực cạnh tranh, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước là việc rất cần thiết. Tuy nhiên, hạn chế của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước là chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của ngành đạt được không cao.
Hằng năm, ngành da giày buộc phải nhập khẩu tới gần 60% nguyên phụ liệu, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là da thuộc. Theo thống kê của Lefaso, chỉ riêng với nhập khẩu da thuộc, hằng năm các doanh nghiệp da giày đã tốn kém khoảng hơn 1,2 tỷ USD. Chưa kể các doanh nghiệp còn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các nguyên phụ liệu khác.
Bên cạnh đó, chất lượng của nhiều loại nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hiện cũng chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, như các chỉ tiêu cơ lý, tính thẩm mỹ, độ đều và bền mầu… Mặt khác, đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu đòi hỏi nguồn vốn rất lớn trong khi thị trường tiêu thụ trong nước nhỏ, không đem lại lợi nhuận cao, vì vậy nhiều doanh nghiệp băn khoăn không dám đầu tư.
Việt Nam cũng chưa có những doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ quốc tế cũng như khu vực. Những doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa trong từng lĩnh vực. Dung lượng, quy mô của ngành da giày vẫn chưa phải là quá lớn, chưa đủ bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp phụ trợ.
Một số chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày, tập trung sản xuất da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế,… thuận tiện cho bảo vệ môi truờng và tổ chức sản xuất tập trung, phát triển công nghiệp phụ trợ, với các cơ chế, chính sách trên thực tế thích hợp. Hơn nữa xuất phát điểm các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ còn thấp, năng lực yếu, hầu như chưa đủ sức đáp ứng những đơn hàng quá lớn…
Việc ban hành chính sách phát triển các cụm công nghiệp da giày theo từng vùng là định hướng phát triển mới có tính hiệu quả và khả thi cao. Đồng thời, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, để xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín cho ngành, những giải pháp cho phát triển công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên hướng đến doanh nghiệp trong nước, giúp doanh nghiệp trong nước đứng vững trước các biến động của thị trường thế giới, tránh tình trạng bị nhà đầu tư nước ngoài mượn quy tắc xuất xứ để hưởng lợi trong xuất khẩu. Tăng tỷ lệ nội địa hóa hay phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn đang là bài toán khó cho nhiều ngành nghề chứ không riêng gì ngành da giày. Tuy nhiên, nếu chúng ta có đủ quyết tâm và có sự chuẩn bị từ sớm thì vẫn có cơ hội đạt được những bước tiến nhanh trong tương lai.