Xanh hóa ngành logistics

“Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, việc phát triển “Logistics xanh” là đòi hỏi và xu hướng tất yếu đối với Việt Nam trong thời gian tới”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 với chủ đề “Logistics xanh” diễn ra ngày 26/11.
0:00 / 0:00
0:00
Cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trong khai thác cảng biển. Ảnh: BẮC SƠN
Cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trong khai thác cảng biển. Ảnh: BẮC SƠN

Chi phí còn cao, liên kết kém

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, ngành logistics Việt Nam nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng đã được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng được nâng cao.

Cụ thể, theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.

“Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021”, ông Trần Tuấn Anh thông tin.

Bên cạnh đó, khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức cao từ năm 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỷ tấn (2015) lên 1,64 tỷ tấn (2021); khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng khoảng hơn 30%, từ mức 230 tỷ tấn.km (2015) lên 303 tỷ tấn.km (2021). Đóng góp trực tiếp của lĩnh vực logistics vào GDP hằng năm ở mức 4-5%.

Tuy vậy, chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển;...

Ngoài ra, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của đất nước; năng lực cạnh tranh thấp. Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và những bất cập, thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua.

Xanh hóa ngành logistics ảnh 1

Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức cao. Ảnh: NGUYỆT ANH

Cần xanh hóa ngành logistics

Thực tế cho thấy một trong những điểm yếu làm tăng chi phí ngành logistics tại Việt Nam là do hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Vận tải đường bộ đắt đỏ vẫn đang đảm nhận trọng trách lớn, trong khi các loại hình vận tải khác chưa phát triển tương xứng tiềm năng. Nhiệm vụ đặt ra để kéo giảm chi phí logistics không chỉ là tái cơ cấu lại thị trường hay tăng tính kết nối, mà phải còn xanh hóa ngành trong bối cảnh mới theo hướng xanh.

Cụ thể hóa việc phát triển “Logistics xanh”, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên giải thích, đó là đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng “xanh hóa”, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch... “Phát triển logistics xanh là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành”, ông Diên nói.

Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, trước mắt tập trung vào phát triển logistics xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó giảm việc chuyên chở bằng ô-tô, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa giảm tai nạn giao thông đường bộ. Hoạt động làm hàng ở các cảng biển và điều hành cảng biển sẽ thực hiện hoạt động xanh, năng lượng sạch, tránh ô nhiễm môi trường đi đôi với việc áp dụng công nghệ trong khai thác cảng biển.

VLA đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ ngành dịch vụ logistics nguồn vốn phát triển công nghệ, chuyển đổi số trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia hiện nay về logistics. Bởi vì hiện nay các doanh nghiệp giao nhận, logistics thế hệ chuyển đổi số cần có năng lực quản lý dòng hàng hóa quốc tế. “Để có thể cạnh tranh cần sớm triển khai các hệ thống có tính năng kỹ thuật cao hơn thông qua hình thức thuê phần mềm dịch vụ nhằm tham gia vào nền tảng giao nhận vận tải toàn cầu hiện đang vận hành”, VLA kiến nghị.

VLA cũng đề nghị các địa phương thu xếp quỹ đất cho phát triển các trung tâm dịch vụ logistics, xây dựng cảng cạn (ICD), kho bãi làm hàng, nhất là các kho bãi cho dây chuyền cung ứng lạnh nhằm góp phần phát triển kết cấu hạ tầng logistics đáp ứng yêu cầu của sản xuất và xuất nhập khẩu đang gia tăng; hỗ trợ thực hiện đề án phát triển đội tàu biển Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải trình nhằm phát triển đội tàu container và kiến nghị Chính phủ sớm có quyết định cụ thể về chính sách phát triển vận tải hàng hóa bằng đường hàng không.

Hướng đến phát triển “logistics xanh”, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại; phát huy vai trò của logistics thúc đẩy liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương nội vùng mạnh mẽ, xóa “khép kín” trong liên kết vùng. Bên cạnh đó, phát triển logistics thông minh dựa trên nền tảng của tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành logistics, tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả của quá trình chuyển đổi số để phát triển ngành logistics. Ngoài ra, chú trọng huy động các nguồn lực cho phát triển logistics theo hướng xã hội hóa; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...