Vướng mắc hoàn thuế, doanh nghiệp gặp khó khăn

Thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về việc họ chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách triển khai việc giám sát về hoàn thuế VAT, nhằm đánh giá thực trạng các vướng mắc, kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ còn gặp khó khăn khi hoàn thuế VAT. Ảnh: SONG ANH
Doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ còn gặp khó khăn khi hoàn thuế VAT. Ảnh: SONG ANH

Doanh nghiệp “khó chồng khó”

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2023, tổng số tiền thuế VAT các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ chưa được cơ quan thuế hoàn trả lên tới 6.100 tỷ đồng. Nguyên nhân do các cơ quan thuế bị vướng quy định, không thể thực hiện được.

Cụ thể, văn bản của Tổng cục Thuế quy định để được hoàn thuế phải thực hiện truy xuất nguồn gốc của nguyên liệu, tức là đến tận chủ rừng. Trong khi, Việt Nam có hơn 1 triệu hộ nông dân trồng rừng và bán nguyên liệu cung ứng, qua rất nhiều trung gian và nhiều khâu trong chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ.

Thậm chí trước đó, vào cuối tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay việc hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế VAT. Ngay sau khi Thủ tướng ban hành công điện, Bộ trưởng Tài chính cũng đã chỉ đạo ngành thuế kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, nhưng đến nay, tiến độ vẫn chậm.

“Không phải các Cục Thuế không làm, mà họ không đủ chức năng, quyền hạn để đi kiểm tra về truy xuất nguồn gốc đến tận người trồng rừng. Doanh nghiệp cũng không thể làm được vì phải qua nhiều khâu trung gian. Kể cả chúng ta có một lực lượng đông đảo như kiểm lâm và công an xã, phường cũng không thể thực hiện được yêu cầu này”, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nêu rõ.

Nhìn nhận thực trạng này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, thời gian qua, không chỉ có ngành gỗ, mà hiệp hội, doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành giấy, cao-su cũng than thở việc bị “giam” cả nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT trong thời gian dài khiến họ bị kiệt quệ, đối mặt với tình trạng thiếu vốn.

Trong khi đó, cơ chế hoàn thuế VAT thể hiện mục tiêu khuyến khích của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Hoàn thuế VAT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền, bảo đảm tâm lý an tâm cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ về thuế. Do đó, những vướng mắc trong chính sách VAT đang trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn và lãi suất cao như hiện nay.

“Trong bối cảnh xuất khẩu giảm, nguồn tài chính thiếu hụt, nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản đang rơi vào tình thế rất khó khăn, phải cắt giảm nhân công, thậm chí là thu hẹp, tạm ngừng sản xuất. Nếu tình trạng còn kéo dài, nhiều doanh nghiệp nguy cơ phá sản”, bà Thủy quan ngại.

Chậm… do chồng chéo nhiều văn bản

Vấn đề chậm hoàn thuế cũng đã được nêu ra tại phiên thảo luận sáng 2/11, kỳ họp thứ 6, QH khóa XV. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Ninh cho biết, ách tắc, tồn đọng hoàn thuế VAT khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu đến cấp có thẩm quyền.

Chẳng hạn, với nhóm mặt hàng ngành gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế thực hiện rà soát xác minh qua các khâu mua hàng, thu mua là quá mức cần thiết, bởi theo Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế này chỉ phát sinh và nộp từ khâu chế biến có hóa đơn VAT.

“Việc yêu cầu xác minh ở nhiều khâu là không cần thiết, không có cơ sở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”, bà Hà nói và đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, thực hiện hoàn trước, kiểm tra sau với các đơn vị xuất khẩu uy tín.

Còn theo kết quả giám sát về hoàn thuế VAT của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc giải quyết hoàn thuế trong năm 2022 và nhất là sáu tháng đầu năm 2023 chậm hơn so các năm trước, số hồ sơ hoàn thuế đã giải quyết chỉ đạt 79%. Cụ thể, trong khi tỷ lệ số hồ sơ kiểm trước tăng 25% so với các năm thì số hồ sơ tồn - đang giải quyết và chưa được hoàn là 1.839 hồ sơ, chiếm 17%. Đến ngày 31/8, số hồ sơ tồn còn lại 647 hồ sơ.

Các ngành bị chậm hoàn thuế gồm: ngành gỗ và các sản phẩm gỗ tỷ lệ hồ sơ được giải quyết hoàn là 85%; ngành tinh bột sắn là 45%; ngành cao-su là 62%; ngành linh kiện điện và điện tử là 59% (thấp hơn so mức thông thường là hơn 90%). Đáng chú ý, số tiền truy thu sau khi thanh tra, kiểm tra chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá tỷ lệ số hồ sơ tồn trong bốn lĩnh vực này đã tăng đáng kể so số liệu của mặt bằng chung, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023. Trong khi đó, số hồ sơ chuyển sang kiểm tra trước tăng lên đáng kể, nhưng số tiền phát hiện lại “đặc biệt thấp”.

“Điều này phần nào cho thấy mức độ rủi ro gian lận có thể không cao, hoặc công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn còn chưa hiệu quả”, Đoàn giám sát nêu rõ. Chưa kể một số hồ sơ sau khi chuyển cho cơ quan công an, đã được cơ quan công an trả lời là chưa có dấu hiệu tội phạm nhưng hiện cơ quan thuế vẫn đang dừng hoàn, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Với các kết quả trên, Đoàn giám sát đánh giá các vướng mắc phát sinh từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành thuế, yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát.

“Tính thủ công về nghiệp vụ, sự phức tạp, chồng chéo và quá nhiều các văn bản cảnh báo, cùng với sự thiếu rõ ràng về phạm vi, chưa áp dụng thống nhất quản lý rủi ro gắn với ứng dụng công nghệ thông tin đã khiến việc thực hiện gây ách tắc lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu”, Đoàn giám sát đánh giá.

Cần sự bình đẳng

Theo ông Nguyễn Tiến Lập, luật sư cấp cao của Văn phòng Luật sư NH Quang & Cộng sự, trong Luật Quản lý thuế quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan thuế phải hợp tác với các doanh nghiệp trong quản lý thu thuế, khai thuế và hoàn thuế. Tuy vậy, trong vấn đề hoàn thuế, các cơ quan quản lý nhà nước đang có sự đùn đẩy trách nhiệm. Cơ quan thuế địa phương coi đây là vướng mắc từ chính sách, cần có tháo gỡ từ Tổng cục Thuế. Trong khi Tổng cục Thuế lại cho rằng đây là vấn đề cần xác minh, phải điều tra và lại chuyển sang Bộ Công an.

“Cơ quan thuế cần có trách nhiệm phân loại doanh nghiệp, xem doanh nghiệp nào làm ăn tốt, làm ăn đứng đắn để cập nhật vào hệ thống. Từ đó, hoàn thuế cho doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện một cách nhanh nhất, để doanh nghiệp có vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh”, ông Lập nhấn mạnh.

Còn theo ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, về bản chất, thuế VAT không phải là tiền doanh nghiệp đi xin cơ quan nhà nước từ ngân sách mà là khoản tiền thuế doanh nghiệp tạm đóng cho nhà nước, sau đó sẽ được hoàn lại.

Tuy vậy, cơ chế hoàn thuế quá phức tạp và thủ tục khó khăn, dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp đang mất đi một nguồn lực đáng ra phải được hưởng để hỗ trợ qua giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19. Vì vậy, thời gian tới cần phải cải cách toàn bộ thủ tục hoàn thuế theo hướng bình đẳng hơn giữa cơ quan thu thuế với người nộp thuế.

“Khi doanh nghiệp nộp thuế và chứng từ đầy đủ thì cơ quan thuế phải nhanh chóng thực hiện hoàn thuế. Nếu chậm trễ thì phải bị xử phạt tương đương với lãi suất mà doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng. Như vậy, quá trình này mới được đẩy nhanh”, ông Hòe kiến nghị.