Vươn lên làm chủ các xu hướng vận chuyển mới

Quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, từ đó, Việt Nam có cơ hội trở thành một trung tâm logistics của khu vực. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, phát triển logistics xanh là một lựa chọn khả thi.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường mới nổi toàn cầu.
Theo Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường mới nổi toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng ấn tượng

Theo bảng xếp hạng Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Riêng về “cơ hội logistics quốc tế”, Việt Nam đứng vị trí thứ tư, do vị thế ngày càng tăng, là điểm đến cho các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Việt Nam đang có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics. Thị trường này còn có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL (logistics bên thứ ba). Trong đó, chiếm 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn như: DHL, Kuehne+Nagel, DSV, DB Schenker…

Sự “lên ngôi” của các xu hướng vận chuyển, logistics và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường mới nổi đầy tiềm năng.

Bên cạnh đó, e-Logistics đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, đến tháng 6/2022, các tỉnh, thành phố đã đưa ra các quy hoạch, triển khai và xây dựng trung tâm logistics tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Tiêu biểu như: Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc quy mô hơn 83ha; Trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) quy mô diện tích lập quy hoạch 133,32ha. Giai đoạn cuối năm 2021 đến giữa năm 2022, một số trung tâm logistics hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến đã đi vào hoạt động như: Trung tâm logistics Vinatrans Đà Nẵng; Trung tâm logistics KM Cargo Services Hải Phòng; Trung tâm logistics Vĩnh Tân Bình Thuận…

Xanh hóa ngành logistics

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Đặc biệt, chi phí logistics còn cao. Theo tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), năm 2021 chi phí logistics vẫn chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương mại Công ty SLP Việt Nam cho hay: Nền tảng hệ thống kho bãi của Việt Nam đang có quy chuẩn chưa cao, có nhiều doanh nghiệp logistics chưa cung ứng được sâu chuỗi dịch vụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Hệ thống cung cấp các chuỗi dịch vụ logistics thiếu sự tích hợp, chưa áp dụng số hóa trong quản lý, tự động hóa trong vận hành vẫn là khái niệm mới mẻ. Trong khi nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam là rất cao.

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia cho rằng, đã có nhiều ứng dụng khoa học-công nghệ vào hoạt động logistics tại Việt Nam, nhưng thị trường logistics, nhất là thương mại điện tử đặt ra nhiều bài toán vận hành tối ưu hơn, hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Rõ ràng, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới, cần có giải pháp và tầm nhìn tổng thể, định hình hướng đi mới để bắt kịp với xu hướng thế giới, tạo bước đột phá cho phục hồi kinh tế-xã hội trong những năm tới đây. Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch VLA Đào Trọng Khoa kiến nghị Chính phủ cần chú trọng quy hoạch tổng thể phát triển ngành, tạo nên nền tảng phát triển dài hạn. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ cụ thể như vận tải hàng không, vận tải biển là đội tàu mang thương hiệu Việt Nam; các địa phương thu xếp quỹ đất phát triển hạ tầng logistics, trung tâm logistics và kho bãi; ngành dịch vụ logistics mong muốn có hỗ trợ về thay đổi công nghệ và chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp tham gia tích cực chủ động trong thị trường thế giới, đi kèm với đó là đào tạo nguồn nhân lực…

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 diễn ra hồi cuối năm qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, việc phát triển logistics xanh là đòi hỏi và xu hướng tất yếu đối với Việt Nam trong thời gian tới."

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Đóng góp của lĩnh vực logistics vào GDP hằng năm ở mức 4-5%.