Gỡ điểm nghẽn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng

Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam được xác định dựa vào đầu tư công, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài (FDI). Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu và thu hút FDI gặp nhiều khó khăn do tác động từ yếu tố bên ngoài, đầu tư công có vai trò then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Trên công trường đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo. Ảnh: Nam Hải
Trên công trường đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo. Ảnh: Nam Hải

Tăng vốn, tăng áp lực giải ngân

Trở lại với trạng thái bình thường mới cũng là lúc hoạt động đầu tư công sôi động trở lại rất nhanh. Ngay từ đầu năm 2022, nhiều dự án lớn làm thay đổi diện mạo đất nước đã được khởi công hoặc gấp rút hoàn thành những thủ tục cuối cùng, bảo đảm đủ điều kiện khởi công trong năm đầu tiên phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Đơn cử, một số dự án thành phần của Cảng hàng không quốc tế Long Thành bắt đầu được thi công; dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn 2 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án để nối thông hơn 2.000km đường cao tốc bắc-nam chạy dọc chiều dài đất nước, từ Chi Lăng (Lạng Sơn) đến mũi Cà Mau. Với sự cho phép của Quốc hội, 12 dự án thành phần tuyến cao tốc bắc-nam rút ngắn được 50% thời gian so các dự án thực hiện trong giai đoạn 2017-2020. Nhiều dự án quan trọng của đất nước cũng được khởi công vào cuối năm để kịp hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2025. Đầu tư công có vai trò rất quan trọng để duy trì và phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội nhằm khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Năm 2023 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và cũng là năm được bố trí vốn ở mức cao kỷ lục, tăng 34% so năm 2022, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn để nâng cao năng lực quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và đặc biệt là khả năng giải ngân, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, ngay từ khi hướng dẫn xây dựng kế hoạch đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên và khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải.

Làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư

Đáng lưu ý, từ năm 2020 đến nay có tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương không giải ngân hết, xin “trả” lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, nhất là vốn ODA do không giải ngân được, nhưng rất ít đơn vị đề xuất điều chỉnh tăng kế hoạch vốn. Thực tế này cho thấy, những điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư công chưa được giải quyết hiệu quả, tạo áp lực bố trí vốn cho các năm sau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại số vốn kế hoạch đã bố trí nếu không giải ngân hết sẽ bị hủy dự toán, các đơn vị phải bố trí bổ sung vào kế hoạch vốn năm sau để dự án được triển khai liên tục. Như vậy, sẽ tác động đến công tác lập kế hoạch và khả năng hoàn thành dự án, làm kéo dài thời gian, chậm tiến độ, không phát huy hiệu quả đầu tư, lãng phí nguồn lực.

Với tinh thần phải khai thông mọi nguồn lực để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng, đạt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra, Chính phủ đã tập trung nhiều giải pháp nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong công tác chỉ đạo, điều hành. Nhiều giải pháp nhằm hóa giải những điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư công đã được hệ thống lại một cách đầy đủ thành ba nhóm liên quan đến thể chế, chính sách; công tác tổ chức thực hiện và nhóm khó khăn đặc thù của năm 2022. Trong đó, nút thắt đầu tiên có thể tháo gỡ là nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án. Ghi nhận từ thực tiễn cho thấy, khâu chuẩn bị đầu tư chưa được thực hiện một cách kỹ lưỡng, chưa sát thực tế, chưa dự báo hết những khó khăn có thể xảy ra. Nguyên nhân một phần vì sự hạn chế về năng lực chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhưng còn do tâm lý đầu tư bằng được, tìm mọi cách để có dự án đưa vào kế hoạch bố trí vốn. Cho nên dự án phải điều chỉnh nhiều lần, làm chậm tiến độ thực hiện, tăng vốn hoặc phát sinh nhiều rủi ro, nhiều vấn đề khác cần xin ý kiến của nhiều cấp.

Năm 2023 là năm bản lề rất quan trọng, nếu không có sự đột phá trong tăng trưởng sẽ ảnh hưởng đến kết quả mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn 2021-2025. Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.

Năm 2023, tổng vốn từ ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển được bố trí ở mức rất cao, lên đến 726.700 tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi ngân sách nhà nước.