Vươn ra biển lớn

Với vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị và quốc phòng-an ninh, thành phố Đà Nẵng được xác định là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên, một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng Đà Nẵng - cửa ngõ giao thương hàng hải cho miền trung-Tây Nguyên và quốc tế.
Cảng Đà Nẵng - cửa ngõ giao thương hàng hải cho miền trung-Tây Nguyên và quốc tế.

Năm 2019, để Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục khẳng định Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước.

Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đột phá cho Đà Nẵng, chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Đà Nẵng đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng Đề án, trình Chính phủ xem xét; cho phép Đà Nẵng thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển. Mới đây, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cũng xác định một nhiệm vụ rất quan trọng cho Đà Nẵng là trở thành trung tâm tài chính quy mô cấp vùng.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là lựa chọn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Trung Chinh xác định là yếu tố tiên quyết để Đà Nẵng gia tăng chất và lượng tăng trưởng. Thêm nữa, Đà Nẵng đóng vai trò là vị trí cửa ngõ, việc thu hút hàng hóa về cảng, sân bay và trung tâm logistics kết nối các nước trong khu vực và trên thế giới được chính quyền thành phố chú trọng đầu tư.

Vươn ra biển lớn ảnh 1

Ông Trịnh Thế Cường, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cho biết, ngày 14/12/2022, việc khởi công cảng Liên Chiểu có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải trên 18.000 TEU, cùng với cảng Cái Mép Thị Vải, tuyến chính từ Việt Nam đi Bờ Đông nước Mỹ và châu Âu sẽ làm thay đổi tuyến vận tải biển từ các nước Bắc Á về các nước Đông Nam Á, Nam Á, Australia… và kết nối với cảng Bờ Tây nước Mỹ.

Cảng Liên Chiểu đủ sức đáp ứng nhu cầu tăng cao về vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm tải cho cảng Tiên Sa, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành, cảng Liên Chiểu còn góp phần kết nối liên vùng và khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy phát triển thông thương hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền trung-Tây Nguyên.

Để thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, chỉ sự nỗ lực của riêng Đà Nẵng là chưa đủ, mà thành phố cần tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển nhằm tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, như thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực; thành lập Khu phi thuế quan; xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia…

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đề xuất cơ chế để Trung ương hỗ trợ thêm nguồn lực thực hiện các dự án động lực, trọng điểm, liên vùng như: nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, tuyến cao tốc La Sơn-Túy Loan đoạn Hòa Liên-Túy Loan, các tuyến quốc lộ 14B, 14D, 14G… từ đó hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á; là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung-Tây Nguyên”, giúp Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, vươn mình trỗi dậy, trở thành đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á và thế giới.