Nông sản Việt “phủ sóng” toàn cầu

Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ hai Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản. Các sản phẩm nông nghiệp đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ nay đến năm 2030 không còn nhiều thời gian để Việt Nam bứt tốc hoàn thành mục tiêu đưa ngành chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đã khẳng định được vị thế có thể làm ra được gạo có phẩm cấp cao. Ảnh: Lê Hoàng Thái
Việt Nam đã khẳng định được vị thế có thể làm ra được gạo có phẩm cấp cao. Ảnh: Lê Hoàng Thái

Lời chào đón từ thị trường thế giới

Những tháng cuối năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam liên tục đón nhận tin vui khi sầu riêng, khoai lang, tổ yến được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Riêng quả chanh leo, Trung Quốc đã đồng ý cho nhập khẩu thí điểm chính ngạch. Bên cạnh đó, trái bưởi cũng đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, New Zealand; gạo mang thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời được bày bán trong chuỗi siêu thị của tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu nước Pháp E.Leclerc và hệ thống phân phối Carrefour; gạo thương hiệu A An của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long xuất khẩu thành công vào Nhật Bản… Đây được coi là những bước tiến mới trên chặng đường “chinh phục” thị trường thế giới của nông sản Việt Nam.

Theo thống kê, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu 7 triệu tấn trái cây tươi, trị giá khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc mới chỉ chiếm 7,15% thị phần, so với Thái Lan là 45,02% và Chile là 16,8%. Do đó, cơ hội cho trái cây Việt Nam mở rộng thị phần tại Trung Quốc là rất lớn, nhất là trong điều kiện nhiều loại quả đã được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Với trái bưởi tươi, cơ hội tại thị trường Mỹ và New Zealand cũng đang rộng mở.

Việt Nam xuất khẩu gạo đã hơn 30 năm, nhưng thế giới hầu như không biết đến bất cứ thương hiệu nào bởi lẽ gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô. Giờ đây, hạt gạo Việt Nam cũng đang đi tiếp hành trình mới khi lần đầu được bày bán tại các siêu thị lớn của Pháp và Nhật Bản với thương hiệu riêng.

Hướng tới các giá trị toàn cầu

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh - người được mệnh danh là “vua tiêu” nhờ những thành tích xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam hiện nay cho biết: Với hồ tiêu, nếu năm 2015, muốn xuất khẩu vào thị trường châu Âu, cần bảo đảm 120 đầu mục kiểm tra và nay con số này lên đến 820. Đáng nói, chi phí kiểm tra các đầu mục đều do phía người bán hàng chi trả. Điều này quả thật rất “khắc nghiệt” với doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng muốn chinh phục thị trường đem lại giá trị cao như châu Âu thì không thể không tuân thủ.

Mới đây, trong Báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các mặt hàng nông sản, thực phẩm giao dịch quốc tế sẽ phải đối mặt các tiêu chuẩn môi trường cao hơn nhiều trong tương lai, được áp dụng bởi sự phối hợp của các cơ quan quản lý nước nhập khẩu, người mua tư nhân hay người tiêu dùng nhạy cảm với môi trường. Thí dụ, Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về một “Thỏa thuận xanh” nhằm giảm sự rò rỉ carbon do việc nhập khẩu từ các quốc gia có hệ thống sản xuất sử dụng nhiều carbon. Do đó, các nước xuất khẩu phải chứng minh được sự tuân thủ của mình với các tiêu chuẩn bền vững cao hơn. Hiện, các quốc gia xuất khẩu chủ đạo vào EU đang tăng cường các chiến lược nhằm thúc đẩy tính bền vững của chuỗi sản xuất để đi trước xu hướng và bảo đảm thị trường quốc tế cho hàng hóa của họ. Việt Nam cần thiết phải sớm tính toán đến vấn đề này.

Chính vì vậy, Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực, nhiều thời điểm “chạy đua với thời gian” để triển khai những kế hoạch về phát triển bền vững trên cả lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản. Trong đó, xác định rõ hướng đến sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm. Đồng thời tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.