Thời Huế còn là Kinh đô, lễ Phát lịch của triều Nguyễn được tổ chức vào cuối năm, gọi là lễ Ban Sóc. Không chỉ là lễ hội mô phỏng theo nghi lễ triều Nguyễn mà Ban Sóc nay còn được xem là lễ hội đầu tiên trong lễ hội mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 3, khởi đầu cho Festival Huế 2022 bốn mùa. Sau lễ Ban Sóc là lễ hội mùa xuân với lễ Thượng tiêu, lễ hội Đền Huyền Trân, tế Xã Tắc, Festival thơ Huế và điểm nhấn là Lễ hội Huế - Kinh đô Ẩm thực.
Kể từ lần đầu diễn ra vào năm 2000, Festival Huế đều đặn “đến hẹn lại lên” và xen kẽ giữa năm chẵn Festival Huế là năm lẻ với Festival nghề truyền thống Huế. Đã 16 năm, kể từ khi Chính phủ ký phê duyệt đề án xây dựng Huế trở thành thành phố Festival mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, cũng trải qua hơn hai thập niên, cứ mỗi kỳ Festival Huế đi qua, bên cạnh những ấn tượng vui, đầy lắng đọng về các hoạt động và lễ hội góp phần làm thức dậy và thăng hoa văn hóa truyền thống Huế vẫn là sự băn khoăn về bài toán kinh tế, tính chuyên nghiệp cần có và yêu cầu tổ chức mang tính công nghệ của sự kiện văn hóa đặc sắc này. Đặc biệt, một câu hỏi lớn mà trước đây chưa có lời giải: Sau Festival Huế, sẽ còn gì và lấy gì để phục vụ cho nhu cầu du khách vào ngày thường?
Đề án tổ chức Festival Huế bốn mùa được khởi xướng ngay sau Festival 2018 là câu trả lời. Tôi nhớ tới Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh, đã rất tâm huyết với đổi thay mang tính đột phá này. Đề án được xây dựng với mục tiêu tổ chức các chuỗi lễ hội, Festival Huế được phân bổ cả bốn mùa trong năm để Huế thật sự là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm Festival Huế Huỳnh Tiến Đạt “bật mí”, kế hoạch lễ hội bốn mùa sẽ lựa chọn những lễ hội tiêu biểu, vừa thể hiện nét văn hóa riêng, vừa có tính đại chúng, cộng đồng cao, sắp xếp hợp lý, trải dài quanh năm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, có tính đến hiệu quả kinh tế-xã hội. Cũng nhờ Festival Huế bốn mùa, mà những lễ hội vốn bị “lãng quên” hay mang tính “trang trí thêm vào” như lễ hội Diều hay lễ hội Đèn lồng, đã được nâng tầm, tạo thành thương hiệu và giúp cho ngành nghề thủ công thêm cơ hội phục hồi.
Chuẩn bị kế hoạch cho “Lễ hội bốn mùa” năm 2023, Giám đốc Trung tâm Festival Huế Huỳnh Tiến Đạt tự tin khẳng định, Festival Huế có những bước đi đầu tiên khi thay đổi hình thái tổ chức. Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2023 sẽ được tổ chức với các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm, mở đầu bằng Chương trình Khai hội - Lễ Ban Sóc, kết thúc bằng Chương trình Countdown và lần lượt trong năm là các lễ hội Xuân Cố đô (mùa xuân), Kinh thành tỏa sáng (mùa hạ), Huế vào thu (mùa thu), Mùa đông xứ Huế (mùa đông). Năm 2023 là năm định kỳ tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế. Đặc biệt, đây là dịp kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, 20 năm Nhã nhạc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hai sự kiện này sẽ là điểm nhấn quan trọng của Festival Huế - bốn mùa lễ hội.