Tỉnh táo khi tham gia thị trường

Với mức điểm thấp nhất ghi nhận trong tháng 11/2022, VN-Index giảm xấp xỉ 40% từ đỉnh 1.530 điểm thiết lập cuối quý I/2022. Mức giảm 40% quả thật gây bất ngờ cho gần như tất cả các nhà đầu tư. Một lần nữa, tính bền vững của thị trường được nhắc nhở. Điều quan trọng rút ra từ đợt sụt giảm điểm lần này là nhà đầu tư cần luôn tỉnh táo để có thể bảo toàn được nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Yếu tố tâm lý của nhà đầu tư cá nhân tác động mạnh đến thị trường. Ảnh: Thanh Hà
Yếu tố tâm lý của nhà đầu tư cá nhân tác động mạnh đến thị trường. Ảnh: Thanh Hà

Khi “hòn tuyết lăn”

Hiện tượng “hòn tuyết lăn” từ call margin (lệnh gọi ký quỹ) chéo và tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư đã kéo VNIndex về vùng 900, có lúc về 873 điểm.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, mức giảm giá nhanh và bất ngờ đã bộc lộ nhiều vấn đề cần lưu tâm. Trước hết, là cơ cấu nhà đầu tư bất hợp lý. Một thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho thấy, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80% trên thị trường. Tỷ lệ thấp nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài khiến cho yếu tố tâm lý ở nhà đầu tư cá nhân tác động mạnh đến giao dịch trên thị trường, khi tăng thường quá đà, khi giảm lại quá mức.

Tiếp đó là tình trạng sử dụng cổ phiếu trên thị trường niêm yết làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay và phát hành trái phiếu. Khi những khó khăn của nền kinh tế ập đến, doanh nghiệp bị kẹt thanh khoản và khó khăn về dòng tiền, giá cổ phiếu đảo chiều, các công ty chứng khoán sẽ đua nhau bán ra cổ phiếu. Vòng xoáy giải chấp này, nếu không có lực cầu tương ứng sẽ tiếp tục sâu thêm, cổ phiếu mất thanh khoản và mức giảm giá càng lớn, buộc doanh nghiệp phải xoay xở bổ sung tài sản bảo đảm.

Nhắc đến một năm 2022 đầy thử thách, không thể không đề cập thị trường trái phiếu. Với quy mô lên tới 900.000 tỷ đồng phát hành của các tổ chức phi tài chính phát hành như hiện tại, việc thị trường trái phiếu bị nghẽn làm mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, từ đó dẫn đến các thị trường khác cũng bị nghẽn lại và sụt giảm.

Các vụ việc vi phạm về kinh tế cũng phơi bày sự yếu kém về quản trị doanh nghiệp ở nhiều công ty, cũng như là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm của các bên liên quan trên thị trường. Khi xuất hiện những sai phạm ở quy mô nhỏ, những dấu hiệu lệch ray của doanh nghiệp, doanh nhân, đã không có những “cảnh báo đỏ”, những cơ chế quản trị rủi ro để ngăn chặn sớm.

Hệ lụy domino cho cả nền kinh tế đã thấy nhãn tiền và tiếp tục khó có thể đo lường khi đây là những doanh nghiệp lớn, có cả một hệ sinh thái nhiều doanh nghiệp khác liên quan đang hoạt động trên thị trường vốn.

Ngã để đứng dậy

Để ổn định thị trường chứng khoán trong năm 2023, các ý kiến đều thống nhất rằng cần gỡ rối từ thị trường trái phiếu. Đây là gốc của vấn đề.

So sánh thị trường trái phiếu như một đứa trẻ mới tập đi, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, việc chấn chỉnh những sai phạm buộc phải làm để thị trường tỉnh ngộ và phát triển bền vững hơn.

Tại cuộc họp hồi cuối năm của lãnh đạo Bộ Tài chính với các doanh nghiệp, công ty chứng khoán lớn về đề xuất các kiến nghị cho thị trường trái phiếu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua theo dõi thuế, thấy sức khỏe doanh nghiệp suy giảm, nếu chính sách tiền tệ không thành công sẽ kéo theo chính sách tài khóa vì doanh nghiệp không nộp được thuế, nợ thuế.

Để dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, gỡ khó cho thị trường vốn và cung cấp thêm “dòng máu” cho doanh nghiệp, lãnh đạo các tập đoàn đã đề xuất nhiều kiến nghị tập trung vào ba giải pháp.

Thứ nhất, hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp làm thật, có thể thu được dòng tiền trả nợ, có giám sát chặt của các bên. Thứ hai, có quy định pháp lý để các tổ chức phát hành có thể gia hạn nợ dựa trên thương thảo với các trái chủ. Thứ ba, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý để doanh nghiệp có thể triển khai dự án, có sản phẩm bán ra thị trường và thu tiền về thực hiện nghĩa vụ chi trả.

“Doanh nghiệp cần nguồn vốn xoay vòng sản xuất kinh doanh nên cần room tín dụng. Nếu biết và tin doanh nghiệp có khả năng phát triển, nhà đầu tư mới mua trái phiếu và cổ phiếu”, ông Lê Trọng Khương, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land đề xuất.

Đại diện Masan cũng bày tỏ quan điểm “Niềm tin đến từ sự ổn định. Doanh nghiệp sẽ phải chủ động tái cấu trúc, tinh gọn sản xuất, đa dạng hóa kênh huy động vốn nước ngoài. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh trong nước cần được ổn định để tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài”.

Kỳ vọng thị trường và nền kinh tế sẽ có nhiều giải pháp chính sách để gỡ khó, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNDirect cho rằng: Các doanh nghiệp cần “khám” lại sức khỏe của mình và có kịch bản ứng phó. Nhà đầu tư không nên hoảng loạn vì cơ quan quản lý đã nhìn nhận vấn đề và sẽ có giải pháp tháo gỡ.

Có một điểm chung được giới chuyên gia thống nhất, đó là dòng tiền tiết kiệm ở trong dân vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, nền kinh tế đang cần huy động, đánh thức các nguồn lực để phát triển. Thị trường vốn bao gồm kênh cổ phiếu và trái phiếu vẫn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế để không bị phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng thương mại, vốn dĩ chỉ phù hợp với vốn lưu động cũng như tiền gửi thanh toán và ngắn hạn.

Khi thị trường vốn phát triển bền vững và có thêm nhiều câu chuyện thành công, cũng sẽ tạo động lực để gọi được dòng kiều hối và dòng tiền đầu tư tài chính nước ngoài tìm kiếm cơ hội cho vay và đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Sự vào cuộc về chính sách để khôi phục niềm tin vào thị trường tài chính không chỉ là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước mà cũng đang nhận được sự quan tâm rất lớn ở các nhà đầu tư nước ngoài.