Ứng phó với khủng hoảng

Từ khóa là đồng hành và tốc độ

Năm 2023 với những thách thức vô cùng lớn, khó dự báo, đang đặt ra những đòi hỏi mới về ứng phó khủng hoảng và hơn nữa là tận dụng cơ hội, biến thách thức thành cơ hội. Trong bối cảnh này, đồng hành-tốc độ đồng hành là những từ khóa mà cả doanh nghiệp và Chính phủ cùng hướng đến.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT Technology) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử. Ảnh: Trần Hải
Công nhân Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT Technology) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử. Ảnh: Trần Hải

Chủ tịch Tập đoàn TTF Mai Hữu Tín từ chối lời hẹn gặp cuối năm: “Tôi đang đi Mỹ, đi đi về về, để tìm kiếm việc làm cho nhân viên. Tình hình đang rất khó khăn”.

Năm 2021, nhờ sự phục hồi của kinh tế Mỹ cũng như của nhiều thị trường lớn khác mà nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như chế biến gỗ, thủy sản, dệt may... đã có sự bứt phá quan trọng, góp phần tạo nên sự hồi sinh nhanh chóng của nhiều doanh nghiệp.

Nhưng năm nay, tình hình vô cùng khó khăn. Đơn hàng đi Liên minh châu Âu (EU), Mỹ đã giảm 35-40% đối với các mặt hàng nội thất. Mặc dù ngành gỗ phấn đấu xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm 2022, nhưng dự báo sẽ không đạt.

Tuy vậy, không chỉ có doanh nghiệp chế biến gỗ khó khăn và nguyên nhân cũng không chỉ từ sự giảm sút của thị trường.

Báo cáo về tình hình doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 11/2022 cho thấy, thách thức rất lớn về việc tiếp cận nguồn vốn khiến doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm 2023 cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

“Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn hai năm dịch bệnh”, Ban IV báo cáo Thủ tướng. Thậm chí, doanh nghiệp ở một số ngành phản ánh “khó khăn chưa từng có” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do thiếu vốn.

Rõ ràng, sự xoay xở, tự lo của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng số một trong sự phục hồi, nhưng nếu đơn độc, doanh nghiệp không thể ứng phó.

“Covid-19 là một trường hợp điển hình của khủng hoảng mà những bài học rút ra thật sự có ý nghĩa, trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường. Mọi thứ đang thay đổi rất nhanh, doanh nghiệp không thể một mình ứng phó sự thay đổi này nếu không có sự hậu thuẫn từ cơ chế chính sách, từ các hành động của Chính phủ, các bộ, ngành”, Cục trưởng Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn phân tích.

Tháng 11/2022, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã công bố Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19 mà Cục thực hiện. Mục tiêu không chỉ là đánh giá doanh nghiệp đã vượt Covid-19 như thế nào, mà quan trọng hơn, theo ông Tuấn, để hiểu và đồng hành với doanh nghiệp.

Theo kết quả nghiên cứu tổng hợp từ khảo sát 630 doanh nghiệp, chính năng lực quản trị doanh nghiệp đứng đầu các nhóm yếu tố đưa doanh nghiệp vượt khủng hoảng, với 32,9% số doanh nghiệp đồng thuận. Tiếp sau là thị trường, khách hàng (20,5%); quy mô vốn của doanh nghiệp (20%); ngành nghề kinh doanh (18%); khả năng huy động vốn (17,6%); thời gian hoạt động (14,9%) và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (14,4%).

Thực tế cho thấy, trong khủng hoảng, ở một góc độ nào đó, các yếu tố như thị trường, khách hàng, ngành nghề kinh doanh… lại có yếu tố may mắn. Đơn cử, trong dịch bệnh, trong khi du lịch, hàng không, bán lẻ… đứt gãy, thì lĩnh vực sản xuất-kinh doanh các sản phẩm, thiết bị y tế lên ngôi… Hay như, trong các doanh nghiệp ngành gỗ, hiện tại khó khăn tập trung nhiều vào các doanh nghiệp chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao chứ không phải doanh nghiệp trồng rừng và nguyên liệu trung gian...

“Doanh nghiệp sẽ phải tìm cách tự cứu, trước khi trời cứu, nhưng trong bối cảnh thách thức lớn, dị biệt như hiện tại, thì sự rõ ràng, minh bạch, dễ tiên liệu và có thể xử lý nhanh theo bối cảnh của cơ chế, chính sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng”, Cục trưởng Quản lý đăng ký kinh doanh nhấn mạnh.

Bối cảnh mà ông Bùi Anh Tuấn nhắc đến không chỉ là những dự báo bất định về kinh tế thế giới trong năm 2023 mà còn bao gồm cả việc những thông lệ của các cuộc khủng hoảng trước đây với chu kỳ khoảng 10 năm một lần đã thay đổi. Khủng hoảng hiện tại xuất hiện bất thường, không dự báo được và cũng không theo chu kỳ. Chia sẻ quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp không chỉ cần các bộ, ngành, địa phương giải quyết các bất cập do quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, mà còn cần thực hiện với tốc độ nhanh hơn, với tư duy phù hợp với bối cảnh mới.

“Để vượt khó khăn, doanh nghiệp không chỉ cần gia nhập thị trường đơn giản, thuận lợi mà còn cần cả thủ tục rút lui khỏi thị trường nhanh nhất, để các kế hoạch tái cơ cấu, sắp xếp lại mô hình kinh doanh của doanh nghiệp bắt kịp với tốc độ công nghệ, của thị trường”, ông Hiếu bày tỏ quan điểm.