Sống xanh vì một tương lai xanh

Dọc chiều dài đất nước, nhiều mô hình sống xanh từng ngày lan tỏa, góp phần tạo sự thay đổi tích cực trong nhận thức, ý thức cộng đồng về lối sống xanh. Điều này mang đến hy vọng về cuộc sống bền vững trong tương lai không xa.
0:00 / 0:00
0:00
Trải nghiệm với những sản phẩm tái chế ở Green Life Hạ Long.
Trải nghiệm với những sản phẩm tái chế ở Green Life Hạ Long.

Khi lối sống gắn với trách nhiệm xã hội

Thật bất ngờ với những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt như túi xách, ba-lô, chậu trồng hoa ở Xưởng may tái chế Green Life Hạ Long ở khu 3, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long (Quảng Ninh)… Điểm đặc biệt: Tất cả đều được sản xuất từ rác thải. Và ý tưởng thành lập xưởng tái chế này phát triển từ mô hình “Biến rác thành tiền” do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hạ Long triển khai từ 5 năm trước.

Chị Trần Thị Hương quyết tâm thành lập Xưởng may tái chế Green Life Hạ Long, với vốn ban đầu hơn 50 triệu đồng. Kể từ khi đi vào hoạt động, đến nay, Green Life đã tái chế được hàng chục tấn rác thải, sản xuất gần 700 nghìn sản phẩm tái chế các loại. Con số khá ấn tượng, và đằng sau đó còn là công ăn việc làm cho gần chục lao động với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Hương cũng không ngờ, đến ngày còn mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực mới mẻ. Từ cuối tháng 5/2022 đến nay, Green Life Hạ Long đã đón hàng trăm lượt khách tham quan, trải nghiệm.

Điều thú vị, theo bà Trần Thanh Thủy, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh, sống xanh đang lan tỏa thành những làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Nhiều gia đình tại thành phố Hạ Long đã tận dụng rác thải nhựa để biến thành gạch sinh thái, từ đó xây dựng thành ghế đá, bồn hoa...

Lan tỏa về tăng trưởng xanh

Mong muốn lối sống xanh lan tỏa được đến với cộng đồng nhiều nhất có thể, là lý do khiến Limart-Zero waste, một doanh nghiệp xã hội tại TP Hồ Chí Minh ấp ủ dự định mở rộng chuỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh từ sản phẩm xanh. Người sáng lập là chị Phạm Thị Kim Hằng, và nhân viên hầu hết là người khiếm thị, khiếm thính tuổi còn trẻ.

Limart mở mang, phát triển nhiều sản phẩm khác nhằm giảm lượng rác thải, biến chúng thành những sản phẩm xanh sạch, có ích. Ngoài sản phẩm tái chế từ nylon, hiện có gần 200 dòng sản phẩm của Limart có nguồn gốc từ thực vật. Trong đó, 80% sản phẩm doanh nghiệp tự sản xuất, 20% nhập khẩu với yêu cầu tiên quyết là thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp có ba cơ sở ở Quận 1, Quận 2 và Bình Tân (TP Hồ Chí Minh). Chị Kim Hằng bộc bạch, đến năm 2030 sẽ mở được 10 cơ sở ở một số tỉnh, thành phố.

Giờ đây ý thức xanh hóa lối sống và tăng trưởng xanh đã hình thành trong nhận thức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ trong người dân. Như chia sẻ của bà Võ Xuân Quyên, Quản lý chương trình của Trung tâm sống và học tập vì cộng đồng và môi trường (Live&Learn Việt Nam), những hành vi đơn giản gần gũi như cách chọn xe, chọn loại thức ăn ra sao, nông sản địa phương hay nhập khẩu… ngày nay đã và đang tạo nên ý thức lối sống xanh, vai trò của tăng trưởng xanh.

Đã có nhiều chủ trương, đường lối chung của Đảng và Nhà nước Việt Nam chú trọng chính sách tăng trưởng xanh được ban hành. Và việc lan tỏa xanh hóa lối sống trong cộng đồng, sẽ tạo nên sự chuyển đổi nhận thức sâu rộng, từ đó những hành động cụ thể giúp Việt Nam ghi tên mình vào danh mục những quốc gia lựa chọn tăng trưởng xanh.