Giải cơn khát vốn

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ dòng tiền đưa quyết sách này vào đời sống.
0:00 / 0:00
0:00
Agribank luôn đồng hành với khách hàng trong quá trình cơ giới hóa ngành nông nghiệp.
Agribank luôn đồng hành với khách hàng trong quá trình cơ giới hóa ngành nông nghiệp.

Tiên phong triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, Agribank khẳng định vai trò tiên phong thông qua việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ đầu năm nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank tiên phong triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, cùng với việc triển khai hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, từ ngày 1/12/2022 đến 31/12/2022, Agribank tiếp tục giảm tiếp 20% lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 30/11/2022, nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp vướng mắc, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước. Khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu... cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.

Cùng đó, Ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 160 nghìn tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thúc đẩy khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Ước tính có khoảng 2,2 triệu khách hàng được hưởng các chính sách hỗ trợ này.

Kênh dẫn vốn chủ lực cho phát triển “Tam nông”

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính tiền tệ có nhiều biến động, huy động vốn của ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn, Agribank đã dành 65% trong số 1,42 triệu tỷ đồng tổng dư nợ để phục vụ phát triển “Tam nông”. Không chỉ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về tỷ trọng dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Agribank còn phát huy vai trò chủ lực trong triển khai bảy chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có 61 huyện nghèo với dư nợ hơn 605 tỷ đồng được Agribank hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Đối với cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank triển khai cho vay đến 100% số xã trên toàn quốc với dư nợ đạt hơn 605 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 50% nguồn vốn cho vay xây dựng nông thôn mới để đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp giúp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực; gần 35% nguồn vốn đầu tư cho dịch vụ thương mại; hơn 15% nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...

Đồng thời, Ngân hàng phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội thông qua mô hình tổ vay vốn, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chính sách tín dụng ngân hàng, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến... góp phần nâng cao dân trí của người dân, tạo niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thông qua triển khai các chương trình tín dụng chính sách, Agribank đã và đang đóng góp quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo động lực để nông nghiệp phát huy vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế.