Vụ tiết lộ hồ sơ mật

Cựu chuyên gia quân sự Daniel Ellsberg từng được coi là “người đàn ông nguy hiểm nhất nước Mỹ”, bởi ông đã tiết lộ các tài liệu mật về kế hoạch chiến tranh ở Việt Nam, hay còn gọi là “Hồ sơ Lầu năm góc” (Pentagon Papers) năm 1971. Vụ tiết lộ hồ sơ mật đã tạo nên cơn địa chấn trong dư luận, góp phần giúp thay đổi cách nhìn của người dân Mỹ về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Daniel Ellsberg góp phần giúp dư luận hiểu hơn về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: ITALY24.PRESS
Daniel Ellsberg góp phần giúp dư luận hiểu hơn về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: ITALY24.PRESS

Tiết lộ dậy sóng dư luận

Daniel là người gốc Do Thái, sinh ngày 7/4/1931 tại Chicago, Mỹ. Năm 1954, Ellsberg tốt nghiệp Đại học Harvard với thành tích xuất sắc và gia nhập hải quân Mỹ. Sau hai năm phục vụ quân ngũ, Ellsberg trở lại trường học. Ra trường, Ellsberg đầu quân vào Tập đoàn RAND - một công ty phân tích tình hình cho quân đội Mỹ, sau đó là Doughlas Air Company - một công ty cung cấp vũ khí cho Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo tờ Le Monde, Daniel Ellsberg nổi tiếng vào đầu những năm 70 thế kỷ trước, sau khi đưa ra ánh sáng 7.000 trang tài liệu mật, trong đó tiết lộ Chính phủ Mỹ đã nói dối công chúng về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ellsberg từng đến Việt Nam năm 1961 trong tư cách là Cố vấn quân sự của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Trong chuyến đi này, Ellsberg tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát của cả hai bên, với nguy cơ thảm bại về phía Mỹ. Ông đã tìm cách ngăn cản Bộ trưởng McNamara đưa thêm người vào chiến trường ở Việt Nam. Bỏ ngoài tai mọi sự can ngăn, trước truyền thông, McNamara vẫn dối trá trắng trợn, vẽ ra một “chiến thắng ảo tưởng” về cuộc chiến ở Việt Nam với công chúng Mỹ.

Nhờ làm việc ở RAND Corporation, Ellsberg được tiếp cận khối lượng lớn tài liệu mật, trong đó có “Hồ sơ Lầu năm góc”. Bộ hồ sơ này có tên chính thức “Quan hệ Mỹ - Việt Nam, 1945-1967: Một nghiên cứu được chuẩn bị bởi Bộ Quốc phòng”. Đây là công trình nghiên cứu về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1967, gồm 47 tập, trong đó có 15 tập được xếp vào dạng tài liệu “tuyệt mật”. Hồ sơ gồm 7.000 trang tư liệu, phân tích, được Lầu năm góc bắt đầu nghiên cứu từ năm 1967 và hoàn thành trước năm 1969. Nội dung của công trình phản ánh chính sách của Mỹ về vấn đề Việt Nam qua các đời tổng thống: Truman, Eisenhower, Kennedy, Johnson; phân tích những sai lầm của Chính phủ Mỹ khi quyết định leo thang can thiệp vào Việt Nam.

Khi đọc bộ hồ sơ trên, Ellsberg biết được những bí mật về cách Mỹ tìm đường vào Việt Nam và sa lầy ở đó; việc Mỹ vi phạm trắng trợn các quy định của Hiệp định Geneva về Việt Nam, ngăn cản quá trình thống nhất lãnh thổ, phủ quyết độc lập và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Thậm chí, “Hồ sơ Lầu năm góc” còn làm sáng tỏ cách các nhà lãnh đạo Mỹ lừa dối người dân về lý do tại sao những người lính Mỹ lại bỏ mạng ở một quốc gia xa xôi.

Cuộc chiến càng leo thang, Ellsberg càng thấy mặc cảm tội lỗi. Điều đó thôi thúc ông đưa “Hồ sơ Lầu năm góc” ra ánh sáng. Được sự hỗ trợ của một số người bạn, Ellsberg bắt đầu chiến dịch sao chép từ tháng 10/1969. Bằng nhiều cách khác nhau, ông đã chụp lại toàn bộ tài liệu mật liên quan tới việc ngăn chặn tiến trình hòa bình tại Đông Nam Á, từ thời Tổng thống Harry S.Truman, đến Lyndon B.Johnson, rồi Nixon.

Sự vào cuộc của báo chí

Ellsberg đã cố gắng chuyển tập “Hồ sơ Lầu năm góc” cho các nhà lập pháp phản chiến với hy vọng họ sẽ tiết lộ tài liệu nhưng ông nhận được sự từ chối. Sau đó, Ellsberg đã liên hệ tòa soạn báo The New York Times. Ngày 13/6/1971, The New York Times bắt đầu xuất bản một phần của “Hồ sơ Lầu năm góc” sau hằng tháng trời nghiên cứu nguồn tài liệu khổng lồ này. Tuy nhiên, ngay sau bài đăng đầu tiên, The New York Times đã phải nhận một lệnh dừng xuất bản từ tòa án.

Không nhượng bộ, Ellsberg lại gửi “Hồ sơ Lầu năm góc” đến tay các biên tập viên của báo The Washington Post. Ngày 18/6/1971, The Washington Post bắt đầu ra mắt loạt bài riêng về “Hồ sơ Lầu năm góc”. Nhưng vẫn chung số phận, tờ The Washington Post bị kiện ra tòa về tội làm lộ bí mật an ninh quốc gia.

Báo chí Mỹ không bỏ cuộc. Lần lượt các tờ báo khác bắt đầu xuất bản tài liệu này. Sự thật về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ đã phần nào được phơi bày qua “Hồ sơ Lầu năm góc”, góp phần thúc đẩy phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Hành động dũng cảm của ông Ellsberg là bước đệm cho vụ bê bối Watergate chấn động chính trường Mỹ năm 1972, khiến Henry Kissinger gắn cho Ellsberg biệt danh “Người đàn ông nguy hiểm nhất nước Mỹ”.

Trả lời báo chí về quyết định tiết lộ hồ sơ mật, Ellsberg cho biết, ông nhận thức rất rõ rằng, việc sao chép hồ sơ mật có thể khiến ông phải ngồi tù đến hết đời. “Tôi có nguy cơ phải ngồi tù 10, 20 hay 150 năm, nhưng làm sao so với cái giá chúng ta phải trả cho 50.000 gia đình Mỹ và hàng trăm nghìn gia đình Việt Nam?”, Daniel đã trả lời báo chí năm 1971 sau khi được hỏi: “Liệu ông có sợ phải ngồi tù cả đời không?”.

Sau khi “Hồ sơ Lầu năm góc” được đăng tải công khai trên báo chí, Ellsberg bị săn lùng gắt gao và phải sống chui lủi. Ngày 23/6/1971, trên CBS Evening News, Ellsberg đã nhận mình là người cung cấp tài liệu. 5 ngày sau, ông và đồng nghiệp Anthony Russo ra đầu thú cơ quan Cục Điều tra liên bang (FBI) ở Boston, bang Massachusetts, sau đó bị Chính phủ liên bang truy tố về tội danh vi phạm Đạo luật Tình báo năm 1917.

Ông bị đưa ra xét xử tại tòa án liên bang ở Los Angeles với các cáo buộc làm gián điệp và một số tội danh khác. Tuy nhiên, đến tháng 5/1973, Chánh án William M. Byrne ra lệnh bãi nại vụ án, trả tự do cho Daniel Ellsberg và Anthony Russo vì không đủ bằng chứng buộc tội việc công bố “Hồ sơ Lầu năm góc” làm phương hại đến an ninh quốc gia như Chính phủ Mỹ tố cáo.

Năm 1976, Ellsberg được phong trào Quaker và tổ chức phi chính phủ Mỹ mang tên “Thúc đẩy hòa bình bền vững” trao Giải thưởng Hòa bình Gandhi. Đây là giải thưởng để tưởng nhớ nhà lãnh đạo Ấn Độ Mahatma Gandhi, vinh danh những cá nhân có đóng góp nhằm thúc đẩy hòa bình quốc tế. Trong bốn thập kỷ tiếp theo, ông Ellsberg đã bị bắt khoảng 50 lần khi tham gia các cuộc biểu tình phản chiến. Ông cũng lên tiếng ủng hộ những người tiết lộ thông tin của chính phủ, bao gồm Edward Snowden và Chelsea Manning.

Nguồn cảm hứng của các đạo diễn

Vụ bê bối “Hồ sơ Lầu năm góc” sau này đã truyền cảm hứng cho các nhà làm phim Hollywood. Năm 1974, đạo diễn Peter Davis ra mắt bộ phim tài liệu “Hearts and Minds” (tạm dịch: Trái tim và lý trí). Tên phim dựa theo ý một câu nói của Tổng thống Johnson: “Để chiến thắng, người Mỹ phải chiếm được tâm hồn và trí óc của những người dân Việt Nam”. Thông qua cuộc phỏng vấn các nhân chứng từ cả hai phía, đạo diễn Peter Davis đã chứng minh: Nhà cầm quyền Mỹ chưa bao giờ thuyết phục được nhân dân Việt Nam tin vào lý lẽ của Mỹ. Phim đã đoạt giải Oscar ở hạng mục “Phim tài liệu hay nhất” năm 1974.

Năm 2017, đạo diễn Steven Spielberg đã cho ra mắt bộ phim “The Post” (tên tiếng Việt: “Bí mật Lầu năm góc” khắc họa cuộc đấu tranh của báo chí Mỹ thập niên 70 với chính quyền của Tổng thống Nixon. Tác phẩm nhận đề cử Oscar “Phim xuất sắc” năm 2018.

Tháng 3/2023, Daniel Ellsberg thông báo rằng, ông đang mắc bệnh ung thư nan y và chỉ còn “từ ba đến sáu tháng để sống”. “Chocolate nóng, bánh sừng bò, bánh ngọt, bánh mì, cá hồi hun khói đã mang lại cho ông niềm vui trong những tháng cuối đời. Ông cũng xem lại những bộ phim yêu thích”, gia đình ông Daniel cho biết. Ngày 16/6 vừa qua, Daniel Ellsberg qua đời ở tuổi 92 tại nhà riêng ở Kensington, bang California, chỉ một ngày sau khi Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng ông Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” vì đã góp phần giúp nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới hiểu thêm về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam.