Bức tranh ảm đạm của thị trường lao động

Đầu tháng 9 vừa qua, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố Báo cáo “Cập nhật triển vọng việc làm và xã hội thế giới”, trong đó cho biết tỷ lệ thu nhập lao động toàn cầu tiếp tục giảm, làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập và thách thức đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Nhiều người trẻ tham gia hội chợ việc làm tại Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhiều người trẻ tham gia hội chợ việc làm tại Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES

Báo cáo đáng lo ngại

Theo Reuters, báo cáo của ILO cho thấy tỷ lệ thu nhập từ lao động đình trệ cùng việc một bộ phận lớn thanh niên vẫn trong tình trạng thất nghiệp, không được giáo dục hoặc đào tạo (NEET)… đã làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng trong công việc. Một trong những nguyên nhân chính là do tiến bộ công nghệ, gồm tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI). ILO đã phân tích tác động của đổi mới công nghệ trong hai thập kỷ qua trên 36 quốc gia và nhận thấy, mặc dù những đổi mới này thúc đẩy năng suất và sản lượng nhưng người lao động không được chia sẻ công bằng từ những lợi ích thu được.

Ngoài ra, tỷ lệ thu nhập từ lao động toàn cầu, thể hiện phần tổng thu nhập của người lao động, đã giảm 0,6 điểm phần trăm từ năm 2019 đến năm 2022 và vẫn giữ nguyên đến nay. Điều này góp phần kéo dài hơn xu hướng thu nhập giảm. Bà Celeste Drake, Phó Tổng giám đốc ILO cho biết: “Tỷ lệ thu nhập từ lao động toàn cầu đang giảm dần. Điều này có nghĩa là ngay cả khi người lao động đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu đang phát triển, họ cũng chỉ nhận được một phần nhỏ hơn trong sự tăng trưởng đó”.

Báo cáo nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính dẫn sự suy giảm này, với gần 40% mức giảm trong tỷ lệ thu nhập từ lao động xảy ra những năm đại dịch giai đoạn 2020-2022. Cuộc khủng hoảng đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện hữu, đặc biệt là khi thu nhập tiếp tục tập trung vào những người giàu nhất, làm suy yếu tiến trình đạt được SDG số 10 - mục tiêu hướng tới giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia.

Ngoài ra, trong phần nghiên cứu Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên thuộc báo cáo nói trên, ILO cũng xác định tỷ lệ lớn thanh niên thuộc đối tượng NEET là một tình trạng đáng quan ngại vốn đã tồn tại dai dẳng. Báo cáo trên cũng cảnh báo về khoảng cách ngày càng lớn giữa nguồn cung ứng lao động trẻ mới tốt nghiệp và số lượng công việc phù hợp mà họ có thể đảm nhận.

ILO cũng trích dẫn số liệu về tỷ lệ NEET trên toàn cầu. Theo đó, tỷ lệ này chỉ giảm nhẹ từ 21,3% năm 2015 xuống còn 20,4% vào năm 2024 và dự kiến ​​không thay đổi trong hai năm tới. “Tỷ lệ nữ giới trong nhóm đối tượng NEET trên toàn cầu ở mức 28,2% năm 2024, cao hơn gấp hai lần so nam thanh niên”, AP trích báo cáo của ILO. Tổng Giám đốc Gilbert

F. Houngbo nhận định: “Không ai trong chúng ta có thể mong đợi một tương lai ổn định khi hàng triệu người trẻ trên khắp thế giới không có công việc tử tế, kết quả là họ cảm thấy bất an và không thể xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình. Xã hội hòa bình dựa vào ba thành phần cốt lõi: Sự ổn định, hòa nhập và công lý xã hội và công việc tử tế cho thanh niên là cốt lõi của cả ba thành phần này”.

Bức tranh ảm đạm của thị trường lao động ảnh 1

Tự động hoá và AI góp phần khiến tỷ lệ thu nhập từ lao động giảm. Ảnh: ENGINEER LIVE

Đẩy nhanh nỗ lực

ILO cảnh báo, nếu không có các chính sách toàn diện để bảo đảm lợi ích của tiến bộ công nghệ được chia sẻ rộng rãi, những diễn tiến mới trong lĩnh vực AI có thể làm sâu sắc hơn tình trạng bất bình đẳng việc làm, khiến việc đạt được SDG khó khăn hơn. “Các quốc gia phải hành động để chống lại nguy cơ suy giảm tỷ lệ thu nhập từ lao động. Chúng ta cần các chính sách thúc đẩy phân phối công bằng các lợi ích kinh tế, bao gồm tự do hiệp hội, thương lượng tập thể và quản lý lao động hiệu quả, để đạt được tăng trưởng bao trùm và xây dựng con đường phát triển bền vững cho tất cả mọi người,” Phó Tổng giám đốc ILO nhấn mạnh.

Theo The Guardian, hồi tháng 5/2023, ông Gilbert F. Houngbo từng đưa ra một số biện pháp nhằm định hình lại các chính sách kinh tế, xã hội và môi trường để tạo ra một tương lai ổn định, công bằng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nghèo đói, lạm phát, bất bình đẳng gia tăng. Ông Houngbo cho rằng, cần hướng tới xã hội lấy con người làm trung tâm, đổi mới cấu trúc của các hệ thống kinh tế và xã hội…

Trong khi đó, cuối tháng 7 vừa qua, tại một cuộc họp cấp cao do Brazil đăng cai tổ chức tại thành phố Fortaleza của nước này, ILO cũng lên tiếng kêu gọi các Bộ trưởng Lao động và Việc làm thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thực hiện hành động mang tính quyết định để giảm bất bình đẳng, thúc đẩy bình đẳng giới và khuyến khích sự đa dạng tại nơi làm việc. Các bộ trưởng sau đó đã nhất trí về hàng loạt biện pháp toàn diện nhằm giải quyết những thách thức của thị trường lao động toàn cầu, bảo đảm quá trình chuyển đổi công bằng và thúc đẩy việc làm thỏa đáng. Giới chức các nước cũng cam kết tạo ra những việc làm chất lượng, tăng cường hòa nhập xã hội và xóa đói, giảm nghèo thông qua các chính sách phối hợp về xã hội, kinh tế và môi trường.

“Trong một thế giới liên tục phải vật lộn với những thách thức và các cuộc khủng hoảng mới, chúng ta rõ ràng cần đẩy nhanh nỗ lực để biến công lý xã hội thành hiện thực cho tất cả mọi người. Điều này đòi hỏi những chính sách xã hội được phối hợp tốt, bao gồm bảo vệ xã hội và nhiều chính sách khác để bảo đảm sự hòa nhập xã hội”, ông Gilbert F. Houngbo nhận định.

Ngoài ra, giới chức thế giới cũng thống nhất việc ra mắt Liên minh toàn cầu chống đói nghèo, khẳng định việc tham gia liên minh này không chỉ là “mệnh lệnh đạo đức” mà còn là bước đi quan trọng hướng tới việc xây dựng một thế giới việc làm công bằng và bền vững hơn.

Trong một phiên họp gần đây, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng nhấn mạnh, để có được những con số khả quan hơn trên thị trường lao động toàn cầu, công bằng xã hội phải trở thành một trong những nền tảng chính, hiệu quả hơn, bảo đảm sự gắn kết trong các lĩnh vực chính sách. Để đạt được sự bình đẳng và công bằng, các chính phủ, doanh nghiệp và mọi người đều phải hành động.

Các chính phủ cần bảo vệ quyền và cơ hội của người dân, bằng cách ban hành và thực thi các luật bình đẳng, cũng như đầu tư vào giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng phải thực hiện chính sách việc làm và hệ thống lương công bằng, bảo đảm mọi người lao động nhận được mức lương và phúc lợi hợp lý. Đối với các cá nhân, mỗi người cần trau dồi nhận thức và thực hiện các hành động thúc đẩy công bằng xã hội.

Để có thể làm được những mục tiêu trên, theo ông Guterres, thế giới cần đồng lòng trên cơ sở tăng cường nỗ lực và phối hợp nhịp nhàng giữa các quốc gia cũng như khu vực. Không chỉ vậy, Tổng Thư ký LHQ cũng kêu gọi các chính phủ trên thế giới cần hành động ngay, đẩy nhanh các nỗ lực để tình hình sớm được cải thiện.