Hàng chục nghìn người chết mỗi năm
Một buổi chiều tháng 6/2024 trên đảo Symi (Hy Lạp), người dẫn chương trình truyền hình Michael Mosley (Anh) tạm biệt vợ và đi dạo trên đảo. Lúc ấy, nhiệt độ ở Symi vừa vượt quá 37oC và còn tăng tiếp, khiến cơ quan khí tượng địa phương phải đưa ra cảnh báo cho du khách trong vùng. Michael Mosley mất tích và được tìm thấy 4 ngày sau trong tình trạng tử vong. Kết quả điều tra cho thấy Mosley kiệt sức chỉ khoảng 2 giờ sau khi chia tay vợ. Ông dường như đã lạc đường và không mang theo điện thoại di động nên không thể gọi hỗ trợ. Các chuyên gia y tế tin rằng, dưới trời nóng xấp xỉ 40oC, ở tuổi 67, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng đã qua đời vì sốc nhiệt.
Chuyện của Michael Mosley một lần nữa khiến công luận phải chú ý tới tình trạng thời tiết hiện tại ở Nam Âu, nơi nắng nóng đang trở thành mối bận tâm ngày càng lớn. Theo Euro News, nắng nóng đã góp phần dẫn tới cái chết của 47.000 người ở châu Âu vào năm ngoái. Con số tương tự của năm 2022 là 61.000 người, theo số liệu của Viện Sức khỏe toàn cầu ở Barcelona (Tây Ban Nha). Các nhà khoa học tin rằng, thống kê trên có thể cao hơn nữa nếu thiếu các biện pháp ứng phó kịp thời từ mỗi nước.
Cao điểm nắng nóng của châu Âu được ghi nhận vào tháng 7 và cuối tháng 8. Năm ngoái, 57% số ca tử vong, tương đương hơn 27.000 người, liên quan trực tiếp tới hai đợt nóng này. Trong đó, các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đều nằm ở Nam Âu, có khí hậu Địa Trung Hải. Số liệu trung bình cho thấy Hy Lạp là quốc gia dễ tổn thương nhất với 393 ca tử vong vì nắng nóng trên một triệu người. Bulgaria (229 ca) và Italy (209 ca) xếp phía sau. Còn theo số liệu tổng thể, Italy đứng đầu với 12.743 ca tử vong do nắng nóng hồi năm ngoái. Tây Ban Nha có 8.352 ca, Đức có 6.376 ca. Ngay đến nước Anh vốn không thuộc Nam Âu, đồng thời có khí hậu lạnh hơn nhưng vẫn ghi nhận 1.851 ca tử vong bởi nắng nóng.
Trái với ấn tượng thường thấy của mọi người, nhiệt độ tăng cao, say nắng không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tử vong. Nắng nóng cướp đi sinh mạng bằng cách tác động gián tiếp, làm trầm trọng thêm vấn đề sẵn có từ tim, phổi... Đó là lý do người cao tuổi, phụ nữ, người có bệnh nền dễ trở thành nạn nhân của nắng nóng hơn.
Trong hơn 12.000 người tử vong ở Italy nêu trên, có 8.388 phụ nữ. Khác biệt về giới tính này thể hiện ở hầu hết các quốc gia. Điều tương tự cũng đến từ chuyện tuổi tác khi tỷ lệ người hơn 80 tuổi tử vong liên quan nắng nóng cao hơn gần 800% so với nhóm tuổi từ 65 tới 79.
Suy giảm du lịch
Cũng liên quan tới nắng nóng, cô gái Mary Beth Walsh (Mỹ) có một câu chuyện khác. Lớn lên ở Texas, Walsh luôn nghĩ rằng cô đã quen với thời tiết oi bức. Nhưng khi đến Athens (Hy Lạp) hồi tháng 6 vừa qua, Walsh thật sự bị sốc. Theo CNN, cô nhớ lại cái nóng “không thể chịu đựng nổi” khi ấy: “Tôi thật sự không biết gì về cái nóng ở Hy Lạp cho tới khi trực tiếp trải nghiệm. Nó làm tôi bất ngờ. Tôi thường đùa rằng mình chịu nóng giỏi lắm. Tôi còn mang cả áo len đến lớp vào tháng 8 (tại Mỹ) mà”.
Nhưng ở Hy Lạp, đấy là chuyện hoàn toàn khác. Cô gái người Mỹ cùng nhóm bạn không thể khám phá đất nước ven bờ Địa Trung Hải như kế hoạch do thời tiết oi bức. Căn phòng Walsh thuê không có máy lạnh, nhiệt độ ban ngày cũng quá cao để họ có thể đi bộ quanh thành phố. “Cả đoàn như cạn sạch năng lượng, mệt mỏi hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều”, Walsh nhớ lại.
Mùa hè nóng nực ấy là hiện thực mà rất nhiều du khách như Walsh đã phải đối mặt khi tới Nam Âu vài năm gần đây. Các chuyên gia khẳng định, lượng khách du lịch tới những quốc gia giáp Địa Trung Hải đã giảm đáng kể hồi năm ngoái trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục và nhiều vụ cháy rừng diễn ra trong khu vực. Đây là vấn đề nhức nhối với các nước Nam Âu khi rất nhiều trong số này có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch. Tại Hy Lạp, du lịch đóng góp tới 38 tỷ euro mỗi năm, chiếm 20% toàn bộ nền kinh tế (theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới). Italy ở mức thấp hơn khi du lịch chỉ đóng góp 10%.
Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC) cho biết, nhu cầu du lịch tới các nước ven Địa Trung Hải đã giảm mạnh từ mùa hè 2022 và 2023. Số lượng du khách lo lắng về tình hình thời tiết Nam Âu cũng tăng 7%. Nhiều người đã chọn tới những vùng khí hậu mát mẻ hơn ở Bắc hoặc Trung Âu. Giám đốc Điều hành ETC, ông Eduardo Santander, phân tích: “Du khách ngày càng nhận thức rõ hơn về những hiện tượng thời tiết cực đoan cùng tác động của chúng tới kỳ nghỉ dưỡng”.
Roo Clark (28 tuổi, du khách người Anh) củng cố cho quan điểm ấy: “Cuộc khủng hoảng khí hậu mà chúng ta tưởng sẽ diễn ra trong 10 hay 15 năm tới đã xảy ra ngay lúc này. Năm trước, tôi và bạn bè thậm chí còn chưa nói về biến đổi khí hậu. Năm nay, nó đã thành chủ đề chính khi cả nhóm xem xét các điểm du lịch”. Cũng trong chia sẻ với CNN, Clark cho biết, anh và bạn bè đã gặp rất nhiều vấn đề với muỗi ở Skyros (Hy Lạp): “Chúng tôi bị muỗi cắn suốt ngày. Trời không có gió, chúng tôi phải tự phun thuốc, nhưng bọn muỗi vẫn làm phiền cả đoàn. Chắc bởi gió yếu quá, nhiệt độ, độ ẩm cao đã tạo cơ hội cho muỗi phát triển”.
Đó cũng là nhận định từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC). Tổ chức này ghi nhận sự xuất hiện của các loài muỗi ở khả năng lây truyền sốt xuất huyết ở một loạt quốc gia. Không hề tình cờ, toàn bộ đều thuộc vùng ven biển Địa Trung Hải như Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Việc đây đều là những khu du lịch, nhiều người qua lại càng tạo cơ hội cho sự lây nhiễm dịch bệnh.
Năm 2023, ECDC ghi nhận 130 trường hợp sốt xuất huyết địa phương ở khu vực. Con số một năm trước chỉ là 71. Số lượng ca bệnh chưa quá nhiều nhưng đây cũng là một nguy cơ cần xem xét trong tương lai. Sự phát triển mạnh của muỗi và những loài truyền bệnh khác là ảnh hưởng trực tiếp bởi việc khí hậu ấm hơn.
Trạng thái “bình thường mới”
Các học giả khẳng định tình trạng trên ở Nam Âu là không thể cải thiện. Xu hướng nóng lên toàn cầu sẽ tiếp tục trong dài hạn. Bối cảnh ấy cộng thêm việc du khách vẫn hướng tới một số địa chỉ trong khu vực tạo thêm khó khăn cho chính quyền địa phương. Các chuyên gia tin rằng, thay đổi tư duy là điều đầu tiên phải làm. Các quốc gia, các nền du lịch và cư dân của họ phải chấp nhận rằng thời tiết sẽ chỉ duy trì ở mức này hoặc tệ hơn. Họ sẽ phải coi đây là điều bình thường, thích nghi với nó, từ đó mới có các giải pháp.
Một số chuyên gia khuyên du khách lên lịch từ sớm, tính trước nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng để tránh thời gian cao điểm nắng nóng hoặc quá tải ở các khu du lịch. Họ cũng cần chuẩn bị cho các tình huống phát sinh như khí hậu khắc nghiệt bất thường, mất điện hay đơn giản như phòng khách sạn không có điều hòa hay quạt, vốn phổ biến ở một số vùng Nam Âu.
Một giải pháp khác được ông Stefanos Sidiropoulos, người điều hành công ty lữ hành lớn nhất Hy Lạp về hoạt động ngoài trời, đưa ra là tổ chức các hoạt động vào thời điểm mát mẻ của ngày như khi mặt trời mọc và lặn. “Hay thậm chí là ban đêm”, ông này nói thêm.
Cải thiện môi trường, trồng thêm cây xanh, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo hay cả những chiến dịch tiêu diệt sinh vật gây bệnh đều đã được các nước trong khu vực nghĩ tới. Tuy nhiên, chúng đều là những giải pháp dài hạn. Xu hướng nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp của nó tới Nam Âu trong tương lai gần vẫn là không thể tránh khỏi. Học cách thích nghi với cuộc sống mới dường như là lời giải duy nhất cho khu vực này.