Ngăn chặn “dịch bệnh thầm lặng”

Một báo cáo cho thấy tỷ lệ trẻ em thừa cân đang gia tăng ở châu Âu và kéo theo nhiều nguy cơ sức khỏe đáng lo ngại khác. Các nhà nghiên cứu cho hay, tình trạng béo phì ở trẻ tăng lên vài năm trở lại đây có thể do thói quen không lành mạnh trong ăn uống và sinh hoạt, hình thành trong thời gian phong tỏa vì đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng béo phì trẻ em ở châu Âu gia tăng. Ảnh: GETTY IMAGES
Tình trạng béo phì trẻ em ở châu Âu gia tăng. Ảnh: GETTY IMAGES

“Quả bom hẹn giờ về sức khỏe”

Theo Guardian, phân tích chỉ số của hơn 1 triệu trẻ em ở Anh, các nhà khoa học cho thấy tỷ lệ béo phì đã tăng 45% ở trẻ từ 4 đến 5 tuổi và 21% ở trẻ từ 10 đến 11 tuổi trong năm 2021. Báo cáo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Y sinh học Southampton công bố hồi tháng 6 vừa qua đã chỉ ra: “Trong giai đoạn 2020-2021, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em tăng mạnh. Đến năm 2022, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em từ 4 đến 5 tuổi đã trở lại mức dự kiến ​​dựa trên xu hướng trước đại dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em từ 10 đến 11 tuổi vẫn tiếp diễn và cao hơn 4% so dự kiến, tương ứng với gần 56.000 trẻ em”.

Trung tâm nghiên cứu Y sinh học Southampton thuộc Trường đại học Southampton cho hay, tình trạng trẻ em thừa cân và béo phì gia tăng trong thời kỳ đại dịch có nghĩa là ít nhất 56.000 trẻ em sẽ lớn lên với nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, sự gia tăng mạnh mẽ này sẽ khiến Vương quốc Anh mất hơn 8 tỷ bảng Anh chi tiêu thêm cho chăm sóc sức khỏe và tác động đến nền kinh tế.

Giáo sư Mark Hanson tại Trường đại học Southampton là đồng tác giả của nghiên cứu trên, ông cho biết những phát hiện này rất đáng báo động. Ông nói: “Trung bình 1 trong 4 trẻ em khi rời trường tiểu học đang sống chung với tình trạng béo phì, điều này có khả năng gây ra tác động đáng kể đến sức khỏe và hạnh phúc của các em, cũng như gây ra chi phí lớn hơn cho xã hội”. Giáo sư Hanson cho rằng, các chính sách mới nên hướng đến trẻ em dưới 5 tuổi, vì trong một số trường hợp, rất khó chấm dứt tình trạng béo phì ở trẻ vị thành niên. “Một khi đã hình thành, tình trạng béo phì đã được chứng minh là khó có thể đảo ngược. Khoảng 60-85% trẻ em bị béo phì vẫn duy trì tình trạng khi trưởng thành, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tật trong tương lai”, ông nói.

Giám đốc phụ trách vấn đề trẻ em và thanh, thiếu niên của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) Anh, Giáo sư Simon Kenny đề cập rằng những con số này là “quả bom hẹn giờ” về sức khỏe. Điều này cho thấy tỷ lệ béo phì ở trẻ em trong độ tuổi đi học hiện nay vẫn còn đáng lo ngại so trước đại dịch. Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân có thể là vì những trẻ em ở độ tuổi 10-11 đã chịu ảnh hưởng và không thay đổi thói quen ăn uống, không tập thể dục đủ và thời gian sử dụng màn hình ở mức có hại, đã gây ra tình trạng kể trên.

Tỷ lệ béo phì ở lớp 6 tại Anh (từ 10-11 tuổi) là 25,5% vào năm 2020-2021, 23,4% vào năm 2021-2022 và 22,7% vào năm 2022-2023, so 21% vào năm 2019-2020. Khi tính cả số liệu về béo phì và thừa cân, theo dữ liệu mới nhất, 36,6% trẻ em có cân nặng không lành mạnh. Ông Simon Kenny nhận xét: “Những con số này sẽ gây lo ngại cho cả cha mẹ và NHS. Béo phì ảnh hưởng đến mọi hệ thống cơ quan của con người và do đó, ở độ tuổi còn nhỏ, tình trạng có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, ung thư, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và nhiều bệnh khác, có thể dẫn đến giảm tuổi thọ và ít hạnh phúc hơn”.

Ngăn chặn “dịch bệnh thầm lặng” ảnh 1

Thói quen ăn uống lành mạnh giúp cải thiện tình trạng béo phì ở trẻ. Ảnh: GETTY IMAGES

Mối liên hệ với thói quen xấu sau đại dịch

Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu vào đầu tháng 5 vừa qua đã đưa ra đánh giá rằng, đại dịch Covid-19 là nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì gia tăng ở trẻ em trong độ tuổi đi học tại châu Âu, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo cần phải hành động sớm. Báo cáo cho thấy trẻ em trai có nhiều khả năng bị thừa cân hơn trẻ em gái. Trẻ em sống ở những khu vực nghèo đói nhất có khả năng bị béo phì cao gấp đôi so trẻ em ở những khu vực giàu có nhất.

Kết quả khảo sát từ 17 quốc gia châu Âu cho thấy, trẻ em trai và gái từ 7 đến 9 tuổi dành nhiều thời gian nhìn vào màn hình hơn và ít thời gian vui chơi ngoài trời hơn, phản ánh sự gia tăng số lượng trẻ em thừa cân trong cùng độ tuổi này. Hơn 50.000 trẻ em ở châu Âu đã được khảo sát từ năm 2021 đến năm 2023, sau khi lệnh phong tỏa bắt đầu vào tháng 3/2020. Cố vấn về dinh dưỡng, hoạt động thể chất và béo phì của Văn phòng WHO khu vực châu Âu, ông Kremlin Wickramasinghe cho biết: “Một số quốc gia đã có những thay đổi tích cực, chẳng hạn như nhiều gia đình cùng ăn tại nhà với nhau hơn, nhưng cũng có một số phát hiện đáng lo ngại, bao gồm sự gia tăng thói quen ăn uống không lành mạnh và ít thời gian vận động”.

Số liệu cho thấy rằng, 36% trong số trẻ em ở 17 nước châu Âu được khảo sát đã tăng thời gian xem ti-vi, chơi trò chơi trực tuyến hoặc sử dụng mạng xã hội vào các ngày trong tuần và 34% tăng thời gian sử dụng màn hình giải trí vào cuối tuần. Bức tranh trở nên đáng lo ngại khi có 28% trẻ em bị giảm thời gian hoạt động ngoài trời vào các ngày trong tuần, 42% nói rằng, mức độ hạnh phúc và khỏe mạnh giảm sút và 20% trẻ em chia sẻ chúng thường xuyên cảm thấy buồn hơn.

Hiệp hội nghiên cứu béo phì châu Âu trong kỳ họp tại Venice (Italy) đã lần đầu định lượng tác động của tình trạng béo phì ở trẻ em đối với sức khỏe lâu dài và tuổi thọ. Người ta thấy rằng, tình trạng béo phì phát triển ở độ tuổi khi còn nhỏ có tác động đặc biệt sâu sắc. Thí dụ, một đứa trẻ mắc chứng béo phì nghiêm trọng ở tuổi lên 4 và không giảm cân sau đó, có tuổi thọ trung bình chỉ 39 năm, giảm khoảng một nửa tuổi thọ trung bình.

Xác định các giải pháp

Ông Wickramasinghe hy vọng báo cáo sẽ thúc đẩy các quốc gia trong khu vực hành động khẩn cấp để cải thiện dinh dưỡng và hoạt động thể chất bằng cách tạo ra môi trường hỗ trợ các hành vi lành mạnh. “Chúng ta không thể bỏ qua những xu hướng này. Trong khu vực của chúng tôi, cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ bị thừa cân và béo phì, và lượng tiêu thụ trái cây và rau, quả là rất thấp”, ông nói.

Vị chuyên gia của WHO nhận định, đại dịch đã làm nổi bật tính cấp thiết của việc giải quyết tình trạng béo phì ở trẻ em. Các quốc gia cần ưu tiên phổ biến những chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất cho tất cả trẻ em. WHO khuyến nghị một số biện pháp như hạn chế tiếp thị, đánh thuế các sản phẩm không lành mạnh, dán nhãn dinh dưỡng rõ ràng trên thực phẩm và các chương trình tại trường học để cải thiện chế độ ăn uống và thúc đẩy hoạt động thể dục.

Trước đó, trong Báo cáo về tình trạng béo phì khu vực châu Âu năm 2022 công bố mùa hè năm ngoái, WHO đã nhấn mạnh rằng, cứ 3 trẻ em trong độ tuổi tiểu học thì có gần 1 trẻ đang bị béo phì hoặc thừa cân và con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa. Dữ liệu về tình trạng béo phì ở trẻ em của WHO vẽ nên một bức tranh không mấy tươi sáng, khi thừa cân và béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở khu vực này, với ước tính gần đây cho thấy căn bệnh này gây ra hơn 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm, tương ứng hơn 13% tổng số ca tử vong.

Văn phòng WHO khu vực châu Âu đã xác định 3 hành động cụ thể để chống lại tình trạng dự báo sẽ còn xấu đi hiện nay và giúp ngăn chặn “dịch bệnh thầm lặng” này trở nên trầm trọng hơn, trong đó nhấn mạnh “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Những nỗ lực giảm béo phì ở trẻ em phải bắt đầu sớm, ngay từ khi mang thai và thời thơ ấu. Phòng bệnh cần tập trung vào dinh dưỡng tốt ở mọi giai đoạn cuộc đời của trẻ. Những nỗ lực phòng bệnh cũng cần thiết ở gia đình, trường học và cộng đồng rộng lớn hơn.

Yêu cầu cũng đặt ra với việc quản lý ngành thực phẩm và đồ uống. Các chính sách hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng béo phì ở trẻ em bao gồm đánh thuế đồ uống có đường, yêu cầu dán nhãn rõ ràng trên mặt trước bao bì và hạn chế tiếp thị thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em. Bên cạnh đó, WHO yêu cầu thúc đẩy hoạt động thể chất, bao gồm thiết kế đô thị và chính sách giao thông tốt hơn, hoạt động thể chất trong chương trình giảng dạy ở trường và các hoạt động ngoại khóa, cũng như truyền tải thông điệp rõ ràng nhằm hỗ trợ lối sống năng động trong suốt cuộc đời.