Căn bệnh nguy hiểm từ châu Phi

Ngày 15/8 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) đang diễn ra ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Đây là mức báo động cao nhất theo luật y tế quốc tế và giới chức thế giới đang nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát căn bệnh này.
Tiêm phòng vaccine vẫn là phương pháp hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh. Ảnh: ALAMY
Tiêm phòng vaccine vẫn là phương pháp hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh. Ảnh: ALAMY

Nguyên nhân gây bệnh

Virus đậu mùa khỉ (Mpox) được phát hiện lần đầu vào năm 1958 khi hai đợt bùng phát bệnh giống như đậu mùa xuất hiện ở những con khỉ được giữ trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu. WHO ghi nhận CHDC Congo là nơi đầu tiên loại virus gây bệnh đậu mùa được phát hiện ở người vào năm 1970. Hầu hết ca bệnh ở người được phát hiện tại khu vực Trung Phi và Tây Phi có tiếp xúc gần với động vật bị nhiễm bệnh. Hiện, động vật gặm nhấm như sóc, chuột là nguồn lây chính.

Nguyên nhân gây bệnh do virus đậu mùa khỉ thuộc chủng Orthopoxvirus trong họ Poxviridae gây bệnh đậu mùa. Virus này có nhánh di truyền là I và II. Nhánh I là một nhóm virus lớn đã tiến hóa qua nhiều thập kỷ, có những khác biệt rõ rệt về di truyền và lâm sàng, thường gây bệnh nặng hơn, với tỷ lệ tử vong khoảng 10%, trong khi tỷ lệ này ở nhánh II là khoảng 1%. Phần lớn các trường hợp do nhánh I gây ra xuất hiện ở Trung Phi và CHDC Congo, còn phần lớn các ca bệnh do nhánh II gây ra xuất hiện tại Nigeria.

Căn nguyên của bệnh đậu mùa khỉ gắn liền với bệnh đậu mùa, xuất hiện lần đầu vào khoảng năm 10.000 trước Công nguyên. Đậu mùa là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất của nhân loại, dẫn đến cái chết của hơn 300 triệu người trên toàn thế giới chỉ trong thế kỷ 20. Các cộng đồng ở châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia không thuộc phương Tây khác từ lâu đã tìm cách ngăn chặn sự lây lan của loại virus này. Năm 1980, nhân loại đã xóa sổ bệnh đậu mùa bằng chương trình tiêm chủng hiệu quả.

Kể từ đó, bệnh đậu mùa cũng như đậu mùa khỉ dường như rơi vào quên lãng cho tới năm 2022, một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng ra ngoài khu vực châu Phi, sang châu Âu và Bắc Mỹ. Tháng 5/2022, một du khách Anh đi du lịch ở Nigeria đã mang mầm bệnh và tạo ra một đợt lây lan diện rộng. Thời điểm đó, hầu hết các ca bệnh bị nhiễm virus nhánh II. Phần lớn trong số họ là nam giới đồng tính và virus chủ yếu lây lan qua tiếp xúc gần.

Theo Tiến sĩ Dimie Ogoina, người đứng đầu Ủy ban khẩn cấp của WHO về bệnh đậu mùa khỉ, bệnh này đã âm thầm lây lan mà hầu như không bị phát hiện trong nhiều năm ở châu Phi, trước khi bùng phát vào năm 2022.

Căn bệnh nguy hiểm từ châu Phi ảnh 1

Nhiều trẻ em bị mắc bệnh trong đợt bùng phát gần đây. Ảnh: REUTERS

Ứng phó với tình trạng khẩn cấp

Thời gian gần đây, một biến thể mới gọi là Ib của Mpox đang tạo ra những nguy cơ về sức khỏe nghiêm trọng. Theo AP, nhánh Ib gây ra hơn 17.400 ca nhiễm và 500 ca tử vong, thực tế có thể cao hơn nhiều do khả năng phát hiện và báo cáo có thể chưa đầy đủ. Số liệu chính thức của WHO cho thấy có gần 8.000 trường hợp nhiễm bệnh trong năm nay, chủ yếu ở CHDC Congo, trong đó có 384 trường hợp tử vong, gần một nửa trong số này là trẻ em dưới 15 tuổi, trong đó có những trường hợp mắc ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Không chỉ vậy, đậu mùa khỉ đang có mặt tại nhiều quốc gia ở châu Phi mà trước đây không bị ảnh hưởng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, các ca bệnh cũng đã xuất hiện ở ít nhất 13 quốc gia trên khắp lục địa này. Tình trạng lây lan trên diện rộng là một trong những lý do chính khiến Mpox được WHO tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Ngày 15/8, Thụy Điển ghi nhận một trường hợp nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ có liên quan đợt bùng phát dịch bệnh này ở châu Phi . WHO cảnh báo đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy dịch bệnh đã lây lan ra bên ngoài “lục địa đen”.

Tiến sĩ Daniel Bausch, Cố vấn cấp cao về an ninh y tế toàn cầu tại FIND (một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu về công bằng y tế) cho biết: “Do một số yếu tố khác nhau, Ib đã nổi lên là một đột biến mới thích nghi với con người. Loại virus này thường lây truyền từ động vật sang người. Nhưng một khi đột biến thích nghi, nó có thể truyền từ người sang người và gây ra những đợt bùng phát lớn hơn”. Nhánh Ib là một nhánh mới và đáng lo ngại, nhưng tình hình hiện tại còn phức tạp hơn do nhiều đợt bùng phát chồng chéo.

Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, nguy cơ lây lan đậu mùa khỉ trên phạm vi quốc tế là rất đáng lo ngại. “Chúng ta không chỉ đối phó đợt bùng phát của một nhánh mà còn là một số đợt bùng phát của những nhánh khác nhau ở các quốc gia khác nhau, với các phương thức lây truyền khác nhau và mức độ rủi ro khác nhau”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh. Trong khi đó, ông Dimie Ogoina, Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp của WHO, đánh giá những gì đang diễn ra ở châu Phi chỉ là “phần nổi của tảng băng”.

Theo Reuters, trước diễn biến phức tạp của Mpox, giới chức y tế thế giới đang gấp rút đưa ra các phương pháp nhằm ngăn chặn căn bệnh này. WHO mới đây đã công bố về kế hoạch ứng phó và chuẩn bị chiến lược toàn cầu nhằm ngăn chặn các đợt bùng phát lây truyền đậu mùa khỉ từ người sang người, thông qua các nỗ lực phối hợp toàn cầu, khu vực và quốc gia.

Theo đó, trong 6 tháng tới (từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025), WHO, các quốc gia thành viên và đối tác bao gồm CDC châu Phi, cộng đồng nghiên cứu cùng nhiều bên khác sẽ tham gia và tài trợ cho hoạt động ứng phó dịch bệnh. WHO dự kiến cần có 135 triệu USD để thực hiện kế hoạch này trong 6 tháng, theo đó sẽ tập trung triển khai các chiến lược giám sát, phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó toàn diện; thúc đẩy nghiên cứu và tiếp cận công bằng các biện pháp đối phó y tế như xét nghiệm chẩn đoán và tiêm phòng vaccine; giảm lây truyền từ động vật sang người; trao quyền cho cộng đồng để tích cực tham gia vào công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ chưa có vaccine đặc trị. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết, vaccine phòng bệnh đậu mùa có hiệu quả tới 85% trong tiêu diệt virus bệnh đậu mùa khỉ. Do đó, tiêm vaccine đậu mùa được xem là cách hiệu quả, đơn giản nhất ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Trong kế hoạch của WHO cũng như nhiều quốc gia khác, chương trình tái khởi động tiêm vaccine đậu mùa cho nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao phơi nhiễm cũng đang được triển khai.

Các chuyên gia y tế đánh giá, giới chức thế giới hoàn toàn có thể ngăn chặn và kiểm soát các đợt bùng phát Mpox. Tuy nhiên, để làm được điều này, WHO cũng như các quốc gia thành viên cần có một kế hoạch hành động toàn diện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan quốc tế, các đối tác quốc gia, địa phương cũng như các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất vaccine.