Hiệp ước phát triển toàn cầu

Tại Hội nghị cấp cao Tiếng nói phương Nam (VOGSS) lần thứ 3 diễn ra ngày 17/8 theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề xuất thiết lập một “Hiệp ước phát triển toàn cầu” dựa trên các ưu tiên do các nước đang phát triển đặt ra, đồng thời chia sẻ bài học phát triển và kinh nghiệm của chính Ấn Độ trong quan hệ đối tác phát triển với các quốc gia khác.
Thủ tướng Modi (thứ hai, phải sang) tại lễ phát động sáng kiến Mission Life. Ảnh: TATTVA NEWS
Thủ tướng Modi (thứ hai, phải sang) tại lễ phát động sáng kiến Mission Life. Ảnh: TATTVA NEWS

Hiệp ước lấy con người làm trung tâm

Theo AFP, Ấn Độ đã tổ chức hội nghị năm nay lấy chủ đề “Một phương Nam được trao quyền vì tương lai bền vững”. Ông Narendra Modi đã kêu gọi các quốc gia ở nam bán cầu đoàn kết một tiếng nói để củng cố sức mạnh lẫn nhau. Trong bài phát biểu khai mạc tại hội nghị trực tuyến, ông Modi bày tỏ quan ngại về những bất ổn và thách thức toàn cầu hiện nay. Ông nhấn mạnh rằng, trong khi thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng xung đột cũng đặt ra những thách thức đáng kể đối với hành trình phát triển của các nước phương Nam.

“Các quốc gia đang phải đối mặt những thách thức từ biến đổi khí hậu cũng như những lo ngại về an ninh y tế, an ninh lương thực và an ninh năng lượng”, ông Modi nhấn mạnh. Ông đồng thời lưu ý rằng, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai tiếp tục gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho xã hội. Người đứng đầu quốc gia chủ trì sự kiện cho rằng, sự phân chia công nghệ và những thách thức kinh tế, xã hội mới liên quan đến công nghệ cũng đang nổi lên.

Sau đó, trong bài phát biểu bế mạc, ông Modi đánh giá cao vai trò của cuộc thảo luận tại Hội nghị lần thứ 3 đã mở đường cho việc cùng nhau tiến về phía trước. Ông bày tỏ tin tưởng rằng, hội nghị cấp cao này sẽ “thúc đẩy nỗ lực đạt được các mục tiêu do các quốc gia phương Nam toàn cầu đặt ra”. Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á này đồng thời đề xuất một thỏa thuận toàn cầu mới, với kỳ vọng sẽ giúp các nước đang phát triển xây dựng năng lực, thúc đẩy thương mại. Phát biểu của ông đề cập nền tảng của hiệp ước này sẽ dựa trên hành trình phát triển và kinh nghiệm hợp tác phát triển của Ấn Độ.

Theo Thủ tướng Ấn Độ, “Hiệp ước phát triển toàn cầu” mới sẽ cam kết “lấy con người làm trung tâm, đa chiều và thúc đẩy cách tiếp cận đa ngành đối với vấn đề phát triển”. Việc đề xuất sáng kiến ​​này phản ánh kinh nghiệm của Ấn Độ trong hợp tác phát triển, bao gồm các chương trình xây dựng năng lực, cung cấp hạn mức tín dụng, những dự án hỗ trợ tài chính, nhượng bộ thương mại và đầu tư, và chuyển giao công nghệ. “Hiệp ước đang đưa ra một sự bảo đảm rằng tài trợ phát triển và cơ sở hạ tầng sẽ không gây gánh nặng nợ nần cho các nước đang phát triển”, theo ý kiến của Giáo sư Gulshan Sachdeva của Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và hiện là điều phối viên của Trung tâm Jean Monnet, Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ.

Vai trò của nền kinh tế Ấn Độ

Hội nghị cấp cao Tiếng nói phương Nam đang đóng vai trò là nền tảng để mở rộng các cuộc thảo luận được tổ chức tại các hội nghị trước đó về một loạt thách thức phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới, như xung đột, khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu. Với tư cách là Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) năm ngoái, Ấn Độ tập trung vào các vấn đề như tăng trưởng toàn diện, đổi mới kỹ thuật số, khả năng phục hồi khí hậu và tiếp cận y tế toàn cầu một cách công bằng với mục tiêu mang lại lợi ích cho các nước Nam bán cầu.

Theo Economic Times, Ấn Độ đang đưa ra cam kết chia sẻ kinh nghiệm và năng lực của mình với tất cả các nước ở Nam bán cầu. New Delhi đã đề cập việc thúc đẩy thương mại, phát triển toàn diện, tiến bộ trong các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của LHQ, kết nối cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số và năng lượng. Trong tầm nhìn chung đó, quốc gia này đã phát động một loạt sáng kiến bao gồm Mission Life như một sáng kiến ​​toàn cầu được kỳ vọng “tạo ra một phong trào quần chúng, thúc đẩy hành động của cá nhân và tập thể để bảo vệ và gìn giữ môi trường”. Đến nay, New Delhi đang ưu tiên sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo trên mái nhà không chỉ ở Ấn Độ mà còn ở các nước đối tác. Hướng đến kết nối hạ tầng tài chính, Ấn Độ cũng đã khởi xướng nỗ lực kết nối nhiều quốc gia khác nhau ở Nam bán cầu thông qua Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI).

Trong quan hệ đối tác ở lĩnh vực giáo dục, xây dựng năng lực và đào tạo kỹ năng, Ấn Độ đã ra mắt Diễn đàn ngoại giao trẻ phương Nam, Trung tâm dành cho thanh niên xuất sắc phương Nam… nhằm hướng đến xây dựng năng lực, kỹ năng và chia sẻ kiến thức. Đánh giá cao vai trò của Cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI) trong việc thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, với khoản đóng góp ban đầu là 25 triệu USD, New Delhi đã đề xuất một quỹ tác động xã hội toàn cầu để phổ biến DPI ở Nam bán cầu. Một quỹ đặc biệt khác trị giá 2,5 triệu USD cũng đã được công bố để thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại ở các nước đang phát triển. Quỹ này không bao gồm khoản tài trợ riêng cho chương trình đào tạo về chính sách thương mại và xây dựng năng lực đàm phán thương mại cho các nước đang phát triển trị giá 1 triệu USD.

Trong khi hứa hẹn sự hỗ trợ và hợp tác đầy đủ từ Ấn Độ, ông Modi trước đó nói rằng, sức mạnh của các nước Nam bán cầu nằm ở sự đoàn kết. “Hội nghị cấp cao là nơi chúng ta đưa ra tiếng nói về nhu cầu và nguyện vọng của những người cho đến nay vẫn chưa được lắng nghe. Tôi tin rằng sức mạnh của chúng ta nằm ở sự đoàn kết và với sức mạnh của sự đoàn kết này, chúng ta đang hướng tới một hướng đi mới”, ông nói. Đề cập đến Hội nghị về tương lai do LHQ tổ chức tại Mỹ vào tháng tới, ông nói: “Tất cả chúng ta có thể cùng nhau thực hiện một cách tiếp cận tích cực để tiếng nói của miền Nam bán cầu được nâng cao trong hiệp ước này.”

Hiện nay, các bên tham gia hội nghị cấp cao ở New York (Mỹ) đã chuẩn bị cho khả năng sẽ đưa ra một “Hiệp ước Tương lai”, với các chương cụ thể về phát triển bền vững, tài trợ cho phát triển, hòa bình và an ninh, khoa học, công nghệ và đổi mới, hợp tác kỹ thuật số; chuyển đổi quản trị toàn cầu, v.v… Tại đây cũng có thể đưa ra một hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu, vì vậy, một số ý tưởng được thảo luận tại VOGSS có thể hữu ích trong các cuộc đàm phán cho Hiệp ước Tương lai. “Nhìn chung, khái niệm về Hiệp ước phát triển toàn cầu thể hiện nỗ lực của Ấn Độ nhằm định hình cấu trúc phát triển toàn cầu, kết hợp quan điểm từ cả những nước phát triển và đang phát triển, theo cách có lợi cho phần lớn các nước kém phát triển hơn”, Giáo sư Gulshan Sachdeva nhận định.

Hơn 120 quốc gia đã tham gia vào nhiều phiên họp khác nhau tại Hội nghị trực tuyến vừa diễn ra. Diễn đàn Tiếng nói phương Nam là một sáng kiến do Ấn Độ khởi xướng và dẫn dắt khi nước này đảm nhận chức Chủ tịch G20 năm 2023. “Đây là nơi để xác định nhu cầu của các nước đang phát triển, xem xét nguyện vọng của họ để đưa vào chương trình nghị sự của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới”, New Dehli tuyên bố. Ấn Độ đã tổ chức hai hội nghị trực tuyến đầu tiên vào tháng 1/2023 và tháng 11/2023.

Hội nghị Tiếng nói phương Nam mang đến một nền tảng chung cho các nước đang phát triển để thảo luận các ý tưởng và giải pháp về nhiều ưu tiên phát triển khác nhau, bao gồm các ưu tiên liên quan tài chính phát triển, y tế, biến đổi khí hậu, công nghệ, quản trị, năng lượng, thương mại, trao quyền cho thanh niên, chuyển đổi kỹ thuật số, phụ nữ lãnh đạo và xây dựng năng lực, hướng tới sự phát triển bền vững và lấy con người làm trung tâm vào năm 2030 và sau này…, trong khi cũng đưa ra thảo luận về tầm nhìn tăng cường quan hệ đối tác phát triển toàn cầu và cùng tập trung hướng tới một tương lai bền vững.