Chiến dịch chống buôn lậu cổ vật

Giới chức châu Âu vừa triển khai chiến dịch điều tra chung giữa các cơ quan hải quan và lực lượng thực thi pháp luật từ 25 nước nhằm chống nạn buôn bán các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật xuyên quốc gia. Trong tháng 7 vừa qua, cảnh sát đã bắt giữ 85 người liên quan và thu hồi hơn 6.400 tác phẩm nghệ thuật, gồm nhiều cổ vật giá trị hàng triệu euro.
0:00 / 0:00
0:00
Những cổ vật được thu hồi trong chiến dịch. Ảnh: REUTERS
Những cổ vật được thu hồi trong chiến dịch. Ảnh: REUTERS

Chiến dịch “Pandora VIII”

Theo The New York Times, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) và Cơ quan Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã hỗ trợ các điều tra viên từ 25 quốc gia thực hiện đợt trấn áp chống tội phạm buôn bán trái phép di sản văn hóa của nhân loại. Chiến dịch này bao gồm thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm tra, rà soát tại các sân bay, cảng, cửa khẩu biên giới, nhà đấu giá, viện bảo tàng và nhà riêng, qua đó thu hồi nhiều tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp.

Cơ quan thực thi pháp luật cũng đã tiến hành hàng nghìn cuộc kiểm tra trực tuyến. Tổng cộng vẫn còn hơn 250 vụ việc hình sự và hành chính ở nhiều quốc gia khác nhau đang được triển khai. Do đó, cảnh sát dự kiến sẽ tiếp tục bắt giữ và tịch thu thêm hiện vật trong thời gian tới. Đây là những hoạt động trong khuôn khổ “Chiến dịch chống buôn bán nghệ thuật quốc tế lần thứ tám”, có mật danh là “Pandora VIII”, do cảnh sát Tây Ban Nha dẫn đầu với sự hỗ trợ của Europol và Interpol.

Trong thời gian diễn ra Pandora VIII, Cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha phối hợp Cơ quan an ninh Ukraine đã thu hồi 11 vật phẩm có giá trị hơn 60 triệu euro, qua đó khởi tố vụ án hình sự liên quan rửa tiền và buôn bán bất hợp pháp các hiện vật khảo cổ bằng vàng có nguồn gốc từ hàng trăm năm, đã bị đánh cắp ở Ukraine và buôn lậu sang Tây Ban Nha. Trong một vụ việc khác, các nhà khảo cổ học và Bảo tàng Khảo cổ Sevilla ở Tây Ban Nha, đã hỗ trợ và tư vấn cảnh sát nước này tịch thu một bộ sưu tập tư nhân gồm hơn 350 hiện vật. Bộ sưu tập bao gồm các mảnh đá, gốm và kim loại từ nhiều thời kỳ khảo cổ khác nhau.

Tương tự, cảnh sát Romania đã thu hồi một bức tượng thánh bằng gỗ có niên đại từ những năm 1850-1880, bị lấy cắp từ một nhà thờ ở nước này và đang được rao bán trực tuyến. Hải quan Bulgaria thu giữ 432 đồng tiền cổ có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ và đang trên đường đến Pháp. Trong hai cuộc điều tra khác, cảnh sát Hy Lạp đã tịch thu 43 chiếc bình cổ và bắt giữ hai người liên quan.

Liên quan những cuộc điều tra trực tuyến, Cảnh sát quốc gia Ba Lan (Policja) đã định vị và thu giữ 229 đồ vật trong một cửa hàng đồ cổ. Một số cổ vật được làm bằng ngà voi, với tổng giá trị ước tính là 140.000 euro. Theo báo cáo, Cơ quan Bảo vệ di sản văn hóa (Carabinieri) của Italy đã xác định và thu giữ một bức tranh đương đại có giá trị khoảng 150.000 euro đang được rao bán trực tuyến. Ngoài ra, Carabinieri đã thu giữ hơn 2.000 đồ tạo tác bằng gốm và đá như đầu mũi tên và đầu giáo. Các cổ vật này có nguồn gốc từ thời kỳ đồ đá mới và đồ đồng, đã được rao bán trực tuyến. Trong quá trình khám xét, cảnh sát cũng tìm thấy nhiều tác phẩm giả mạo, hàng giả cổ hoặc giả danh những nghệ sĩ nổi tiếng. Một số đã được bảo vệ và trả lại cho chủ sở hữu ban đầu, một số sẽ lên đường hoàn trả về viện bảo tàng của quốc gia xuất xứ.

Chiến dịch Pandora lần đầu được triển khai vào năm 2016, là chuỗi hoạt động thực thi pháp luật được tổ chức hằng năm trong khuôn khổ thỏa thuận đa ngành châu Âu chống lại các mối đe dọa tội phạm (EMPACT). Dựa trên mạng lưới thông tin được chia sẻ giữa các quốc gia trên khắp châu Âu, Europol đóng vai trò trong việc tạo điều kiện trao đổi thông tin, hỗ trợ phân tích và hoạt động cho từng cuộc điều tra quốc gia riêng ở mỗi nước.

Tương tự, với tư cách là đơn vị đồng lãnh đạo hoạt động này, Interpol đã hỗ trợ Pandora VIII trong những hoạt động chung cần sự giám sát quốc tế. Năm ngoái, chiến dịch Pandora VII đã bắt giữ 60 đối tượng và thu hồi 11.049 hiện vật bị đánh cắp. Năm 2020, cảnh sát cũng thu hồi khoảng 19.000 hiện vật khảo cổ và tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, bao gồm hiện vật bằng vàng và hàng nghìn đồng tiền cổ.

Chiến dịch chống buôn lậu cổ vật ảnh 1

Cảnh sát kiểm tra những cổ vật được thu hồi. Ảnh: REUTERS

Phòng, chống buôn lậu cổ vật

Trong những năm qua, thế giới đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể tình trạng phá hủy, trộm cắp dẫn đến “chảy máu di sản” do xung đột vũ trang. Xung đột đi kèm nạn cướp bóc có tổ chức, buôn bán bất hợp pháp các hiện vật văn hóa. Tổng Thư ký Interpol Jurgen Stock nhấn mạnh: “Số vụ bắt giữ và số lượng hiện vật cho thấy quy mô và phạm vi toàn cầu của hoạt động buôn bán trái phép các hiện vật văn hóa, trong đó mọi quốc gia có di sản phong phú đều có thể trở thành mục tiêu tiềm năng”. Theo ông Jurgen Stock: “Chúng ta không thể coi việc bảo vệ di sản trong xung đột hiện đại chỉ là một vấn đề văn hóa, đó là một yêu cầu an ninh cấp thiết.”

Interpol cảnh báo, buôn bán trái phép hiện vật văn hóa được xem là “miếng mồi ngon” đối với tội phạm có tổ chức, vì hoạt động kinh doanh này có rủi ro thấp, lợi nhuận cao. Từ tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp đến đồ tạo tác lịch sử, tội phạm buôn lậu cổ vật và hiện vật văn hóa có địa bàn và phạm vi hoạt động rộng lớn. Bà Catherine de Bolle, Giám đốc điều hành của Europol cho biết thêm: “Tội phạm có tổ chức và rất đa dạng. Buôn bán trái phép hiện vật văn hóa là một trong số đó. Hoạt động do các mạng lưới tội phạm quốc tế điều hành và cuộc chiến này trên thực tế không hề tách biệt với việc chống nạn buôn bán ma túy và vũ khí. Chúng tôi phát hiện rằng một vài băng đảng đang cùng lúc tham gia những hoạt động này, chúng tạo ra lợi nhuận khổng lồ”.

“Hàng trăm vụ bắt giữ và điều tra được tiến hành, hàng nghìn đồ vật bị tịch thu, đó là lời cảnh tỉnh cho những nhà quản lý và giới nghệ thuật, với những nhà sưu tập và những người quan tâm, khi muốn sở hữu hiện vật nghệ thuật cổ đại thì người mua nên cẩn thận. Bất kỳ hiện vật lịch sử nào đang được rao bán đều cần được kiểm chứng về tính nguyên bản và hợp pháp để tránh tiếp tay cho bọn buôn lậu”, bà Deborah Lehr - người sáng lập Liên minh Cổ vật phi lợi nhuận - nhấn mạnh.

Theo thống kê, phần lớn các vụ trộm cắp tác phẩm nghệ thuật diễn ra tại nhà riêng của những nhà sưu tập, bên cạnh đó còn có các bảo tàng và nơi thờ tự như nhà thờ, chùa, miếu mạo… cũng là mục tiêu phổ biến. Báo cáo của Interpol cho rằng, nhìn chung, tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc, tượng và đồ vật tôn giáo là những mặt hàng được bọn trộm săn đón. Tuy nhiên, chúng cũng không loại trừ những hiện vật, đồ cổ như đồ tạo tác, sách, đồ nội thất, tiền xu, vũ khí và đồ dùng bằng vàng, bạc…

Một hiện tượng đáng lo ngại khác là việc khai quật trái phép các hiện vật khảo cổ và cổ sinh vật học. Hoạt động trái phép này rất đáng lên án vì có thể gây tổn hại các di tích lịch sử và làm giảm giá trị khoa học khi tách rời chúng khỏi địa điểm khảo cổ. Đồng thời, cơ quan an ninh cũng cảnh báo nạn làm giả tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác khác, gây nhiễu loạn thị trường hợp pháp.

Theo bà Corrado Catesi, Giám đốc Chương trình chống tội phạm di sản văn hóa của Interpol: “Chúng ta đang chứng kiến ​​sự gia tăng đáng báo động về tình trạng buôn bán các hiện vật văn hóa giả, đặc biệt là từ những khu vực đang có xung đột. Số lượng lớn hàng giả tràn vào thị trường là một hiện tượng cực kỳ phức tạp và việc phá các mạng lưới liên quan đòi hỏi trình độ chuyên môn cao”.