Những bài học từ “mẹ thiên nhiên”

Sau khi cơn cuồng phong Yagi đi qua, tỉnh, thành phố phía bắc đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề về người và tài sản. Thực tế đó đặt ra yêu cầu bức thiết về việc bổ sung những giải pháp chủ động ứng phó thiên tai, trong bối cảnh thời tiết ngày càng khó lường. Những quốc gia thường xuyên đối mặt các loại hình thiên tai như Nhật Bản đã áp dụng những công nghệ, kinh nghiệm để tồn tại.
Chuyên gia Nhật hướng dẫn phòng chống thảm họa. Ảnh: VŨ ANH
Chuyên gia Nhật hướng dẫn phòng chống thảm họa. Ảnh: VŨ ANH

Luôn chuẩn bị tối đa trước thảm họa

Nhật Bản, một quốc đảo nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, thường xuyên đối mặt các loại hình thiên tai như động đất, sóng thần, bão và núi lửa phun trào. Chính vì vậy, từ xa xưa, người Nhật đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú thông qua quan sát tự nhiên và truyền miệng. Những trận động đất, sóng thần lớn trong quá khứ đã để lại dấu ấn sâu sắc, thúc đẩy người dân và chính phủ luôn cảnh giác và chuẩn bị.

Ngày nay, từ kinh nghiệm lịch sử kết hợp khoa học hiện đại, Nhật Bản đã phát triển một hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả với mạng lưới trạm quan sát khí tượng, địa chấn dày đặc, giúp theo dõi và dự báo chính xác các hiện tượng thiên tai. Các hệ thống này được tích hợp với công nghệ thông tin tiên tiến, giúp thông báo nhanh chóng đến người dân. Các khu vực sơ tán an toàn được phân bố khắp nơi với biển báo chỉ dẫn, thông tin đầy đủ.

Bên cạnh đó, mỗi người dân Nhật đều nắm rõ các bước cần thiết để bảo vệ tài sản và bản thân gia đình trước thảm họa, dù nó là bất ngờ hay được dự báo trước. Trước tiên, đối với việc gia cố nhà cửa và bảo vệ tài sản, người dân Nhật rất chú ý đến việc chuẩn bị bên ngoài ngôi nhà trước khi có mưa to hoặc gió mạnh, bao gồm việc khóa chặt và gia cố cửa sổ, cửa chớp khi cần thiết, vệ sinh máng xối và cống thoát nước để bảo đảm thoát nước tốt, cũng như cố định hoặc cất giữ trong nhà những vật dụng có thể bị gió thổi bay.

Cùng với đó, việc chuẩn bị nhu yếu phẩm cũng rất quan trọng. Dự trữ thực phẩm là một phần thiết yếu trong việc chuẩn bị cho các thảm họa như động đất và mưa lớn. Người Nhật đặt tiêu chuẩn dự trữ ít nhất từ ba ngày đến một tuần. Bởi khi xảy ra thảm họa, các nguồn sống như điện, nước và gas có thể bị cắt, nguồn cung cấp thực phẩm bị gián đoạn do hậu cần bị đình trệ.

Thông thường, hàng cứu trợ thiên tai đến trong vòng ba ngày sau khi thảm họa xảy ra. Tuy nhiên, với thảm họa quy mô lớn như động đất mạnh, có thể mất hơn một tuần. Do khó mua được thực phẩm tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị, nên việc dự trữ đủ thực phẩm cho ba ngày đến một tuần là cần thiết.

Ngoài thực phẩm, người dân cũng thường chuẩn bị các vật dụng phòng chống thiên tai cần thiết. Bếp gas và bình gas nhỏ rất cần thiết để đun nấu, hữu ích khi ăn hoặc nấu thức ăn đóng gói hoặc mì ly. Sử dụng giấy bạc hoặc màng bọc thực phẩm phủ lên bát đĩa giúp tiết kiệm nước rửa sau mỗi lần sử dụng. Nến và đèn pin dùng để chiếu sáng, pin dự phòng và radio dùng làm công cụ thu thập thông tin cũng là những vật “bất ly thân” với người Nhật trong thảm họa.

Nâng cấp tư duy ứng phó thiên tai

Ngay cả khi đối mặt nguy cơ thiên tai bất thường, người Nhật vẫn duy trì sự bình tĩnh ứng phó một cách chủ động. Bước đầu tiên là luôn kiểm tra và xác định rõ nơi sơ tán. Điều này bao gồm việc tìm hiểu đường đi đến các địa điểm an toàn như trường học hoặc trung tâm cộng đồng. Đồng thời, các thành viên trong tập thể luôn có sự thảo luận với nhau về kế hoạch sơ tán và cách thức liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Việc cập nhật thông tin liên tục cũng rất cần thiết. Các đài khí tượng Nhật Bản thường xuyên đưa ra thông tin bão và cảnh báo khi có nguy cơ xảy ra bão, hoặc thiệt hại nghiêm trọng do mưa. Bởi vậy, người Nhật đặc biệt chú ý theo dõi những thông tin mới nhất từ nhiều nguồn như truyền hình, đài phát thanh và các trang web uy tín.

Khi bão đến gần, an toàn cá nhân được ưu tiên hàng đầu. Chính phủ và lực lượng chức năng thường xuyên khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài và tránh xa các khu vực nguy hiểm. Đặc biệt cảnh giác với những nơi có nguy cơ ngập lụt như suối và máng xối, vì ranh giới của chúng có thể trở nên khó nhận biết, dễ gây tai nạn trượt ngã. Nguy cơ sạt lở đất cũng tăng cao trong thời điểm này. Khi gió mạnh lên, các vật thể có thể bị thổi bay, gây thương tích, thậm chí tử vong. Đặc biệt lưu ý rằng, sóng biển và ven bờ thường cao bất thường trước và sau khi bão đi qua. Bởi vậy, những người dân vùng ven biển Nhật Bản luôn tự giác tìm khu vực cao hơn để trú ẩn, đề phòng sóng thần hoặc lũ cuốn trôi.

Ý thức cộng đồng cao là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc phòng chống thiên tai ở Nhật Bản. Từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật đều được tham gia những khóa hướng dẫn, đào tạo ứng phó các tình huống thảm họa bắt buộc trong trường học. Ở các thành phố lớn của Nhật đều có những trung tâm hướng dẫn các biện pháp ứng phó thiên tai, thảm họa bằng giáo cụ trực quan sinh động để người dân trực tiếp tham gia. Ông Yuki Matsuoka, Trưởng Văn phòng LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai tại tỉnh Hyogo, thành phố Kobe nhấn mạnh: “Cần phòng chống thiên tai trước hết dựa trên việc hiểu rõ rủi ro. Nếu không có sự hiểu biết sâu sắc về các rủi ro, việc chuẩn bị đầy đủ sẽ trở nên khó khăn”.

Đối với sinh viên quốc tế khi mới bắt đầu quá trình sinh sống và học tập tại Nhật Bản, chính phủ nước này cũng đặc biệt quan tâm đến việc hướng dẫn phòng chống thiên tai và các thảm họa thiên nhiên. Anh Nguyễn Thái Dương, du học sinh tại Nhật Bản cho biết: “Trước đây mình vẫn chưa hình dung cụ thể khi đối phó thảm họa thiên nhiên thì phải làm thế nào, nhưng qua hướng dẫn của Trung tâm phòng chống thảm họa Tokyo, mình đã biết cách đối phó từng loại thảm họa khác nhau, biết cách sử dụng những công cụ hỗ trợ như bình cứu hỏa, vòi chữa cháy, bàn chống động đất… Vì vậy, khi đối mặt thảm họa trong thực tế, mình sẽ có phản xạ và quyết định kịp thời để bảo vệ an toàn cho bản thân và giúp đỡ người khác”.

Sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và người dân cũng đóng vai trò then chốt. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành những chính sách cụ thể về phòng chống thiên tai, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng đến việc quy định các tiêu chuẩn xây dựng nghiêm ngặt. Người dân tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống thiên tai, như tham dự các buổi tập huấn và tình nguyện hỗ trợ cộng đồng.

Kinh nghiệm phòng chống thiên tai của Nhật Bản đã đúc rút những bài học quý giá để đối phó hiệu quả hơn với thảm họa thiên nhiên trong tương lai. Trước hết, việc chuẩn bị kỹ lưỡng là chìa khóa quan trọng nhất. Cần xây dựng một hệ thống phòng chống thiên tai toàn diện, bao gồm cả việc chuẩn bị về mặt vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Tiếp theo đó, các cơ quan hữu quan có thể tích cực học hỏi từ kinh nghiệm của những lần thiên tai đã xảy ra. Điều này đòi hỏi việc phân tích kỹ lưỡng sau mỗi sự kiện thiên tai để rút ra bài học và cải thiện các biện pháp ứng phó trong tương lai.

Trong cơn bão Yagi vừa qua, đã có rất nhiều hình ảnh đẹp thể hiện sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng. “Sức mạnh” này góp phần không nhỏ vào công tác giảm thiểu thiệt hại và khôi phục sau thiên tai. Bởi vậy, cần tăng cường sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng thông qua các chương trình giáo dục và tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó thiên tai thường xuyên. Cuối cùng, việc đầu tư mạnh mẽ vào khoa học và công nghệ, cụ thể trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là hết sức cần thiết. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo sớm và quản lý thiên tai sẽ giúp nâng cao đáng kể hiệu quả của công tác phòng chống thiên tai.