Mặt trái của ứng dụng Telegram

Tổng Giám đốc điều hành (CEO) ứng dụng nhắn tin Telegram vừa bị bắt ở Pháp với cáo buộc Telegram không thực hiện đủ trách nhiệm kiểm duyệt, thiếu hợp tác với chính quyền. Vụ bắt giữ đã cho thấy hành động mạnh của các quan chức nước này với các công ty công nghệ trong việc giới hạn nội dung có hại. Những ứng dụng cho phép trò chuyện nhóm và nhắn tin riêng tư, một tính năng mà các chuyên gia mạng cho biết, tạo ra môi trường lý tưởng cho các hoạt động bất hợp pháp.
Nhà sáng lập Telegram Pavel Durov. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhà sáng lập Telegram Pavel Durov. Ảnh: GETTY IMAGES

Nhiều nội dung không kiểm duyệt

Ngày 24/8 vừa qua, Cơ quan chịu trách nhiệm ngăn chặn bạo lực chống lại trẻ vị thành niên của Pháp (OFMIN) đã phát lệnh bắt tỷ phú người Nga Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram. Ông Durov còn có quốc tịch Pháp và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Theo cảnh sát Pháp, vụ bắt giữ nằm trong cuộc điều tra sơ bộ tập trung vào cáo buộc ứng dụng Telegram thiếu các biện pháp kiểm duyệt.

Công tố viên Laure Beccuau thuộc Văn phòng Công tố Paris thông báo, Pavel Durov bị bắt để điều tra về 12 cáo buộc hình sự và cho biết, vụ bắt giữ diễn ra trong khuôn khổ một cuộc điều tra tư pháp bắt đầu từ ngày 8/7, tiếp sau cuộc điều tra do đơn vị chống tội phạm mạng khởi xướng. Cuộc điều tra này liên quan các cáo buộc về những giao dịch bất hợp pháp, tàng trữ hoặc cung cấp hình ảnh khiêu dâm của trẻ vị thành niên… Ngoài ra, cảnh sát Pháp cũng điều tra hành vi từ chối cung cấp thông tin hoặc tài liệu cần thiết khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu để thực hiện các hoạt động giám sát hợp pháp. Bà Beccuau lưu ý rằng, việc giam giữ ông Durov là tạm thời theo thủ tục áp dụng đối với tội phạm có tổ chức.

Trong tháng 7, Telegram vừa công bố ứng dụng nhắn tin đã đạt mốc 950 triệu người dùng, tăng 50 triệu so cách đó 3 tháng và gần gấp đôi so mức 500 triệu đầu năm 2021. Con số này đưa Telegram trở thành một trong những nền tảng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới. Nhà sáng lập cũng nhiều lần nhấn mạnh “không thu thập dữ liệu người dùng và gần như không hợp tác với các chính phủ”. Tuy vậy, những năm gần đây, giới chuyên gia an ninh chỉ trích Telegram đang trở thành nơi ẩn náu của tội phạm, nhiều nhóm chat biến thành nơi tội phạm trao đổi buôn bán phi pháp.

Theo AFP, nền tảng này cho phép bất cứ ai cũng có thể truy cập khi tải phần mềm hoặc trên trình duyệt web thông thường. Theo nhà phân tích tại Kaspersky Alexey Bannikov nhận định, điều này được cho là mang lại cho những kẻ phạm tội cảm giác an toàn và không bị kiểm duyệt. Hãng bảo mật Kaspersky cũng đã đưa ra báo cáo đánh giá tình trạng tội phạm mạng sử dụng Telegram như một nền tảng cho các hoạt động ở “thế giới ngầm” thông qua kênh và nhóm chat để quảng cáo những dịch vụ bị cấm, thậm chí cả vũ khí, ma túy.

Telegram có thể sớm đạt mốc 1 tỷ người dùng trong năm nay và hướng tới mục tiêu 1,5 tỷ người dùng năm 2030 như CEO Durov đã dự đoán. Điều khoản dịch vụ của trang web này nêu rằng, họ “không cho phép người dùng đăng nội dung khiêu dâm trên các kênh công khai”, nhưng cũng nêu “không kiểm duyệt tin nhắn riêng tư giữa người dùng hoặc không công khai trò chuyện trong nhóm” do đã được mã hóa đầu cuối tin nhắn. Các chuyên gia cho biết, tuyên bố về Telegram của Durov đã vi phạm luật về lạm dụng trẻ em và các vấn đề pháp lý khác.

Trong đó, những tính năng mã hóa hiện nay của Telegram được cho là đã tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn chặn. Điều này khiến nhà sáng lập Telegram, ông Pavel Durov có thể bị coi là đồng phạm trong các hoạt động buôn bán ma túy, bạo lực mạng, gian lận, tội phạm có tổ chức, kích động khủng bố. CEO Telegram có thể phải đối mặt án tù lên đến 20 năm nếu bị kết án hình sự. Trong khi đó, nền tảng này đang đưa ra nhiều ý kiến phản đối những cáo buộc của nhà chức trách, cho rằng không có cơ sở khi quy kết nền tảng phải chịu trách nhiệm về việc bị người dùng lạm dụng, đồng thời khẳng định họ tuân thủ luật pháp châu Âu bao gồm Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số và việc kiểm duyệt nằm trong tiêu chuẩn của ngành.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại việc những nhóm trò chuyện trên nền tảng này thường khá hỗn loạn, người sử dụng tiếp nhận được hàng nghìn tin nhắn trong vòng vài phút. Ông Alexey Bannikov đề cập việc mọi người gửi ảnh khiêu dâm và hình ảnh bạo lực, gieo rắc sự thù hận và ngôn ngữ kích động, mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ phi pháp. “Chúng cũng có thể chứa nội dung bất hợp pháp như khiêu dâm trẻ em và việc tổ chức tội phạm tuyển dụng thành viên vận chuyển ma túy”, chuyên gia của Kaspersky chỉ ra. “Vì không biết ai điều hành những nhóm này nên cũng không ai có thể xóa bất kỳ cuộc trò chuyện nào khi nội dung có vấn đề. Các nhóm quá lớn, có thể lên mức 200.000 người, đến nỗi thường không thể theo dõi được ai là người bắt đầu chúng. Tất cả những điều đó dẫn đến tình huống hàng nghìn người sử dụng bị choáng ngợp bởi một lượng lớn nội dung đáng ngờ không thể kiểm chứng và thường không thể phản ứng phù hợp”, ông nói thêm.

Ông Alex Stamos, cựu Giám đốc Trung tâm giám sát internet Stanford (Mỹ) cho biết, nhóm của ông phát hiện “Telegram là một thành phần quan trọng của hệ sinh thái các cá nhân giao dịch và bán tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em. Đây cũng là nền tảng lớn duy nhất cho phép ngầm trao đổi loại tài liệu này trên các kênh riêng tư, trong đó nhiều kênh không được mã hóa đầu cuối”. Vì lý do này, ông Stamos đề cập nếu thấy nội dung bất hợp pháp về thanh, thiếu niên trực tuyến, người dùng nên báo cho cảnh sát. Dù vậy, ông cũng chỉ ra rằng, vấn đề không chỉ là sự kiểm duyệt với riêng Telegram, mà nhiều nền tảng mạng xã hội khác.

Trách nhiệm của mạng xã hội

Không thể phủ nhận vai trò của các ứng dụng mạng xã hội đang giúp kết nối ngày càng mở rộng, song chuyên gia của Kaspersky phân tích nguy cơ hiện hữu khi công cụ nhắn tin và mạng xã hội đang giúp kẻ gian dễ dàng tạo các cộng đồng để trao đổi thông tin, hoạt động phi pháp. Nhiều hội nhóm có thể lên tới hàng nghìn thành viên. Theo The Monitor, một số ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Mỹ như Telegram, Whatsapp hay các hội nhóm trên Facebook, X… cũng đang chứa nhiều nội dung khiêu dâm, bắt nạt trên mạng hoặc lời nói thù địch.

“Những nhóm hoặc ứng dụng nhắn tin này ảnh hưởng tới trẻ em khi chúng sử dụng điện thoại di động cá nhân hoặc lên mạng ngày càng nhiều. Đó là một xu hướng nguy hiểm cho thấy lý do tại sao nên xem xét kỹ hơn những gì đang diễn ra trên các ứng dụng trò chuyện nói chung”, bà Kira Liebmann, một chuyên gia an ninh mạng tại Đức chuyên tư vấn về cách bảo vệ trẻ em khỏi các mối đe dọa trực tuyến cho biết. Theo bà, ứng dụng chuyện trò có thể là nơi chứa nội dung bất hợp pháp và có thể nguy hiểm, đồng thời cảnh báo việc các nền tảng mạng xã hội cho phép nhắn tin không kiểm duyệt có thể gây hại nhóm sử dụng là trẻ em, trẻ vị thành niên. “Một số thông điệp và quảng cáo mà trẻ em và thanh, thiếu niên nhìn thấy trên ứng dụng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới suy nghĩ và hành động của chúng”, bà nhấn mạnh.

Theo bà Liebmann, “trong các nhóm Telegram, WhatsApp… nhiều người có thể trao đổi tin nhắn văn bản, hình ảnh và video cùng lúc. Chúng rất phổ biến trong số học sinh, trẻ vị thành niên mà không bị kiểm soát nội dung, chỉ cần được bạn bè gửi lời mời hoặc đường link là đã có thể tham gia, cho dù những lời mời này đến từ bạn bè quen biết hay từ những người bất kỳ trên mạng. Các nhóm như thế này ngày càng phát triển”. Điều đó dẫn tới nguy cơ gia tăng tội phạm và hành động phi pháp.

Hiện nay, dù còn nhiều tranh luận song một số quốc gia đã cấm ứng dụng Telegram hoặc yêu cầu ứng dụng này gỡ bỏ nội dung có vai trò kích động hoạt động thù địch hay phát tán nội dung bất hợp pháp. Brazil đã tạm thời cấm Telegram vào năm 2023. Cùng năm, Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ đã yêu cầu nền tảng này gỡ bỏ mọi hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em. Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu thực thi các quy định rộng hơn để quản lý mạng xã hội và đưa ra hình phạt cho hành vi vi phạm.