Chiến dịch kiểm soát Big Tech

“Gã khổng lồ” công nghệ Google mới đây bị một tòa án liên bang tại Mỹ phán quyết vi phạm luật chống độc quyền của nước này. Vụ việc được xem là sẽ củng cố thêm quyền hạn cho giới chức thế giới trong các hành động pháp lý nhằm kiềm chế những “đại gia” công nghệ (Big Tech).
Các “ông lớn” công nghệ. Ảnh: REUTERS
Các “ông lớn” công nghệ. Ảnh: REUTERS

Các vụ kiện độc quyền nhắm vào Big Tech

Phiên tòa chống độc quyền mang tính bước ngoặt của Chính phủ Mỹ đối với Google đã kết thúc vào ngày 5/8 vừa qua, với phán quyết công ty này đã hành động bất hợp pháp để duy trì thế độc quyền của công cụ tìm kiếm. Theo ông Amit Mehta, thẩm phán tòa án liên bang tại Mỹ, Google đã vi phạm Mục 2 của Đạo luật Sherman, khi bảo đảm vị thế thống lĩnh trên thị trường tìm kiếm bằng cách trả hàng tỷ USD cho các hãng chế tạo điện thoại thông minh như Apple hay Samsung nhằm biến Google thành công cụ tìm kiếm tự động trên thiết bị của họ.

Theo The New York Times, phán quyết vừa qua dành cho Google sẽ mở đường cho những hành động mạnh tay thách thức quyền lực của những “gã khổng lồ” công nghệ trong thời gian tới. Trước đó, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã bắt đầu điều tra các tập đoàn công nghệ như Amazon, Apple, Google và Meta (công ty mẹ của Facebook cùng các mạng xã hội khác là Instagram và WhatsApp) về hành vi độc quyền. Đây được cho là nỗ lực nhằm kiềm chế quyền lực của Big Tech và thúc đẩy tính cạnh tranh nhiều hơn.

Tháng 9/2023, FTC và chính quyền 17 bang đã kiện Amazon, cáo buộc tập đoàn bán lẻ này bảo vệ thế độc quyền bằng cách chèn ép người bán trên sàn thương mại của công ty và thiên vị các dịch vụ của riêng mình. FTC lập luận rằng, các hoạt động này gây hại cho người tiêu dùng, khiến họ phải mua cùng một sản phẩm với giá cao hơn, do Amazon chặn những người bán hàng trên trang web của mình, cung cấp các sản phẩm trên nhiều trang web trực tuyến khác với giá thấp hơn. Một thẩm phán tại tòa án ở Washington đã ấn định phiên tòa liên quan vụ kiện này diễn ra vào tháng 10/2026. Trước tình hình đó, Amazon mô tả vụ kiện là “sai lầm” và cảnh báo rằng, nếu FTC thắng kiện, điều này sẽ “buộc Amazon phải thực hiện các hoạt động thật sự gây hại cho người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp bán hàng”.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple lợi dụng vị thế trên thị trường điện thoại thông minh để ngăn chặn cạnh tranh nhằm tăng giá sản phẩm. Bộ này cho biết, Apple đã chặn các công ty cung cấp ứng dụng cạnh tranh với các sản phẩm của Apple như ứng dụng phát trực tuyến trên nền tảng đám mây, nhắn tin và ví kỹ thuật số. Tuần trước, Apple đã đệ đơn xin bác bỏ vụ kiện và cho biết, các quyết định kinh doanh của họ không vi phạm luật chống độc quyền.

Một “đại gia” công nghệ khác là Meta cũng bị cáo buộc tạo ra thế độc quyền trên phương tiện truyền thông xã hội bằng cách mua Instagram và WhatsApp. FTC lập luận rằng, các vụ sáp nhập đã tước đi của người tiêu dùng các nền tảng truyền thông xã hội thay thế. Meta cho rằng, họ không mua lại Instagram và WhatsApp để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh và tiết lộ họ đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển cải tiến cho các ứng dụng. Trước đó, tháng 8/2023, Meta bị chính quyền Na Uy phạt khoảng 93.000 USD/ngày do vi phạm quyền riêng tư của người dùng khi khai thác dữ liệu của họ dành cho mục đích quảng cáo.

Chiến dịch kiểm soát Big Tech ảnh 1

Biếm họa: PARESH

Siết chặt hoạt động

Theo CNN, thời gian qua, các Big Tech liên tục rơi vào “tầm ngắm” của giới quản lý khi các doanh nghiệp này lớn mạnh nhanh chóng và tạo ra những lợi thế nổi trội, khiến tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường công nghệ không được bảo đảm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Big Tech liên tục bị chỉ trích vì không giám sát nền tảng của mình, gây làn sóng phẫn nộ trên toàn cầu liên quan các nội dung nhạy cảm, thông tin sai lệch, kích động thù hận, hành vi phạm tội..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng, các quốc gia thế giới buộc phải siết chặt “vòng kim cô” bằng một loạt quy định quản lý khắt khe nhằm làm trong sạch không gian mạng.

Năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) đã cho ra đời Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) và Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), đề ra nghĩa vụ cho các nền tảng trực tuyến. Hai đạo luật này đã chính thức có hiệu lực kể từ cuối tháng 8/2023. Theo đó, các công ty như Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft, Twitter… phải đánh giá những nguy cơ liên quan việc sử dụng dịch vụ của họ và dỡ bỏ các nội dung bất hợp pháp. Các công ty cũng được yêu cầu minh bạch về dữ liệu và thuật toán, phải hiển thị chi tiết về quảng cáo chính trị, cùng những thông số mà thuật toán sử dụng để đề xuất và xếp hạng thông tin. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ giám sát và áp đặt mức phạt tới 6% doanh thu hằng năm của công ty nếu vi phạm.

Tháng 5 vừa qua, chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thông qua luật mang tính bước ngoặt, nhằm ngăn chặn các nền tảng trực tuyến lớn nhất sử dụng sự thống trị của họ để ngăn cản các đối thủ cạnh tranh mới. Cụ thể, các quy tắc nhằm cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng, chẳng hạn như giúp chuyển đổi giữa các hệ điều hành di động dễ dàng hơn và cho phép người dùng tải xuống ứng dụng từ các nguồn khác. Luật do Ủy ban Thương mại Công bằng soạn thảo tập trung vào việc làm sáng tỏ sự độc quyền mà Apple và Alphabet nắm giữ, vì hệ điều hành iOS và Android của họ kiểm soát gần như toàn bộ thị trường hệ điều hành di động tại Nhật Bản.

Luật này sẽ cho phép các cơ quan quản lý Nhật Bản phạt những công ty không tuân thủ với mức phạt nặng, có thể lên tới 20% doanh thu hằng năm trong nước. Đối với hành vi vi phạm nhiều lần trong thời gian 10 năm, mức phạt có thể lên tới 30% doanh thu hằng năm.

Trong khi đó, Australia cũng đưa ra luật nhằm kiểm soát hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia, bảo đảm an toàn trực tuyến và có biện pháp yêu cầu các Big Tech trả tiền cho các công ty truyền thông để hỗ trợ ngành báo chí. Những tháng gần đây, Australia đã chuyển sang mở rộng giám sát pháp lý đối với thanh toán kỹ thuật số và thực thi các biện pháp hiện có. Bộ trưởng Dịch vụ Tài chính Australia Stephen Jones cho biết, trong năm nay, quốc gia này dự định đưa ra luật áp đặt các nghĩa vụ bắt buộc đối với các mạng xã hội, ngân hàng và công ty viễn thông để giải quyết tình trạng lừa đảo. Dự luật mới đề xuất các công ty truyền thông xã hội xác minh các doanh nghiệp quảng cáo trên nền tảng của họ.

Hàn Quốc mới đây cũng thông báo sẽ cho ra đời các quy định sâu rộng nhằm quản lý các nền tảng trực tuyến, với trọng tâm là các nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ phát trực tuyến và nhà cung cấp mạng xã hội.

CNN cho biết, việc các quốc gia siết chặt quản lý các công ty công nghệ là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ. Chủ tịch FTC, Lina Khan đã tuyên thệ sẽ đấu tranh với các vi phạm của Big Tech, đặc biệt trong vấn đề chống độc quyền.

Về phía Big Tech, nhằm tránh những rắc rối pháp lý, đồng thời với mong muốn tạo niềm tin ở người sử dụng về tinh thần trách nhiệm trong xây dựng không gian mạng an toàn, giới phân tích cho rằng, các doanh nghiệp này cần chủ động thích nghi, tuân thủ các quy định và luật pháp sở tại.