Voi nhà sẽ thoát cảnh nhọc nhằn “cõng” du lịch

Mô hình phát triển dự án du lịch thân thiện với voi đầu tiên ở Việt Nam báo hiệu hướng đi đúng trong công tác bảo tồn đàn voi nhà ở Đác Lắc khi đang ngày càng sụt giảm về số lượng hiện nay.

Đàn voi nhà ở Khu du lịch Buôn Đôn hằng ngày “cõng” khách du lịch đến kiệt sức.
Đàn voi nhà ở Khu du lịch Buôn Đôn hằng ngày “cõng” khách du lịch đến kiệt sức.

Nhân văn hơn với voi

Mới đây, Vườn quốc gia Yok Đôn, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đác Lắc phối hợp Tổ chức động vật châu Á (Animals Asia) ký kết thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi mô hình từ du lịch sử dụng voi sang thân thiện với voi. Thay vì cưỡi voi, mô hình đưa du khách đến tìm hiểu vẻ đẹp, đặc tính, hành vi tự nhiên của voi.

Lễ ký kết này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là các tổ chức và chuyên gia về bảo vệ động vật hoang dã trong nước, quốc tế. Hai bên cam kết chuyển đổi từ mô hình du lịch cưỡi voi thông thường tại Vườn quốc gia Yok Đôn sang mô hình du lịch đưa du khách đến tìm hiểu vẻ đẹp, đặc tính, hành vi tự nhiên của voi; giảm tối đa các hoạt động tương tác chạm, tiếp xúc trực tiếp với voi; không sử dụng voi trong các hoạt động lễ hội; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên.

Phó Giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Yok Đôn Phạm Tuấn Linh cho biết: Vườn quốc gia Yok Đôn đang quản lý ba cá thể voi nhà phục vụ tuần tra và phát triển du lịch sinh thái. Cách đây ba năm, Vườn quốc gia Yok Đôn đã chuyển dần hình thức du lịch thông thường từ cưỡi voi sang thân thiện với voi. Mô hình mới này sẽ góp phần mang lại lợi ích cho chủ voi, nài voi, cộng đồng địa phương; mở ra cơ hội giáo dục thay đổi nhận thức của cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên; quảng bá mô hình du lịch mới đến du khách trong nước và quốc tế. Còn ông David Neale, Giám đốc phúc lợi động vật Tổ chức động vật châu Á chia sẻ: Xu hướng trên thế giới đang chuyển dần sang du lịch thân thiện hơn với môi trường. Tại Việt Nam, Vườn Quốc gia Yok Đôn là đơn vị đầu tiên cam kết chuyển đổi từ mô hình. Đây là cơ hội để Vườn Quốc gia Yok Đôn bảo tồn động vật hoang dã, thiên nhiên, mang lại phúc lợi cho voi và cộng đồng; thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Mô hình cần nhân rộng

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc, đến nay, trên địa bàn tỉnh còn có 45 cá thể voi nhà tập trung tại hai huyện Buôn Đôn và Lắc. Thời gian qua, do đời sống của các chủ voi còn gặp nhiều khó khăn, chính sách của tỉnh về hỗ trợ chủ voi và chăm sóc voi không đáng là bao nên hầu hết các chủ voi đã sử dụng voi phục vụ du lịch, chủ yếu là cưỡi voi khiến đàn voi nhà bị bóc lột lao động quá sức, không được chăm sóc chu đáo, thiếu thức ăn, thường xuyên bị xích nhốt, không được sống trong môi trường tự nhiên để có điều kiện giao phối... Hàng chục năm qua đàn voi nhà ở Đác Lắc không sinh sản được khiến đàn voi ngày càng già nua và giảm dần về số lượng. Vì vậy, sự chuyển đổi mô hình du lịch là hướng đi đúng, cần nhân rộng để kịp thời bảo tồn đàn voi nhà ở Đác Lắc hiện nay.

Thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch đã nhận được sự đồng thuận của các chủ voi cũng như các chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã trong nước và quốc tế. Nài voi Y Mứh, 50 tuổi dẫn chúng tôi băng Vườn Quốc gia Yok Đôn để đến vị trí voi Buôn Khăm vừa được “cởi trói” thả về với thiên nhiên. Nhìn voi Buôn Khăm đang tự do đi lại trong rừng, Y Mứh vui sướng: “Tôi gắn bó với voi Buôn Khăm đã 28 năm nay, nhưng chưa bao giờ vui như thời gian gần đây. Khi nghe tin voi không phải “cõng” khách trên lưng nữa, tôi mừng đến quên cả ăn. Voi Buôn Khăm năm nay đã 48 tuổi, nhưng trước đây ngày nào Buôn Khăm cũng “cõng” khách đến kiệt sức, không có khách thì bị xích chân lại. Còn từ nay trở đi, Vườn Quốc gia Yok Đôn bỏ dịch vụ cưỡi voi, voi Buôn Khăm được trở về với rừng có đầy đủ thức ăn và tha hồ vùng vẫy. Được sống trong môi trường tự nhiên, voi sẽ khỏe và sống thọ hơn”.

Dưới cánh rừng già của Vườn Quốc gia Yok Đôn xanh ngút ngàn, cách voi Buôn Khăm khoảng 500 m là voi Thông Ngân, 22 tuổi đang thỏa thích đi lại, ăn cây cỏ. Anh Y Vi Sien Niê 40 tuổi, nài voi Thông Ngân chia sẻ: “Từ ngày voi được thả về với rừng, được sống tự do, chúng tôi mừng lắm vì mong muốn của mình lâu nay đã thành hiện thực. Trước đây, voi Thông Ngân chở bảy đến tám chuyến khách mỗi ngày, thức ăn thì thiếu thốn. Mặc dù năm nay voi Thông Ngân mới 22 tuổi, nhưng vì phải chở khách đến kiệt sức nên ốm yếu, thấy tội nghiệp lắm. Hai tháng nay, voi Thông Ngân được thả về với thiên nhiên, không còn phải “cõng” khách nữa nên nó dần khỏe mạnh trở lại, mình vui lắm!”.

Rời Vườn Quốc gia Yok Đôn, chúng tôi tới Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Hằng ngày ở đây có khoảng 10 con voi hoạt động chở khách du lịch. Anh Y Khu, một chủ voi đang tham gia chở khách du lịch tâm sự: “Gia đình tôi nuôi được một con voi năm nay đã 35 tuổi. Trước đây, voi chủ yếu phục vụ kéo gỗ hay thồ nông sản nhưng gần 10 năm trở lại đây, được đơn vị du lịch vận động, tôi đưa voi tham gia phục vụ du lịch, chủ yếu để khách cưỡi ngắm buôn làng hay lội sông Sê-rê-pốc để tăng thu nhập. Thời kỳ cao điểm như mùa hè, voi phải chở khách cả ngày nên không có điều kiện ăn uống, nghỉ ngơi nhiều, đặc biệt là không được thả về môi trường thiên nhiên nên voi ngày càng già yếu, không sinh sản được. Nay nghe nói ở Vườn Quốc gia Yok Đôn triển khai mô hình du lịch mới, tôi cũng như các chủ voi ở đây mừng lắm! Nếu mô hình này được triển khai rộng rãi, voi không chở khách nữa nhưng chủ voi vẫn có thu nhập để chăm sóc voi thì đàn voi nhà ở Đác Lắc sẽ được bảo tồn tốt hơn”.

Cần bảo đảm quyền lợi chủ voi

Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ Vườn Quốc gia Yok Đôn Vũ Đức Giỏi cho biết: Đây là dự án chỉ dành riêng cho Vườn Quốc gia Yok Đôn với ba con voi của vườn. Tổ chức Động vật châu Á muốn Vườn Quốc gia Yok Đôn đi đầu trong chuyển đổi mô hình du lịch. Qua đó, tạo thói quen cho khách du lịch, không phải cưỡi voi mới là du lịch mà chúng tôi sẽ cung cấp cho du khách nhiều kiến thức hơn về voi, để du khách hiểu và trải nghiệm cùng voi. Thay đổi được thói quen, hành vi này để chung tay bảo tồn đàn voi. Bởi voi ăn trong tự nhiên mới đủ chất, một ngày ăn 300 kg thức ăn. Tuy nhiên, khi hoạt động chở khách, cả ngày phục vụ khách nhưng chỉ được mấy cây mía, trong khi đây không phải thức ăn chính của voi. Vì vậy, voi bị ảnh hưởng về thể chất, tinh thần và sức khỏe.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc Huỳnh Trung Luân chia sẻ: Trung tâm Bảo tồn voi vừa kêu gọi Tổ chức Động vật châu Á hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi. Thời gian tới, nếu các tổ chức nước ngoài có nguồn kinh phí hỗ trợ tiếp thì sẽ thực hiện ở các đơn vị khác. Hiện tại, tất cả các chủ voi đều thống nhất thực hiện theo mô hình mới. Tuy nhiên, làm sao bảo đảm được thu nhập cho các chủ voi thì họ sẵn sàng chuyển đổi ngay. Vấn đề này, ngoài những nỗ lực của Trung tâm như lâu nay thì cần sự hỗ trợ của các tổ chức bảo vệ động vật của khu vực và quốc tế cũng như các cấp, các ngành trong nước và của tỉnh, nhất ngành du lịch.

Toàn bộ kinh phí chuyển đổi mô hình do Tổ chức động vật châu Á hỗ trợ Vườn quốc gia Yok Đôn là 65.000 USD. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 7-2018 đến tháng 7-2023. Ngoài đầu tư trực tiếp chuyển đổi mô hình, Tổ chức động vật châu Á cũng cam kết cử cán bộ, chuyên gia hỗ trợ Vườn Quốc gia Yok Đôn xây dựng, duy trì hiệu quả mô hình du lịch thân thiện với voi; quảng bá mô hình du lịch mới về voi tại Vườn Quốc gia Yok Đôn đến cộng đồng quốc tế.
Ông Đàng Năng Long ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắc, một người có bề dày truyền thống gia đình về nuôi voi, hiện sở hữu bảy con voi đánh giá: “Bên cạnh giá trị tâm linh với người Tây Nguyên, voi còn là phương tiện mưu sinh, giải quyết vấn đề đời sống của những người có voi nên chủ voi đã đưa voi vào làm du lịch. Tuy nhiên, các chủ voi vì lợi nhuận mà không chú ý đến sức khỏe của voi. Vì vậy, bước chuyển đổi là hướng đi đúng đắn để bảo tồn voi”.