Có duyên với đồng, với cỏ
Hồ Sương Lan, 39 tuổi, ở thành phố Huế-người sáng lập và điều hành Maries-Cỏ bàng xứ Huế, một thương hiệu, một công ty chuyên các sản phẩm hàng thủ công (handmade). Hành trình đến với nghề này của Lan được gói gọn trong một chữ: Duyên. Bởi nếu không có duyên, cô sẽ không bao giờ gặp được cỏ bàng. Và, nếu không có duyên, cô cũng chẳng bao giờ tìm được một bước đi mới mẻ như thế này.
Trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, Lan làm về du lịch - một công ty bán tour cho người nước ngoài. Cứ nghĩ Covid-19 rồi sẽ nhanh đi qua, nhưng mọi chuyện không như thế, dịch kéo dài và phức tạp, du lịch rơi vào cảnh nghỉ dài hạn. Lan phải ở nhà. Cô muốn làm một cái gì đó cho vui, để qua thời gian dịch rồi phục hồi lại mọi thứ. Nhưng cô chưa biết bắt đầu từ đâu.
Tại Indonesia, Lan đi dự một buổi hội thảo ở đất nước bạn những tháng trước Covid. Hành trang cô mang theo có chiếc nón lá sen-sản phẩm handmade của một thanh niên người Huế. “Chiếc nón này ở đâu mà đẹp vậy?”, một người bạn ở Hà Nội cùng dự hội thảo hỏi chuyện. Rồi Lan giới thiệu về chiếc nón, về người làm ra sản phẩm này, về sản phẩm của nghề truyền thống Huế. Người bạn đi cùng bị cuốn hút, muốn nhờ Lan mua.
Sau cuộc trò chuyện với người bạn về chiếc nón lá sen, Lan suy nghĩ mãi và trăn trở về một sản phẩm mang đậm chất Huế chợt hiện lên trong đầu cô. Khi về nước, cô tìm hiểu về các làng nghề truyền thống của Huế. Lan manh nha với ý tưởng lúc đầu chỉ để “thử sức xem sao”.
Huế có nhiều nơi với các làng nghề truyền thống nổi tiếng, cô cũng đã đặt chân tìm hiểu một vài nơi, nhưng chưa thật sự ưng ý. Lan chợt nghĩ đến Phò Trạch, một ngôi làng cô đã từng nghe qua thời còn làm du lịch nhưng chưa có dịp ghé đến. Lan quyết định về đó, xem làng nghề đó có gì nổi bật. Ngôi làng hiện ra trong mắt Lan với những ô ruộng nước, đồng cỏ bàng và những chiếc cối giã bàng được đặt bên đường.
Nghề làm đệm bàng ở đây đã gắn với người dân hơn 500 năm. Khi chưa có đồ nhựa, sản phẩm nơi đây đã cung ứng ra thị trường rất nhiều. Trước sự phát triển nhanh và mạnh, cộng thêm giá thành rẻ của đồ nhựa, những sản phẩm của làng ít được dùng đến. Người dân còn giữ nghề chủ yếu duy trì lúc nông nhàn. Bởi, bây giờ nếu làm nghề thường xuyên sẽ “không đủ sống”. Bọn trẻ thì tìm vào các nhà máy, xí nghiệp. Đứa học hành tới nơi, tới chốn thì lập nghiệp kiểu khác.
Lan về làng. Những câu chuyện về cỏ bàng, về ngôi làng đã gắn bó với nghề mấy trăm năm đến bây giờ chỉ còn lại một vài nhà duy trì, làm cô thấy tiếc. Với Lan, những sản phẩm này rất lạ, độc đáo có thể làm nên được một thứ gì đó. Cô tìm hiểu những suy nghĩ, tâm tư của người dân nơi đây.
Hồ Sương Lan đi đến quyết định sẽ thử thách với làng nghề truyền thống này. Chuyến phiêu lưu với cây cỏ bàng của một cô gái ở thành phố, chuyên về du lịch bắt đầu từ đây.
“Muốn làm một cầu nối cho người dân”
“Người dân ở đây bảo rằng, cứ đến mùa Festival đem sản phẩm đi trưng bày, hội chợ thì bán được, nhưng sau đó thì đầu ra rất khó”, những câu chuyện về đầu ra cho sản phẩm cứ mãi ám ảnh lấy cô. Lan muốn làm một cầu nối cho người dân. Cô nghĩ, với những người trẻ, nhạy bén với thời trang, với công nghệ, nhạy bén với thị trường, nếu mình không làm thì ai làm.
Lan tìm mua một chiếc máy may để gia công lại các sản phẩm. Căn phòng nơi tầng hai ngôi nhà cô là điểm xuất phát một sự khởi nghiệp đầy táo bạo. “Lúc bắt đầu khó thật sự”, Lan nhớ lại. Phòng ngủ của hai vợ chồng trở thành nơi sản xuất, vừa làm nhà kho. Một đống các sản phẩm chất kín trong phòng. Lan nghĩ nếu muốn đi xa thì không thể lấy hàng của người dân lên bán được. Với lại số lượng người dân làm ra cũng không nhiều, các sản phẩm không đa dạng. Cô quyết định mua những sản phẩm thô, về thiết kế lại, kết hợp các chi tiết, văn hoa… để tạo nên một sản phẩm mới, bắt mắt hơn.
Khi sản phẩm hoàn thiện, Lan chụp ảnh, đưa lên mạng để bạn bè góp ý. Cô nhận được sự khen ngợi, nhiều ý kiến trái chiều lẫn đa chiều. Và Lan nghĩ, đây chính là sản phẩm mà người ta đang quan tâm. Cô hoàn chỉnh lại những góp ý mà thấy hợp lý nhất. “Cần một đội ngũ, ít nhất về chuyên môn”, Lan nghĩ vậy rồi đăng thông tin tuyển dụng. Khi hoàn thiện được những thứ cơ bản, Lan quyết định đưa sản phẩm ra thị trường nhiều hơn. Doanh thu các tháng cứ sàn sàn nhau, không như kỳ vọng, cô bắt đầu thấy nản.
“Phải tìm hướng đi đúng nhất, phân khúc đúng nhất cho sản phẩm”, Lan thay đổi lại việc marketing, thay đổi lại cách tiếp cận khách hàng. Doanh thu những tháng sau đó bắt đầu cao dần. Kết thúc năm 2020, những vấn đề cốt lõi nhất của sản phẩm, của thị trường Lan nắm chắc trong tay. Bước qua năm mới, cô quyết định xây dựng một cửa hàng và một phân xưởng sản xuất ngay tại phố Tây, thành phố Huế. Xưởng gia công của Lan từ nhà được chuyển ra khu vực này. Lúc chuyển địa điểm, Lan nghĩ cũng không biết sẽ đi bao xa với ngành này, nhưng cứ làm cái đã.
Động lực lớn nhất với mình đó là sự đam mê của đội ngũ sáng tạo và đặc biệt là tạo được thu nhập cho người dân Phò Trạch. Lan đã từng đi hỗ trợ người dân dưới đó những ngày mưa lũ, cô chứng kiến hoa màu khi lũ về đều hư hại hết. Nhưng, với cây cỏ bàng thì nó chống chọi, sinh trưởng tốt trong lũ. Lan nghĩ, nếu cứ cho họ gạo, mì tôm thì sẽ chỉ đáp ứng được cái ăn trong chốc lát. Sao không tạo ra cho họ sinh kế bền vững.
Lan tính toán và rút ra được kinh nghiệm quan trọng: xây dựng một thương hiệu nhưng sẽ không cạnh tranh ngược lại người nông dân. Sẽ có những phân khúc, những sản phẩm hợp túi tiền người dân. “Mình cũng sẽ tạo ra một sản phẩm để người dưới làng có thể mua và sử dụng được”, Hồ Sương Lan chia sẻ. Cũng như câu chuyện người nông dân có vùng nguyên liệu, cô không ưu tiên trồng vùng nguyên liệu thứ hai bên cạnh họ vào thời gian ban đầu của dự án. Vấn đề họ cần là đầu ra, Lan tâm nguyện rằng, sẽ có nhiều cái vướng, nhưng cái nào người nông dân cần trước thì mình tháo gỡ. “Sau này thiếu nguyên liệu, mình sẽ xin chủ trương của tỉnh, huyện, trồng thêm để duy trì. Bây giờ và tương lai, nếu người dân vẫn cung cấp được nguyên liệu cho mình, thì mình sẽ yên tâm để sản xuất”, Lan bộc bạch.
Việc kinh doanh và sản xuất đến nay đã cơ bản ổn. Các sản phẩm thô của người dân dưới làng vẫn đều đặn được Lan thu mua. Người dân ngạc nhiên thấy Lan giúp tiêu thụ rất nhiều sản phẩm. Lúc nào mọi người cũng điện lên hỏi thăm: “Có thật con bán được hàng không?”. Những cuộc điện thoại khiến Lan xúc động. Cô biết đó là động lực để mình làm tốt hơn. “Nếu bán không được thì thôi, đừng gắng con à!”, những người dân làng Phò Trạch nhắn nhủ. Bởi họ thừa hiểu rằng những sản phẩm cỏ bàng bấy lâu nay rất khó tiêu thụ.
Trong cuộc thi khởi nghiệp 2021 do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, dự án về sản xuất các sản phẩm từ cỏ bàng của Hồ Sương Lan đạt giải ba. Gần 18 tháng bén duyên với cỏ bàng, từ những khó khăn đến nay Hồ Sương Lan đã gây dựng được một thương hiệu có tiếng ở Huế. Cô luôn tìm cách để đưa các chi tiết hoa văn đậm chất Huế lên sản phẩm. Sản phẩm của Maries cũng đa dạng từ túi xách, mũ, nón, balo… Cô nói rằng, nhiều người nghĩ những sản phẩm từ cỏ bàng chỉ để phục vụ cho mục đích sống ảo. Nhưng cô không đồng quan điểm đó, cô gia công lại để sản phẩm thật sự là vật dụng sinh hoạt hằng ngày, bền bỉ, chất lượng.
Đến bây giờ, dù thời gian đi chưa xa với mặt hàng này, nhưng cô nghĩ mình đã đúng khi lựa chọn làng nghề Phò Trạch và những sản phẩm từ cỏ bàng.