Vị đắng giá mía

Nhiều người có thâm niên trong ngành mía đường vẫn luôn nhắc câu kinh nghiệm cửa miệng “mua giá thấp năm nay coi như “án tử” cho năm sau”. Trước những gì đang diễn ra của niên vụ mía đường 2018 - 2019 thì các doanh nghiệp (DN) mía đường đã và đang lơ lửng nguy cơ “án” tử hình trên đầu. Thực tế lĩnh vực mía đường hiện nay đang đặt ra vấn đề, cần sớm cơ cấu lại ngành mía đường để ngăn chặn nguy cơ bị khai “tử”, đồng thời làm thế nào để người trồng mía có thể sống được với cây mía.

Cơ giới hóa liệu có giúp người trồng mía trước nguy cơ thua lỗ nặng?
Cơ giới hóa liệu có giúp người trồng mía trước nguy cơ thua lỗ nặng?

Kỳ 3: Lối đi cho người trồng mía?

(Tiếp theo & hết)

Bản lỗi của cơ chế?

Với những gì đang diễn ra trước khó khăn của người dân trồng mía, nhiều chuyên gia, người am hiểu thị trường mía, đường đã thẳng thắn chỉ rõ có phần từ cơ chế, chính sách đối với ngành mía đường trong nước đang có những bất cập, vấn đề. Và phải chăng các DN đã lợi dụng nhập khẩu (NK) đường thô về sản xuất và rồi tiêu thụ trong nước nhằm hưởng lợi từ những “lỗ hổng” này?

Trong đó, đã có rất nhiều nghịch cảnh như: giá mía thấp kỷ lục nhưng lại cho DN ồ ạt nhập khẩu đường nguyên liệu hay như thiếu sự chia sẻ những khó khăn của nhà sản xuất với “đối tác” của mình chính là những người dân trồng mía. Đặc biệt, lượng đường sản xuất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng trong nước nhưng nửa cuối năm 2018, các DN sản xuất đường trong nước lại ồ xuất khẩu (XK) đường ra nước ngoài.

Mặt khác, hiện toàn quốc có khoảng 270.000 ha mía, với 300.000 nông dân trồng mía, năng suất và sản lượng mía đường như niên vụ 2018 - 2019 đạt khoảng 1,2 triệu tấn đường. Theo ước tính, hằng năm, mỗi người dân Việt Nam sử dụng hết khoảng 17 kg, trong khi Thái-lan 37 kg, Indonesia 35 kg, Mỹ 40 kg… Nhìn vào đây thấy được nhu cầu đường của người Việt Nam còn rất lớn, với khoảng 1,7 đến 1,8 triệu tấn đường và mỗi năm sẽ thiếu khoảng 500.000 đến 700.000 tấn đường. Và nhu cầu đường trong nước sẽ còn tiếp tục gia tăng. Tuy vậy, trên thực tế hằng năm lượng đường tồn kho của các DN sản xuất trong nước là rất lớn như niên vụ 2016-2017 khoảng hơn 560.000 tấn, đến ngày 15-8-2018 lượng đường tồn kho các nhà máy đã tăng lên hơn 622.000 tấn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lượng đường tồn kho lớn chính là do đường nhập lậu qua biên giới luôn ở mức cao. Với nhu cầu thực tế và lượng đường tồn kho thì mỗi năm có đến hàng triệu tấn đường được nhập lậu vào Việt Nam. Nhưng trái ngược với điều này là đường trong nước vẫn giảm, giá mía thấp không bảo đảm được đời sống người trồng mía.

Trong khi đó, ngày 30-10-2018 Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 39/2018/TT-BCT về quy định kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa NK với nhiều điều đã được sửa đổi. Thông tư này đã không đề cập đến những quy định khắt khe khi NK những mặt hàng thiết yếu như đường. Liên quan đến việc NK đường thô về chế biến để XK, ông Nguyễn Văn Lộc, Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía - đường Việt Nam cho biết: “Trước đây, theo quy định, nhà NK được ân hạn thuế trong vòng 275 ngày, nếu quá thời hạn đó có thể phải áp thuế (ngoài hạn ngạch) bằng 80% giá trị hàng hóa”. Bên cạnh đó, hàng hóa XK, NK đăng ký tờ khai liên quan một lần để XK, NK nhiều lần thì việc khai thuế, tính thuế thực hiện theo từng lần XK, NK tại thời điểm làm thủ tục hải quan... Việc không đề cập đến những quy định này các DN sản xuất đường đã tập trung cho việc NK đường thô và đã cạnh tranh trực tiếp với giá mía của người nông dân.

Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Mía - đường Việt Nam, từ đầu năm 2019 đến nay giá đường thô thế giới khoảng 300 USD/tấn (tương đương khoảng 7.000 đồng/kg). Với giá mía trong nước khoảng 800 đồng/kg và nhân với giá bình quân trữ lượng đường 9.300 đồng/kg thì chưa vận chuyển, đưa vào nhà máy chế biến thì giá đường đã vào khoảng 7.440 đồng/kg, cao hơn giá đường thô NK khoảng 500 đồng/kg. Cộng với khoản chi phí như chế biến, giá cước vận chuyển mía khoảng 3.000 đồng/kg thì giá một kg đường được sản xuất trong nước đã là 10.440 đồng/kg đường. Không ít ý kiến từ những người trong ngành đã cho rằng, chính từ cơ chế nới lỏng cho NK đường thô về chế biến đã tạo cơ hội để các DN mía đường trong nước vì mục tiêu lợi nhuận mà sẵn sàng phá bỏ hợp đồng và tìm mọi cách để “ép” chết người trồng mía (?).

Về việc NK đường thô của các DN mía đường trong nước, ông Nguyễn Văn Lộc cho rằng: “Nếu thực hiện đúng như cơ chế trước đây thì việc NK đường thô về chế biến rồi XK sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều đến mía đường trong nước. Thực tế, với giá đường thô được NK về cộng với chi phí chế biến khoảng 80 USD/tấn và sẽ cao hơn giá đường trắng thế giới khoảng 30 đến 40 USD/tấn. Do đó, có thể xác định đường thô được NK về và sau khi được chế biến chủ yếu để bán nội địa thì mới có lời”.

Minh bạch giá thu mua mía

Đến thời điểm này, vụ thu hoạch mía trên toàn quốc đã chính thức ngưng được khoảng gần hai tháng và tại Tây Ninh trước chính sách vận chuyển, phá vỡ hợp đồng về giá thu mua mía của các nhà máy, người trồng mía đã có rất nhiều ý kiến. Thậm chí, nhiều nông dân trồng mía đã gửi đơn khởi kiện hoặc nhờ luật sư khởi kiện Nhà máy đường Thành Thành Công Tây Ninh ra tòa.

Ông Lâm Chí Dũng, Chủ tịch Hội người trồng mía Tây Ninh cho biết: “Kể từ vụ thu hoạch Hiệp hội đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và ban, ngành liên quan để làm sao nhà máy hỗ trợ thêm cho nông dân. UBND tỉnh cũng có chỉ đạo Sở NN&PTNT triệu tập nhà máy ba-bốn lần nhưng nhà máy cứ “trơ trơ ra”. Tỉnh Tây Ninh chỉ có mình DN, mua thì mua chứ làm gì được DN. Nhà máy lý luận mua giá đó còn lỗ nhưng thực tế chúng tôi biết DN lãi lớn. Niên vụ 2018 - 2019 tại Tây Ninh chỉ có gia đình người trồng mía nào tự có đất, máy móc và công chăm sóc… thì mới có thể hòa vốn. Còn lại hầu hết bị thua lỗ, nhiều gia đình vỡ nợ, ly tán.

Về đời sống của người dân trồng mía sau niên vụ 2018 - 2019, ông Nguyễn Văn Triển, ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, chủ của gần 230 ha mía cho rằng: “Người dân trồng mía đang “thở” bằng “lỗ mũi” của nhà máy đường”. Từ nguồn giống, phân bón, vốn đầu tư đến thu mua mía đều phải phụ thuộc vào nhà máy nên khi xảy ra việc giá thu mua mía thấp nếu ai phản ứng thì nhà máy khống chế, gây khó dễ. Từ tâm lý đó, người dân trồng mía không ai dám phản ứng mạnh. Ở đây đang rất cần đến vai trò quản lý của Nhà nước tham gia để bảo vệ quyền lợi cho người trồng mía. Chính quyền cần vào cuộc kiểm tra, xem xét lại giá mía nếu đúng thì buộc nhà máy phải thực hiện theo giá đã ký với dân.

Trước thực trạng các DN về nông nghiệp đang mải mê “làm giàu” mà bỏ “qua” quyền lợi của người nông dân chính là những “đối tác” của mình, GS, TS Mai Văn Quyền, nguyên Phó viện trưởng Nông nghiệp Miền Nam cho rằng: “Việc phát triển trong sản xuất, kinh doanh hay tổ chức thực hiện các mô hình liên kết trong nông nghiệp như hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức kinh doanh của các DN, cán bộ quản lý. Bởi trong tay các DN đều có rất nhiều lực lượng nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kỹ sư nông nghiệp nhưng nhiều chính sách, giải pháp đưa ra đều hướng đến có lợi cho DN”.

Một câu hỏi được đặt ra: Lời giải nào cho cây mía và làm thế nào để người trồng mía có thể sống được với mía?

Thực tế, đã có nhiều giải pháp đã được Bộ NN&PTNT và các DN thực hiện nhằm nâng cao năng suất mía, đường. Việc tái cơ cấu lại ngành mía đường, đẩy mạnh liên kết đồng hành trong sản xuất giữa nhà máy với người trồng mía. Tuy nhiên, những giải pháp đã được thực hiện vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả cao.

Theo dự báo niên vụ 2019 - 2020, sắp tới ngành mía đường vẫn còn gặp rất nhiều tồn tại, khó khăn. Để giảm bớt những khó khăn cho người trồng mía, TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên cho rằng: Cần thực hiện tốt công tác quản lý diện tích vùng nguyên liệu; nhằm hạn chế nguy cơ phá vỡ kế hoạch sản xuất nguyên liệu mía, sắn. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cây mía theo chiều sâu, tăng cường áp dụng tổng hợp các biện pháp thâm canh, cơ giới hóa, tiến bộ khoa học về kỹ thuật tưới, giống, phương pháp trồng và chăm sóc; chú trọng đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm sử dụng công lao động, nhất là khâu thu hoạch, trong khi nguồn lao động nông nghiệp ngày càng ít đi, giảm bớt khó khăn cho người nông dân và DN trong niên vụ mới. Các DN chế biến mía, đường cần có sự đồng nhất, minh bạch về giá cả thu mua nguyên liệu mía trong niên vụ mới 2019 - 2020.

Trong nhiều nghiên cứu về mía đường trên thế giới cho thấy chi phí để trồng mía ngày càng xu thế tăng. Trái ngược với điều này, giá đường trên thế giới trong những năm trở lại đây lại liên tục giảm.

Lý giải về những trái ngược đó, năm 2015 trong một nghiên cứu về mía đường, Thạc sĩ, chuyên gia về đường Antoine Meriot thuộc Liên minh mía đường Hoa Kỳ (ASA) đã chỉ ra là nhiều nước được coi là “cường quốc” mía đường như: Brazil, Ấn Độ, Thái-lan… đã đẩy mạnh phát triển ngành mía đường bằng can thiệp chính sách hoặc hỗ trợ trực tiếp ngân sách. Mục tiêu của các nước đến năm 2020 Brazil mỗi năm sản xuất khoảng 600 triệu tấn mía, Thái-lan đạt 100 triệu tấn mía /năm… để đạt được mục tiêu này, Thái-lan mỗi năm đã hỗ trợ 1,3 tỷ USD. Trong đó khoảng hơn 775 triệu USD được sử dụng cho khoản trợ cấp XK gián tiếp thông qua Hệ thống bình ổn giá đường tức là tăng trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Lộc cho rằng: Cần phải có chính sách kiểm soát việc NK đường thô, XK đường và đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc áp giá thu mua mía nguyên liệu, không để DN phá vỡ hợp đồng thu mua mía đã được ký kết, thì mới tạo được minh bạch giá thu mua mía.