1/Cuối năm nào cũng vậy, dù những nơi khác, không khí Tết đã tấp nập, thì tại xóm Phao (bãi giữa sông Hồng), nơi có 32 hộ với 100 khẩu vẫn ắng lặng. Họ gần như tách biệt với phố trong cảnh tạm bợ, nhếch nhác.
Họ cũng có quê hương. Nhưng phải rời làng, từ các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hưng Yên… “trôi nổi” lên Hà Nội mưu sinh. Ông Nguyễn Đăng Được, người Quảng Bình, cũng là “linh hồn” của xóm bảo rằng, ai cũng được sinh ra từ một ngôi làng, nhưng vì hoàn cảnh, nên giờ xóm Phao là làng của họ. “Suốt thời gian dịch bệnh, người xóm Phao vất vả lắm. Cũng nhờ những nghĩa cử đẹp của các nhóm thiện nguyện, sự chia sẻ của chính quyền nên chúng tôi vẫn ổn”, ông Được chia sẻ. Tôi hỏi, người xóm Phao có nghĩ đến chuyện về quê? Ông trả lời: “Làng xóm, quê hương sẽ mở rộng vòng tay đón mỗi người nếu trở về. Nhưng không thể làm phiền mọi người nhiều quá. Chúng tôi luôn nhớ về làng…”.
Hà Nội có nhiều người vô gia cư. Một số người đã đến nương nhờ xóm Phao, như thể ở đó, những hoàn cảnh khốn khó đã tìm được nơi cộng sinh, chia sẻ. Không hộ khẩu, không nghề nghiệp ổn định, họ kiếm sống bằng việc bốc vác thuê, nhặt ve chai, bán ngô nướng, giúp việc theo giờ… Nhiều người đến thăm xóm Phao, thấy mình may mắn vì có công việc ổn định. Chị Nguyễn Phương Nga, thành viên nhóm Chia sẻ cộng đồng tâm sự: “Chúng tôi thường đến bãi giữa gặp bà con. Ai cũng mong có mùa xuân ấm, cuộc sống đủ đầy. Và mỗi việc nghĩa đều giúp con người ấm lòng, thêm tin yêu với cuộc đời”.
2/Thường những ngày Tết, nhóm thiện nguyện Ong Chăm lại tổ chức tặng quà cho các hoàn cảnh ở làng quê. Các thành viên Ong Chăm cũng có một ngôi làng, một quê nhà bình dị. Họ về làng làm việc nghĩa, dù nhiều nơi khác nhau nhưng điều đó cho họ cảm giác được thấy ngôi làng của mình. Chị Phương Hạnh, thành viên nhóm chia sẻ: “Chúng tôi chia sẻ với cả người khó khăn ở đô thị và các hoàn cảnh ở nông thôn. Làng có trái tim quê hương. Làng là nơi hun đúc sự nhân nghĩa cho mỗi chúng ta từ tấm bé. Với tôi, dù đến với bất kỳ ngôi làng nào, cũng là đến với sự nhân nghĩa”.
Những gương mặt, số phận, mỗi câu chuyện ở bãi giữa sông Hồng luôn gây nên sự xúc động. Họ cũng khiến mỗi chúng ta thêm trân quý sự sum họp, cuộc sống ổn định và quê hương bản quán. Chúng ta mừng vì có một quê hương. Bởi dù có nhiều nơi để đi, nhưng khi gặp bất trắc chúng ta chỉ có một nơi luôn chào đón chúng ta quay về. Đó là quê nhà.
Tôi vẫn thường về với làng, tắm trong bầu không khí quê nhà ở ngoại thành Hà Nội. Người dân sống với nhau thân ái, hòa đồng. Có lúc về để thăm gia đình. Cũng có khi chỉ để gặp mặt cánh đồng, dòng sông hay những vạt hoa cỏ. Khi ngược về thành phố, bao giờ bố mẹ tôi cũng đưa thêm rau hoặc thức quà quê để tôi chia cho hàng xóm. Bố tôi luôn dặn: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Khi trao quà cho láng giềng ở chung cư, tôi thấy những ánh mắt xúc động.
Hà Nội giãn cách, tôi về ngụp trong bóng mát quê. Hàng xóm gọi điện hoặc đứng bên tường rào niềm nở hỏi thăm, trao nhau bó rau, quả trứng. Tôi biết, nhiều người cũng mong lắm cảm giác ấy, có một miền quê rộng lượng để trở về.