Mái gianh mưa nắng quê hương

Thế hệ trẻ thế kỷ 21, chắc nhiều bạn không có khái niệm về nhà gianh vách đất. Thế hệ còn lại của thế kỷ 20, độ tuổi U70, U80, những khái niệm về nhà gianh như một tượng trưng cho nông thôn Việt Nam, chứ chưa hẳn là nghèo.

Minh họa: NGỌC HÙNG
Minh họa: NGỌC HÙNG

Năm 1974, tôi về nhà anh bạn ở Nghệ An. Anh về thăm quê để chuẩn bị đi học sau đại học ở Nga. Ông bố anh là nhà nho xưa. Một căn nhà gianh nhỏ xinh nhìn ra cánh đồng lúa xanh, mát mẻ. Tường đắp bằng đất sét. Nhà mái thấp, muốn vào phải cúi một chút. Người ta làm nhà thấp còn để đỡ gió bão. Mái lợp gianh rạ dày phải đến 20 phân.

Nhà gianh, nghiên cứu kỹ, không phải là chỉ có mái gianh. Rất nhiều nhà nông thôn Việt Nam, gọi là nhà gianh nhưng lợp lá cọ (Thanh Hóa gọi là lá kè) và nếu kỹ thuật lợp tốt phải được đến 40-50 năm mới phải thay mái. Còn cột và kèo vẫn bằng gỗ quý (lim, dổi... và ít nhất là gỗ xoan). Ngày xưa, nhà ai giàu, nhà gỗ năm gian, lắp cửa bức bàn đã là sang lắm. Những nhà gianh, cột gỗ tốt vẫn tồn tại hàng trăm năm nếu không bị lũ lụt tàn phá.

Nhà tôi xưa ở dưới chân núi Nưa, Nông Cống là nhà gỗ lợp lá cọ, cửa ra vào thưng ván lim. Ông nội tôi lên tận rừng Nưa, nơi Bà Triệu luyện binh xưa, chặt từng cây gỗ lim về làm cột nhà và xẻ ván làm cửa. Năm 1953, Pháp bỏ bom vào làng, nhà tôi mái bị cháy rụi, nhưng những tấm ván lim không cháy và còn lỗ chỗ những vết bom phá thủng. Ông tôi dựng lại nhà, không đủ gỗ lim mà phải làm gỗ xoan. Khi tôi đi học đại học, bố tôi chụp một tấm ảnh cả nhà đứng bên căn nhà mái gianh ấy. Sau này khi gia đình chuyển ra Hà Nội, nhà bán cho chủ khác. Họ phá nhà gianh xây nhà mái bằng. Tôi tiếc trong nhà còn một cái tủ cổ bằng gỗ quý, chạm trổ tinh vi nhưng bị mảnh bom phạt bên hông. Chủ nhà phá đi, đóng một cái tủ khác bằng gỗ thường, đánh véc-ni sáng choang.

Nhớ hồi ông tôi đào giếng, được một cái hũ bằng gốm. Ông tưởng có vàng nên cạy đất ra xem thì thấy trong hũ toàn đất. Ông đem cái hũ gốm đựng nước tiểu để đái đêm. Tôi đi học xa, kể về cái hũ ấy cho bạn nghe. Bạn tôi bảo: Đồ cổ đấy. Tôi thư về báo tin thì mẹ tôi nói cái hũ đã mất từ lúc nào không hay. Cũng không biết ai lấy vì để ở góc vườn, ai lấy chả được.

Năm 2018, tôi đến thăm khu đô thị trên bờ sông Sài Gòn. Đô thị có tòa nhà cao nhất thành phố lúc đó, 88 tầng. Chủ dự án đưa chúng tôi lên ăn trưa và uống cà-phê trên tầng 88. Đứng trên tầng cao nhất của tòa tháp nhìn thấy hầu như toàn thành phố và dòng sông Sài Gòn quanh co đẹp mắt. Trưởng đoàn là bác Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bác cười nói: Ngày xưa không ai nghĩ rằng nước mình có nhà đến 88 tầng. Mẫu hình của người Việt, ai có nhà đến “nhà ngói, cây mít” đã là giàu có. Lại nói, làng tôi xưa, có nhà đến hai tầng đã là giàu nhất làng. Nhà ấy bị quy địa chủ, căn nhà hai tầng nhỏ bé được trao cho một gia đình cố nông. Nhưng sau đó, họ đập đi, lấy gạch bán.

Căn nhà xưa, quan niệm của cha ông ta là nơi chốn đi về, là nơi quần tụ mỗi độ xuân về. Khi đi xa, nhớ lại quê nhà có mái gianh, có người đang chờ đợi, đấy là niềm vui, là hạnh phúc của người Việt. Sống lang thang, người ta gọi là: “Sống vô gia cư, chết vô địa táng” là một kiếp người bất hạnh.

Năm 1994, sau hai năm lập lại quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, tôi đến thăm Seoul, người ta đưa tôi thăm bảo tàng Làng văn hóa các dân tộc Triều Tiên. Tôi đã thấy những mái nhà gianh xưa, những nhà đất trình tường. Những cày, những bừa, cuốc hái cho nông nghiệp xưa, không khác gì Việt Nam xưa. Họ đã lưu lại cho hậu thế những gì nghèo nhất xa xưa để rồi con cháu biết gốc rễ mình thế nào mà vươn lên, để Hàn Quốc trở thành những con rồng châu Á.

Mái nhà gianh trong ký ức của người Việt cao tuổi xa xứ ở Pháp, ở Mỹ, ở Anh... là một cái gì thân thương, là quê hương, là cái giỏ tre, cái cối xay lúa, cái chày giã gạo..., nhưng đấy là quê xưa. Bây giờ cứ quan niệm ấy, nếu về Việt Nam, dù là nông thôn, sẽ thấy nông thôn mới bây giờ, làm gì còn nhà gianh. Người ta ở nhà tầng, hoặc nhà một tầng nhưng trong trang trại, này cá da trơn, này chim công... đẹp như khu du lịch. Đường ra ruộng thẳng băng bê-tông. Xe con ra tận giữa cánh đồng xa hàng cây số vi vu. Mùa lúa chín, máy gặt đi một vạch vàng ngang trời. Cuối vạch vàng đã là những bì lúa chất lên xe. Hình ấy, khác xưa xa. Nhà gianh nếu có chỉ để làm quán ăn cho nhớ xưa. Đến ông bà già còn dùng điện thoại thông minh thì cánh trẻ còn đi xa hơn.

Mái nhà gianh, để nhớ xưa. Nhưng Tết đến xuân về quê hương vẫn có bánh chưng xanh, vẫn có giò lụa và vẫn có dưa hành.