Cứu trợ tức thời đừng quên sinh kế
Đã có nhiều hoạt động cứu trợ ngắn hạn giúp người nghèo vượt khó giai đoạn giãn cách xã hội. Nhưng khi đại dịch “hạ nhiệt”, câu chuyện quan trọng tiếp theo là hỗ trợ sinh kế lâu dài chưa được quan tâm tương xứng. Ở thành thị, người buôn bán nhỏ, lao động nghèo chịu ảnh hưởng nặng. Không còn nguồn dự trữ, giảm thu nhập, mất việc, họ rất cần vốn để mưu sinh trở lại. Nằm trong số không nhiều dự án hỗ trợ khôi phục sinh kế, nhóm “Vì một Hà Nội đáng sống” và “Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) thông qua ủng hộ của doanh nghiệp xã hội ECUE và hãng xe Ford (Mỹ) đã giúp được 200 người nghèo tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nhóm thu thập thông tin từ chính quyền địa phương, Hội phụ nữ hoặc Hội người khuyết tật…, mạng lưới thông tin cá nhân hoặc các nhóm lao động di cư… “Từ những cuộc điện thoại cho tới cuộc gặp trực tiếp, chúng tôi luôn tôn trọng và kiên trì giải thích cho người nghèo hiểu tính chất của dự án, sau đó tìm hiểu cặn kẽ, xác minh hoàn cảnh của họ. Hầu hết khó tiếp cận các tổ chức hỗ trợ thông qua internet, thậm chí có người còn mù chữ… Một gia đình nghèo tại Hà Nội sống trong ngôi nhà hai tầng, nhưng đó chỉ là cái xác nhà. Bên trong trống hoác. Thu nhập ít ỏi của gia đình bốn người phụ thuộc cả vào việc bán quần áo online của người vợ khuyết tật…”, anh Vũ Văn Toàn, đại diện ECUE chia sẻ.
Sau khi trực tiếp gửi tiền mặt cho người nghèo khôi phục sinh kế, thành viên nhóm tiếp tục liên lạc để tư vấn ngành nghề, hỗ trợ thông tin và bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng cách. Trong tọa đàm online-“Xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện: vai trò của doanh nghiệp, Nhà nước và khối xã hội” do “Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân” (PPWG) và Mạng lưới các tổ chức phi lợi nhuận phía nam (SNPO) tổ chức, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết, cần phải hiểu rõ hai khái niệm “từ thiện cứu trợ”-hoạt động nhân đạo ngắn hạn, bột phát, gắn liền với cảm xúc và hoạt động cứu trợ khẩn cấp với “từ thiện hỗ trợ”-hoạt động nhân đạo mang tính chiến lược dài hạn, đòi hỏi chuyên môn cao và có tầm nhìn. Hiện nay, bức tranh hoạt động nhân đạo chủ yếu tập trung vào từ thiện cứu trợ mà thiếu đi nhiều chương trình hỗ trợ bền vững. Bởi vậy, rất cần thêm dự án khôi phục sinh kế trong tương lai từ phía Nhà nước dành cho người nghèo thành thị, hoặc dự án liên kết giữa doanh nghiệp và khối xã hội như dự án của Ford và ECUE.
Giấc mơ lành về nơi đất dữ
Cùng hướng về người nghèo, nhưng các dự án hỗ trợ bền vững tại nông thôn đang vượt trội so khu vực thành thị. Để có được những kết quả tích cực này, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan nhà nước và tổ chức đoàn thể. Theo chân đoàn công tác của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khảo sát các dự án hỗ trợ bền vững cho người nghèo ở Nghệ An và Hà Tĩnh, hai tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao và thường xuyên đối mặt nguy cơ mất sinh kế vì thiên tai, phóng viên Thời Nay chứng kiến sự “thay da đổi thịt” ở vùng nông thôn.
Sinh kế chính của người nghèo tại nông thôn là hoạt động nông nghiệp. Nhiều năm qua, các chương trình lớn chủ yếu hỗ trợ vốn, cây, con giống cho nông dân nghèo. Từ năm 2018 tới nay, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiều dự án dài hơi như hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo thuộc Chương trình 135. Nhiều địa phương tại Nghệ An và Hà Tĩnh đã đạt kết quả rất khả quan dù số vốn không lớn-Nghệ An nhận được 500 triệu đồng năm 2018 và Hà Tĩnh là 452 triệu đồng năm 2020. Một trong những nơi khó khăn nhất của Nghệ An, xã Tam Đình, huyện Tương Dương, nơi được coi là “chảo lửa” khô hạn mùa hè, ngập lụt vào mùa lũ và rét buốt vào mùa đông. Tam Đình còn có nhiều hộ là người dân tộc thiểu số, có tới 40 hộ nghèo (36,2%) và 223 hộ cận nghèo (19,9%). Xã được cấp 33 con bò giống cho 33 hộ nghèo và cận nghèo vào tháng 12/2018. Tháng 6/2021, số bò giống ban đầu đã sinh được 40 con bê, nâng tổng số lên 73 con.
Gia đình anh Lương Văn Thắng (57 tuổi) trong diện nghèo nhất thôn Quang Yên (Tam Đình), ngoài ngôi nhà cấp bốn mới được hỗ trợ sau tái định cư thì thu nhập chỉ trông vào ít sào ruộng, vài con gà. Anh bày tỏ: “Trước đây, thu nhập gia đình chẳng nổi 100 nghìn đồng/tháng, mỗi mùa vụ lúa chỉ đủ gạo ăn không có dư để bán”. Với giá từ 15-20 triệu đồng/con bê và từ 25-30 triệu đồng/con bò, nhà anh Thắng và các hộ nghèo tại Tam Đình đã có một số vốn ổn định để thoát nghèo. Sau khi bò giống đẻ lứa đầu tiên, tháng 10/2021, 20 bê con đã được chuyển cho các hộ khó khăn hơn từng đăng ký và đủ điều kiện tham gia dự án.
Đã có thay đổi lớn như lời ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương: “Người dân Tương Dương có thói quen chăn thả tự do, để trâu, bò vào rừng tự kiếm cỏ. Nhưng vì thế năng suất và chất lượng thấp. Từ sau khi nhận bò giống, chúng tôi đã tập huấn, hướng dẫn cho bà con làm chuồng trại, trồng cỏ cho bò và tận dụng phân bón cho cây trồng. Các hộ cũng được hỗ trợ về chăm sóc thú y, tiêm vaccine phòng dịch bệnh. Bò giống được lai với bò địa phương hiện đã thích ứng điều kiện khí hậu, sinh sản nhanh và tăng trưởng tốt”.
Mặt trận Tổ quốc cũng trở thành “cầu nối” các nguồn lực từ nhiều tổ chức, cá nhân để xây dựng các công trình phúc lợi như nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng, tránh bão lũ, nhà ở cho người có công, hộ nghèo bị ảnh hưởng thiên tai... Tại thôn Tân Tiến, xã Tân Lâm Phương (Hà Tĩnh), Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp triển khai mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại các nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão lũ. Ông Phạm Hồng Lý (78 tuổi), ở thôn Tân Tiến chia sẻ: “Mùa lũ trước, dân lo lắng, tự sơ tán khắp nơi. Nhưng từ sau nếu có lũ, chúng tôi sẽ tập trung ở nhà này, chắc phải hàng trăm người”.
Vẫn còn nhiều hộ nghèo và rất đông người lao động từ các thành phố, địa phương trở về. Theo ông Phạm Hồng Đào, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo: Nghị định 93/2021/NĐ-CP sẽ góp phần mở rộng để có nhiều hơn các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp các bộ, ban, ngành để đưa ra “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”, trong đó cốt lõi đầu tiên là áp dụng thước đo mức độ khó khăn của người dân dựa trên chuẩn nghèo đa chiều. Với những định hướng như vậy, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là một trong những quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Từ nơi tiêu điều, xơ xác do hứng chịu nhiều đợt bão lũ, Tân Tiến đã thật sự chuyển mình với những con đường trải nhựa bằng phẳng suốt từ đường chính tới ngõ nhỏ. Các hộ còn tình nguyện dành đất vào việc mở rộng đường, giữ vệ sinh chung và đóng góp những “hàng rào xanh” trồng hoa.