Giúp dân chống dịch

Hùng tráng trong âm điệu ca khúc “Bài ca thiện nguyện” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, cuộc gặp mặt giữa Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và những người thiện nguyện, giúp bà con vượt qua đại dịch Covid-19 (làn sóng thứ tư) diễn ra tại TP Hồ Chí Minh một tối cuối năm 2021 thật xúc động.

Bộ đội hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh giữa mùa dịch Covid-19. Ảnh: KHỞI MINH
Bộ đội hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh giữa mùa dịch Covid-19. Ảnh: KHỞI MINH

1/Mặc dù mọi người đều mang khẩu trang nhưng qua ánh mắt, nụ cười, tôi vẫn nhận ra niềm tự hào, sẻ chia. Càng thấm câu dân ca đã nằm lòng: “Qua hoạn nạn mới hiểu hết lòng nhau...”.

Đại diện “chủ nhà” là hai vị tướng trẻ: Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 và Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7. Chính ủy Trần Hoài Trung kể về những ngày tháng có lúc căng như dây đàn. Để hỗ trợ người dân phòng, chống dịch, cả trăm nghìn lượt bộ đội Quân khu 7 và các đơn vị bạn đã rời doanh trại, thao trường, học viện, hành quân “chống dịch như chống giặc”. Tôi thích nhất hai từ “cứu dân” mà Trung tướng Trần Hoài Trung nhắc đi nhắc lại. Tôi đã có hơn nửa thế kỷ sống, chiến đấu và làm việc trên địa bàn Quân khu 7 nên càng thấm từng câu chữ ấy.

2/Nhớ lại, cách đây hơn 40 năm, khi kẻ thù từ bên kia biên giới tràn sang tàn sát đồng bào ta. Những người lính Bộ đội Cụ Hồ trên địa bàn Quân khu 7, vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng đất nước kéo dài 30 năm, chưa một phút nghỉ ngơi đã khoác ba-lô ra trận. Tư lệnh Quân khu 7 lúc ấy là vị tướng lừng danh từ thời chống Pháp-Tướng Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà). Lịch sử còn ghi rõ những trang hào hùng khi tướng Năm Ngà lúc ấy là Trung đoàn trưởng bộ binh 96. So binh đoàn thiện chiến G100 của quân đội thực dân Pháp, đơn vị của ông Năm Ngà vừa ít quân vừa thiếu vũ khí, trang bị. Nhưng với ý chí quyết tâm của người lính Cụ Hồ, đơn vị do ông Năm Ngà chỉ huy đã tiêu diệt hàng chục xe vận tải quân sự của địch, tiêu diệt hàng trăm tên xâm lược. Là Tư lệnh Quân khu 7, đảm đương hướng trọng yếu biên giới Tây Nam, trước cảnh đồng bào ta bị tàn sát, biên cương bị xâm lấn, Tướng Năm Ngà đã phát động toàn lực lượng vũ trang quân khu “cứu dân”: “Các đồng chí, hãy cứu đồng bào ta đang bị tàn sát. Hãy giữ yên từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà Đảng, Quân đội và nhân dân giao cho chúng ta”.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, tôi còn nghe rõ giọng nói âm vang, đầy khí tiết của ông Năm Ngà trong ngày hội đoàn kết quân dân diễn ra tại vườn hoa Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh). Cứu dân vừa là mệnh lệnh vừa là trách nhiệm, tình cảm của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Mọi tầng lớp nhân dân ngày ấy đã “xuống đường ra trận” theo cách riêng của mình. Hàng vạn thanh niên nam nữ đã rời xưởng máy, công trường, nông trường, giảng đường. Những ca khúc cứu dân vang lên trên khắp nẻo đường biên giới và sau này cả trên những phum sóc hẻo lánh của đất nước Chùa Tháp láng giềng vừa thoát khỏi họa diệt chủng.

Bây giờ, khi đại dịch Covid-19 như bóng ma bao trùm thế giới, kế tục truyền thống của thế hệ đi trước, hai từ “cứu dân” lại vang lên, chạm tới trái tim một cách mãnh liệt. Cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” này, vẻ đẹp người lính Bộ đội Cụ Hồ “lại tỏa sáng không chỉ trong từng ngõ phố, nơi cư ngụ của bà con mà còn rực cháy trong lòng người với sự tin yêu, gửi gắm.

“Bộ đội như con gái

Đi chợ, giao từng nhà

Nào thịt rau, cây trái

Hoa tươi với trứng gà...”

3/Đồng hành với những người lính Cụ Hồ, các tầng lớp nhân dân, trong đó các doanh nghiệp làm nòng cốt đã vào cuộc. Tại buổi họp mặt, tôi gặp lại các doanh nhân, đại diện cho các doanh nghiệp thành đạt và nghĩa tình. Cách đây đúng một năm, doanh nhân Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dona Coop (Liên minh HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai) đã đồng hành cùng chúng tôi xây dựng lại ngôi đền thờ liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Khu vực đồn Long Khốt (Vĩnh Hưng-Long An) với kinh phí lên tới nhiều chục tỷ đồng. Nay, doanh nhân cựu chiến binh đã từng chiến đấu trên biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia này lại ủng hộ Quân khu 7 nhiều chục tỷ đồng giúp dân chống dịch. Thay mặt những người thiện nguyện phát biểu tại buổi gặp mặt kể trên, Bùi Thanh Trúc xúc động bày tỏ, được cùng bộ đội cứu dân là vinh dự và trách nhiệm của tất cả mọi người.

Truyền thống văn hóa và đạo lý dân tộc mà cha ông để lại “thương người như thể thương thân” như sợi chỉ đỏ xuyên suốt thế hệ này đến thế hệ khác. Doanh nhân Bùi Mạnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư địa ốc TP Hồ Chí Minh cũng có suy nghĩ như thế. Là nhà tài trợ chính cho nhiều công trình nghĩa tình tri ân liệt sĩ, đợt cao điểm này, Bùi Mạnh Hưng đã ủng hộ Quân khu 7 nhiều chục tỷ đồng để chống dịch. Doanh nhân Bùi Mạnh Hưng tâm sự: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành”.

Đại dịch như bóng ma lúc ẩn, lúc hiện, nhưng ánh ban mai của mùa xuân đang bừng sáng.

Sát cánh cùng người dân chống dịch là trách nhiệm, là mệnh lệnh của trái tim!