Nắm tay dìu trẻ bước đi

Gõ cửa từng nhà trong danh sách “cầu cứu” gửi về, suốt mấy tháng nay, các tình nguyện viên POWAI (Trung tâm trợ giúp xã hội hỗ trợ trẻ mất người thân và gặp khó khăn do Covid-19) rong ruổi khắp TP Hồ Chí Minh để lắng nghe từng hoàn cảnh rồi lặng lẽ trao đi những yêu thương.

Em bé đang lau nước mắt cho mẹ. Sau mất mát, các con nhận về nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng.
Em bé đang lau nước mắt cho mẹ. Sau mất mát, các con nhận về nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng.

Ngồi lại cùng nhau

“Mẹ ơi, bữa nay mấy cô tặng máy tính cho con học online rồi, con không phải học bằng điện thoại của ba nữa. Con mới được dì Ba dẫn đi khám mắt, chữa răng. Con sẽ thay mẹ thương em, mẹ đừng lo quá nha! Mà mẹ phải nhớ con, nhớ em và ba nha mẹ…”. Bữa cơm cúng mẹ trong căn phòng trọ bé xíu do M.D. (quận 8) tập tành nấu đơn giản lắm, chỉ chút cá hộp, canh rau. Nhìn gương mặt mẹ sau làn khói nhang, mắt D. rưng rưng. Nhưng lần này, cô bé không khóc nữa. D. nói, em muốn mẹ giữ lại nụ cười của con gái thay vì hình ảnh buồn đau.

Mẹ mất vì Covid-19 khi xe cứu thương chưa kịp chở vào viện từ hồi tháng 8, lúc cả TP Hồ Chí Minh cuống cuồng với dịch bệnh, chị em D. được dì Ba đưa về nhà ngoại chăm sóc. Mỗi ngày, D. làm cơm cúng mẹ rồi ngồi cạnh bàn thờ kể đủ thứ chuyện vì cô bé vẫn chưa biết tập làm quen với cuộc sống mới đầy chông chênh này từ đâu. Hôm đầu, chị Phan Thúy Hà, tình nguyện viên của POWAI tìm đường đến thăm, D. ngồi im đó, lặng lẽ cúi đầu, không biết nói gì ngoài từ “Dạ”. Đâu chỉ riêng D., hầu như đứa trẻ mồ côi nào chị Hà gặp trong đợt này đều như thế, kiệm lời và chồng chất nỗi đau. Có bé còn nhắn “Cô đừng gọi hay tới thăm con nữa, con không muốn gặp ai”.

Siết chặt tay D. sau mấy lần đến nhà động viên, chị Hà hỏi “Con ước mơ gì?”. Cô bé thủ thỉ, giọng vẫn run run sau lớp khẩu trang: “Con muốn đi làm thay ba mẹ nuôi em”. Mấy hôm sau, một chiếc máy tính được trao tận tay D. với lời nhắn “Con cố gắng học để sớm thực hiện ước mơ của mình nhé!”. Đó chẳng phải chiếc máy tính xịn, là hàng đã qua sử dụng do nhà hảo tâm gửi tặng, vậy mà D. quý lắm. Vì cô bé biết, món quà này chất chứa thương yêu.

“Có gì cứ nói với cô” luôn là câu chị Hà dặn đi dặn lại trong từng buổi trò chuyện, gọi điện hỏi thăm D. cùng bốn “đứa con” đặc biệt của mình. Chị Hà nói, khó nhất là làm sao để trẻ mở lòng tâm sự bao chuyện buồn vui sau biến cố quá lớn trong cuộc đời. “Mình đâu thể cứ hỏi dồn dập cứa thêm vào nỗi đau chưa kịp lành ấy, vậy nên phải chịu khó, ngồi đó lắng nghe, tìm hiểu xem các con cần gì nhất trong lúc này mà sẻ chia, dìu dắt. Có ai tin, vợ chồng tôi hơn 60 tuổi vẫn vào siêu thị tìm kẹo dẻo, kem vani, ghé chợ mua cái áo, túi xách, chiếc kẹp tóc cho tuổi teen rồi còn nuôi cả chó online nữa. Vậy thì đã làm sao. Chỉ cần bọn trẻ vui, chỉ cần các con được bù đắp từng chút yêu thương, khó mấy tôi cũng tìm cách”, chị Hà tâm sự.

Nắm tay dìu trẻ bước đi -0
 Chị Nguyễn Thị Mỹ Khanh tìm hiểu hoàn cảnh một gia đình trẻ mồ côi
do Covid tại TP Hồ Chí Minh.

Hơn 40 tuổi, thấy chị Nguyễn Phi Diệp tìm hiểu về game thủ hay các thành viên nhóm nhạc BlackPink, nhiều người bật cười. Thế nhưng, để được làm bạn với những đứa trẻ đang rất cô đơn mà mình mới gặp, nữ tình nguyện viên mặc kệ ai nói gì. Và khi thấy tin nhắn điện thoại sáng lên, dòng chữ ngắn hiện rõ “Con thích trò chuyện với cô rồi”, chị Diệp biết rằng từ mai đã có thể gần gũi với các con nhiều hơn. Chị muốn sát lại để nghe các con kể chuyện “hồi trước” và cả những mong muốn cho mai sau. Mấy đứa trẻ mồ côi chị gặp đợt này đều giống nhau: nghèo và ít nói. Cũng đúng, mất mát quá đột ngột, con trẻ biết làm gì khi nhận ra mình phải bơ vơ suốt chặng đường còn lại. Nghĩ vậy, chị cứ thương hoài.

“Con chào cô giáo!”. Đứng trước cửa, thấy cậu bé nhỏ xíu lăng xăng vòng tay, cúi đầu rồi hớn hở chạy vào rót nước mời, chị Diệp cười giòn tan. Mới hai tuần trước, vừa thấy chị đến, thằng bé còn chạy trốn, hỏi gì cũng chẳng trả lời. Giờ nó đã xem chị là “người trong nhà”. Nghe mẹ bé nói vậy, chị Diệp thấy lòng ấm áp: “Hơn hai tháng đến từng nhà hỏi thăm các con, ban đầu tôi cũng bị sốc, thậm chí ám ảnh vì những câu chuyện quá buồn. Nhưng, nếu cứ buồn thì có ích gì, mình phải nắm tay đưa các con đi tiếp, từng bước, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trước kia tôi nghĩ, mình góp chút tiền làm từ thiện cũng ổn, giờ thì khác rồi. Các con cần nhiều hơn thế, nhất là sự quan tâm, đồng hành”.

Giúp trẻ hòa nhập cuộc đời

Tháng 10/2021, POWAI chính thức đi vào hoạt động với các dự án hỗ trợ việc học hành dài lâu cho trẻ mồ côi vì Covid-19. Cầm danh sách hơn 800 trường hợp cần giúp chỉ sau hơn một tuần phổ biến thông tin, bà Tô Thụy Diễm Quyên, nhà sáng lập và giám đốc điều hành POWAI thở dài, dù biết đó chỉ là phần nhỏ trong hàng nghìn hoàn cảnh tại TP Hồ Chí Minh cần tiếp sức sau mùa dịch. Ban đầu, trung tâm còn có kế hoạch xây dựng một ngôi nhà chung để cưu mang những trường hợp mồ côi quá khó khăn. Nhưng cuối cùng họ chọn cách đồng hành dài hạn để trẻ tiếp tục được sống cùng người thân.

“Mẹ mất rồi, tụi con sợ tới bữa cơm”, nghe lời tâm sự của một học sinh cấp III bỗng chốc mồ côi vì Covid, nhà báo Ngân Hà, phụ trách nhóm tình nguyện viên của POWAI xót xa. Chị biết, dù có thật nhiều chương trình hỗ trợ thì cũng khó lấp đầy khoảng trống trong lòng một đứa trẻ mất mẹ, thiếu cha. “Con không biết. Bây giờ con không nghĩ được gì hết”, khi nghe những câu nói này, chị hiểu, đứa trẻ tổn thương này cần một đôi tay ấm, cần người bạn đồng hành đủ kiên nhẫn. Mặc dù không thể thay thế người thân nhưng chúng tôi muốn trẻ luôn được yêu thương, có điểm tựa để không hụt hẫng khi vào đời. Đây là chặng đường quá gian nan với các con”, nhà báo Ngân Hà trải lòng.

Bước vào những ngôi nhà xập xệ với chiếc bàn thờ lập vội, nhìn đâu cũng thấy nỗi buồn, nhà báo Ngân Hà hiểu việc giúp trẻ nén bớt đau thương, kể ra những mong muốn trong lòng mình khó khăn vô cùng. Bao lần tới lui, liên tiếp mang về những câu chuyện đầy tâm tư, nhiều đêm chị mất ngủ vì cứ mãi loay hoay tìm lời đáp cho thắc mắc “Làm gì để giúp các con nữa đây?”.

Không ưu tiên giúp tiền, POWAI dành tặng trẻ mồ côi phương tiện học tập, phương tiện di chuyển, chương trình phụ đạo, các khóa kỹ năng và những học bổng cho từng cấp học. Một mạng lưới người dẫn đường được thiết lập với nhiệm vụ đồng hành, cùng vạch ra lộ trình phát triển cho trẻ trong tương lai. Họ tiếp sức và đặt ra các thử thách rồi quan sát, hỗ trợ trẻ đạt từng mục tiêu nhỏ cho cả hành trình dài. “Chúng tôi không có nhiều tiền cũng như chưa quen đứng ra kêu gọi quyên góp nên chọn cách làm này. Chúng tôi vạch lộ trình và đi đường dài với các con. Việc này không hề đơn giản vì các kế hoạch cần dài hơi, sự chung tay nhiều phía nhưng khi đi khảo sát mới thấy nhiều hoàn cảnh quá khó khăn, không thể không giúp. Cả đợt dịch, đọc báo, xem đài, nhìn gương mặt các em thật sự tôi chịu không nổi. Những gương mặt ngây thơ ấy hằn rõ những thương tổn, khủng hoảng từ bên trong. Làm được gì chúng tôi làm liền cho các con, chứ chờ lâu lắm”, bà Nguyễn Thị Mỹ Khanh, Phó ban quản trị phụ trách tổ chức POWAI cho biết.

“Hôm nay, con đã thấy vui hơn”, “Nhờ có máy tính con học trực tuyến đỡ đau mắt lắm. Con cảm ơn!”, “Có xe đạp rồi, con mừng lắm”, “Nghe có người hỗ trợ con cháu mình chuyện học hành, tôi an tâm lắm vì ăn uống mắm muối qua ngày cũng xong chứ ở nhà thì làm sao thay đổi tương lai”… Mỗi ngày khi điện thoại nhận về bao lời cảm ơn, các tình nguyện viên POWAI chia sẻ cùng nhau như một cách tiếp thêm sức mạnh vì chặng đường phía trước còn dài và gian nan lắm.