Hương vị Việt trên đảo Zanzibar

Với những chiếc bàn gỗ xinh xắn đặt trên nền cát và một tấm bảng gỗ ghi: “Phở đặc biệt sẽ xuất hiện trong thực đơn tuần này”, “Duy nhất tuần này, chúng tôi có món mới cho các bạn: Bún bò”... Những dòng chữ đã thay lời mời chào đến với “Duyên - Vietnamese Homecooking”, nhà hàng tên “Duyên” của cô gái Nguyễn Thị Kim Anh ở Zanzibar.

Kim Anh (hàng đầu) cùng nhân viên địa phương trước cổng nhà hàng.
Kim Anh (hàng đầu) cùng nhân viên địa phương trước cổng nhà hàng.

Quyết tâm nổi lửa bếp Việt

Hai năm nay, khách đến khu nghỉ dưỡng Sharazad Oasis Retreat, trên đảo Zanzibar (Tanzania), quần đảo được mệnh danh là “viên ngọc đông Phi” sẽ có thêm trải nghiệm được thưởng thức vài món ăn Việt Nam tại một nhà hàng bên bờ biển.

Hành trình rẽ sóng mang ẩm thực Việt tới hòn đảo ngoài khơi Ấn Độ Dương với Kim Anh gói gọn trong chữ “duyên”. Năm 2019, cô quyết định tới Zanzibar nhận công việc quản lý khách sạn. Sau vài tháng, dịch Covid-19 bùng phát, công việc bị ngừng, Kim Anh bị “mắc kẹt” lại đây. Trong thời gian rảnh rỗi, cô bắt đầu nấu ăn mời bạn bè thưởng thức và nhận được những lời động viên làm đồ ăn Việt để bán. “Tôi thấy ý tưởng khá xa vời vì gia tài của tôi khi đó là không nhà bếp-không nhà hàng-không nghĩ mình đủ duyên gắn bó với bếp núc”, Kim Anh bày tỏ.

Vì vẫn muốn được ở lại Zanzibar, Kim Anh thử sức với việc nấu món ăn Việt theo hình thức đặt hàng mang về để có thu nhập trang trải cuộc sống. Thời gian đầu, khách của bếp Việt do Kim Anh nấu chủ yếu là cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại đây. Nhiều người trong số đó đang làm quản lý, nhân sự tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng nên tiếng lành đồn xa, họ giới thiệu cô nấu các món ăn Việt cho các bữa tiệc, sự kiện lớn trên đảo.

 Hương vị Việt trên đảo Zanzibar -0
Nhà hàng hiện phục vụ khoảng 40 món ăn Việt Nam. Ảnh: NHÀ HÀNG DUYÊN

Cuối tháng 8/2020, khi du lịch hoạt động trở lại, Kim Anh trở lại làm công việc quản lý khách sạn. Ngày đầu đi làm, cô đã đề xuất với chủ đầu tư về dự án ẩm thực Việt Nam cũng như duy trì gian bếp nhỏ của mình tại Zanzibar. “Tôi chia sẻ với chủ đầu tư là dự án có ý nghĩa tinh thần với những người xa quê như tôi”. Do không có tiếng nói chung nên sau một tháng thử nghiệm, Kim Anh buộc phải lựa chọn hoặc tập trung vào công việc hoặc nghỉ để tiếp tục nấu ăn. “Nhiều người nói tôi thật khó hiểu. Ở nơi đất khách quê người, lại đang mùa dịch bệnh lẽ ra phải chọn việc kiếm tiền thì tôi lại xin nghỉ để theo đuổi thứ chưa ra tiền”, Kim Anh nhớ lại.

Tập trung toàn tâm toàn ý cho kinh doanh, Kim Anh bắt đầu đăng ký thành lập công ty tại Zanzibar, lấy tên gọi là Hanoi Hospitality Ltd., với sản phẩm chủ lực là ẩm thực Việt Nam. Vào một ngày nọ, Kim Anh nhận được lời đề nghị từ ông bà chủ khách sạn Sharazad Oasis Retreat về việc xây dựng một nhà hàng Việt Nam do Kim Anh quản lý. Vậy là “Duyên-Vietnamese Homecooking”, nhà hàng Việt Nam đầu tiên và là nhà hàng châu Á thứ ba tại Zanzibar ra đời.

Duyên lành trên đất lạ

Có một căn bếp riêng, một nhà hàng nhỏ để giới thiệu món ăn Việt Nam nhưng không vì thế mà hành trình phát triển “Duyên” đến dễ dàng. Khó khăn lớn nhất là ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến nguyên liệu khan hiếm và đắt đỏ, vận chuyển khó khăn. Tình thế buộc Kim Anh đã chủ động xoay xở đủ cách, từ tự trồng rau thơm trong vườn, học cách làm giá đỗ, đậu phụ, xay bột tráng bánh phở…, nhờ đó thực đơn tại “Duyên” dần từ vài món nay đã lên tới 40 món. Khách đa phần đến ăn đã quen tên từng món Việt, từ phở, bún chả, xôi lạc, bánh cuốn cho đến cơm sườn kho tiêu… Không chỉ giữ lửa cho bếp, cuối năm 2021, Kim Anh còn mở thêm một quán cà-phê mang tên “Hà Nội House Cà-phê by Kim” đặt tại Paje, trung tâm của Zanzibar để có thêm không gian thưởng thức đồ uống Việt Nam tại đây.

Ngay từ khi khởi nghiệp, Kim Anh luôn muốn doanh nghiệp Hanoi Hospitality Ltd., chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Điều đầu tiên cô nghĩ tới chính là nỗ lực tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, Nhà hàng “Duyên” hiện có gần chục nhân viên người bản địa tham gia công việc phụ bếp và bếp chính. Trong dự định của mình, Kim Anh còn nghĩ tới hình thức nhượng quyền kinh doanh để vừa tạo thêm sinh kế cho phụ nữ địa phương, vừa phát triển mạng lưới ẩm thực Việt tại những nơi thu hút khách du lịch khác.

Sau hai năm, nỗ lực Kim Anh đã thu được “trái ngọt” với thước đo là sự tín nhiệm của thực khách. Nhiều dịp đến “Duyên”, du khách còn được thưởng thức không khí Việt Nam tại quán, đó là ngày rằm cùng ngắm trăng sáng trong một không gian ấm cúng mang tên “Nhà”, Trung thu được thắp đèn lồng Hội An, Tết được cùng sum vầy đón năm mới. “Duyên” với tôi là cái tên ý nghĩa. Mỗi lần khách hỏi về tên gọi, tôi có thêm cơ hội được trò chuyện và giới thiệu văn hóa Việt Nam cũng như bày tỏ sự cảm kích với mối duyên lành với Zanzibar, nơi cho tôi cơ hội mang ẩm thực Việt tới vùng đất châu Phi xa xôi này”, Kim Anh tự hào chia sẻ.

“Lần đầu tiên thưởng thức bát phở do một cô gái châu Phi được dạy nấu, tôi đã rất tự hào mà khen: “Bạn đủ tiêu chuẩn lấy chồng Việt Nam rồi đấy!”. Tôi chưa bao giờ sợ sự cạnh tranh. Ai mở được nhà hàng riêng, mà lại là nhà hàng Việt thì mình luôn ủng hộ”, Kim Anh kể.