1/Ngày ấy, Hà Nội như rét hơn trong mầu áo tím than, nâu, gụ, mận chín, xanh công nhân… Những người lính từ biên giới phía bắc trở về vẫn chung thủy áo bộ đội, mũ cối bạc thếch và đi tìm việc làm. Một chân bảo vệ, hay xã viên, kể cả phu hồ, khuân vác ở bến phà Đen…, miễn là có việc! Ai cũng mong cuộc sống no lành khi bữa sáng vẫn trường ca khoai tây luộc hoặc mì sợi nấu rau muống. Bà tôi ở với bác cả, mà nhà bác còn bốn miệng đang tuổi ăn tuổi học. Dãy nhà lá dựng từ những năm 60 của xã viên đã chuyển sang lợp giấy dầu cho bền, nhưng khét lèn lẹt, nóng bức hơn dưới nắng lửa mùa hạ. Cách nhà không xa, Hợp tác xã cơ khí Trường Sơn sản xuất các loại mặt hàng dân dụng. Tay nghề cơ khí bậc bốn của bác từ Nhà máy dệt 8/3 chuyển về thật đắc dụng; vậy mà cả nhà vẫn phải sinh sống theo cách ăn bữa nay lo chạy bữa mai. Tiêu chuẩn thực phẩm của mỗi xã viên cũng do Sở Thương nghiệp quy định, nhỏ giọt vài lạng thịt, 0,5 kg đường, 1 lít nước mắm mặn chát, 1 kg đậu phụ, chả thấm gì với mấy “tàu há mồm” đang tuổi lớn. Cái nồi gang to đùng đặt trên lò lửa than quả bàng cháy đượm, thổi cơm độn mì sợi, cả nhà đánh veo cả cơm, cháy với lạc rang và nước rau luộc đánh chua bằng quả me. Hôm nào có thịt (chả cứ thịt ướp đá hay thịt tươi) rim với đậu phụ thì thật là đại tiệc! Mỡ thăn rán lên, bác tôi để dành trong âu da lươn, xào rau dần; tóp mỡ ngâm mắm ớt là đủ đánh thông ba bát. Ôi chao, tất cả như mới hôm qua, hôm kia… Tình thương nhau, đùm bọc nhau trong cơ hàn là những cân lạc, cân đỗ, chục trứng… từ quê chi viện ra.
Cái ăn đã chạy từng bữa, cái mặc cũng phải hà tiện. Nhà con đàn, em mặc lại của chị vẫn vừa xinh. Trẻ học cấp I, II vẫn chỉ quần phăng xanh chéo, áo phin xanh da trời, phin thô trắng, mặc mãi thành mầu cháo lòng… Tết đến, con gái lớn có áo sơ-mi may bằng vải phin hoa là sang nhất rồi! Bên hàng xóm, bác Nga làm ở Hợp tác xã mì sợi Sông Hồng, bác Nụ làm ở Hợp tác xã rau Hoàng Mai, cũng cùng cảnh ấy. Vui nhất là khi lũ trẻ thò lò mũi xanh chiu chít được chia kẹo gia công bọc giấy bóng xanh đỏ hấp dẫn; những đôi mắt trẻ thơ sáng lên.
Trong gieo neo, đêm đêm, đôi tay đầy chai sần của các bà, các mẹ thoăn thoắt bên đồ gia công. Thôi thì đủ loại mặt hàng: dập khuy áo khoác, đan găng tay sợi, đan áo len xuất khẩu, may quần áo học sinh cấp 1; cuốn thuốc lá điếu, làm xà-phòng giặt… Tất bật và vui hơn cả, là khi chú ỉn thân thiết của nhà nông được nuôi sau gian bếp cơi nới thêm. Bác tôi cũng nuôi một chú. Mỗi khi đi học về, rẽ qua thăm bác, thấy chú ỉn đen có khoang trắng ngày một phổng phao. Tắm cho chú nước giếng mát lạnh quả thật là thú vui của bọn trẻ. Cái đuôi ngoe nguẩy, đôi mắt lim dim, chú trở thành người bạn nhỏ của gia đình và đáng yêu quá! Hôm nào chú bỏ ăn, cả nhà lo lắng như lo cho người ốm, hay là hơn người ốm cũng nên. Chú cho tiền học phí, cho cái xe đạp cà khổ không còn cảnh lốp cố vấn, cho chú ỉn đất no bụng thêm, nên ai ai cũng gọi chú bằng cái tên ngộ nghĩnh-“thủ trưởng lợn”.
Dãy nhà ở ngõ phố bên, chị Hà ở Hợp tác xã dệt thảm len cặm cụi làm đề can cho các mẫu hoa. Chị gia công cho hàng mỹ nghệ khảm trai. Bạn Hạnh bằng tuổi tôi, đi học về là làm khăn trải bàn ren bô-đê. Những sản phẩm đẹp tuyệt vời, trưng bày trong gian hàng Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, chính là từ bao bàn tay khéo như tôi đã thấy. Chiếc hộp chạm khảm xinh xinh có gương trang điểm, lược sừng đen như mun có hạt khảm trai lóng lánh, chiếc khăn quàng móc chỉ trắng bóng, có họa tiết hoa hồng trang nhã… là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời… Người dân lao động của đất kinh kỳ xưa và nay, tài hoa mà cần cù, bền bỉ vượt khó, đã tự cứu mình trước khi trời cứu như thế.
2/Tết năm ấy, bánh chưng nhà bác tôi không chỉ gói với nhân đỗ xanh mật mía truyền thống mà đã thêm bánh chưng gói với nhân thịt. Từ làng cổ ven sông Đáy ra Hà Nội lập nghiệp đã vài chục năm, bác tôi vẫn giữ nếp xưa, Tết nào cũng phải có bánh chưng làm nhân đỗ xanh, mật mía. Thưởng thức hương vị bánh, thật rền, mà thanh, thơm mát mùi vị mật quện với vị nếp cái, chao ơi là ngon! Mẹ giữ lệ, sau 23 tháng Chạp, bảo tôi mang mứt Tết và rượu mùi lên lễ các cụ và biếu bà chiếc áo bà ba cổ thìa mầu gụ, quần láng Cây Dừa lên nước đen bóng. Bà đỏ hoe mắt bảo tôi: “Bà thương mẹ cháu lắm! Bố cháu đi chiến trường mãi chưa về…”. Tôi lồng đôi tất tay và tất chân đan cho bà, để chống giá rét buốt thon thót. Bà móm mém cười, mắng yêu: “Cố gắng học hành cho nên người là bà mừng, còn vẽ ra đan thế này, thời giờ đâu mà làm bài hử”. Nghe từ bà mùi trầu thơm thơm cay cay, hay mắt tôi cay… Túi mứt gừng già tôi tự làm để bà chống rét, tôi cất vào ngăn chạn tre. Cái chạn bà mua từ thời tản cư trong Nông Cống, chả có nan nào bị mối mọt, lên nước vàng xuộm. Bà dặn: “Có món cá bống vừa mua được, bà đã kho trong niêu, nhớ mang về, ba mẹ con ăn cơm”. Bà chiều mẹ con tôi theo cách ấy. Cả nhà trên nhà dưới, chả ai làm ngon như bà tôi. Mình cá bống khô cong, mùi vị của tiêu, ớt, gừng vừa độ, tôi đã quen vị cá bống kho của bà từ hồi học lớp 5. Thời nay có đủ cá kho của làng Vũ Đại, cá bống kho niêu đất, bán dưới siêu thị, vẫn không ngon, bùi như bà tôi kho.
3/Rồi có những Tết lạnh buồn, không còn cái thau đồng rửa mặt của bà, bộ chén chuyên uống rượu nút lá chuối của bác tôi, tất cả đã về bên các cụ, trong nắng gió đồng mát lành của sông Đáy. Mẹ giữ chiếc mâm đồng bà cho, từ khi bố mẹ cưới nhau, nay đã gần 70 năm, dài hơn tuổi tôi. 23 Tết, cúng ông Công, ông Táo, tôi sửa soạn lễ thức thắp hương đặt lên mâm đồng, lại như thấy bà, thấy bác và bố tôi đang về. Vẫn mái tóc mây dài quá gối, thơm mùi bồ kết, sả, hương nhu của bà; vai áo xanh công nhân bạc mầu của bác; tiếng cười vang nhà mỗi khi bố tết tóc sam cho tôi, hai bố con đi chơi phố.
Những mùa đi thao thiết như dòng sông chảy mãi. Dù dông bão, hay lũ cuốn, sông vẫn miệt mài bồi đắp phù sa cho cánh đồng xanh tươi, đơm hoa kết trái. Cháu trai giống hệt cha tôi, cũng khóe miệng lúc nào cũng như cười, cũng đức ham tìm hiểu, mê đọc sách… Nó thương bà theo cách của thế hệ 9X. Cành đào bích đang trổ lộc xanh non và hoa thắm đỏ. Tết đã đến trong hy vọng, chờ mong những tốt lành, hạnh phúc sau bao tháng ngày nén đau thương bởi giặc dịch hoành hành. Chậu cúc đại đóa ấm áp, rực rỡ báo hiệu một mùa xuân an lành, đang đến.