Vành đai ô nhiễm (Kỳ 5)

Kỳ 5: Phải tìm ra giải pháp
0:00 / 0:00
0:00
Lò đốt rác tại Urenco 11, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên.
Lò đốt rác tại Urenco 11, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên.

Nhân gian có câu “nhất thủy nhì hỏa” để nói về những mối đe dọa từ thiên nhiên đối với con người. “Vành đai ô nhiễm” quanh Thủ đô cũng là mối lo từ “thủy - hỏa”, nhưng do con người gây nên. Giặc thủy hiện diện trên hệ thống sông “chạy” quanh Hà Nội, khi những con kênh trở thành nơi chuyển tải chất thải gây ô nhiễm. Giặc hỏa là khói bụi từ những lò đốt phế liệu, bãi rác thải bị đốt trộm... Chặn được giặc thủy - hỏa kiểu này, là bớt đi phần nhiều vành đai ô nhiễm.

Mục đích khi chúng tôi cất công tìm hiểu về thực trạng này không phải là để ràng buộc trách nhiệm cho bất kỳ ai, hay cơ quan chức năng nào, mà chỉ mong muốn tìm ra nguyên nhân, để từ đó có được những giải pháp (cả trước mắt và lâu dài). Thực trạng thì đã rõ. Nguyên nhân đã thấy được phần nào. Chỉ khó là làm sao tìm ra “phương thuốc điều trị” để Thủ đô thoát khỏi “vành đai ô nhiễm” bủa vây bấy lâu nay.

Xem xét lại quy hoạch, hoạt động của các cụm công nghiệp

Có thể thấy rằng, hệ thống cụm công nghiệp là một hình thái tập trung các nhà máy vào một khu vực thay vì để nó hoạt động rải rác trên một địa bàn nhất định. Việc này đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố và cũng cho thấy một số giá trị. Đưa các nhà máy, xưởng sản xuất vào cụm về cơ bản là chính quyền dễ quản lý, theo dõi và xử lý hơn. Đó là ý chí của những người làm quy hoạch cụm.

Tuy nhiên, qua khảo sát ở các địa bàn đang gây ô nhiễm, đều thấy rằng ở các địa phương, cụm công nghiệp cũng là một trong những đối tượng gây ô nhiễm. Thậm chí còn là đối tượng “chủ lực” trong quá trình xả thải (cả khói, nước và rác) ra môi trường. Thực tế này diễn ra ở một số cụm công nghiệp như Tân Quang, Minh Khai (Văn Lâm, Hưng Yên). Cụm công nghiệp cũng xuất hiện trong nỗi bức xúc của cư dân sinh sống dọc sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ và sông Đáy.

Trước đây, cụm công nghiệp thường được đặt xa khu dân cư. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của đô thị Thủ đô đã khiến cho một số cụm công nghiệp “bỗng dưng” nằm giữa khu dân cư. Việc này có lẽ do quá trình triển khai sản xuất sớm hơn là triển khai đô thị. Điều này cho thấy sự bất hợp lý xuất phát từ thực tiễn. Chuyện từ quá khứ nhưng đòi hỏi hiện tại và tương lai phải giải quyết. Khó có thể di dời các cụm công nghiệp này ngay lập tức. Vậy nên tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài đủ sức răn đe, quản lý chặt vấn đề môi trường nước thải, chất thải, không khí có thể sẽ khiến cho các cụm công nghiệp kiểu này không còn là thủ phạm đầu độc môi trường. Thông thường, hầu hết các cơ sở sản xuất có nhu cầu xả thải đều sử dụng 2 đường ống xả ra kênh, mương, sông hồ. Đường ống dùng để “đối phó với cơ quan chức năng” thì được làm theo quy chuẩn. Đường ống còn lại mới đúng “chức năng xả thải trái phép” và độc hại. Nên chăng việc trao và quy trách nhiệm giám sát cho cán bộ quản lý môi trường cần phải được triển khai ngay từ khi các cơ sở này bắt đầu được xây dựng?

Thực tế, một số cụm công nghiệp tại Hưng Yên hiện vẫn chỉ có trong “quy hoạch” nhưng đang dần bị thâu tóm bởi những cơ sở sản xuất có phương thức sản xuất lạc hậu, không phù hợp, gây ảnh hưởng môi trường. Với những cụm công nghiệp kiểu này, thay vì chưa triển khai sau hơn chục năm phát triển tự phát thì chính quyền nên thay đổi quy hoạch. Vì nó nằm quá gần các khu dân cư, các đại đô thị đang được triển khai rầm rộ chung quanh.

Thay nước sông hay xử lý tại nguồn?

Mới đây nhất, việc “chữa” ô nhiễm cho sông Tô Lịch đã được bàn tới. Trong đó có việc bơm nước sông Hồng hay nước hồ Tây vào để tạo dòng chảy cho sông. Đây là cách mà người ta áp dụng tại cống Xuân Quan nhằm cứu sông Bắc Hưng Hải.

Ngày 24/3/2023, một trạm bơm dã chiến tại cống Xuân Quan, trên địa bàn huyện Văn Giang (Hưng Yên) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào vận hành (công suất 16m3/giây). Khi ấy, “rác” từ sông Cầu Bây, từ làng tái chế nhựa Minh Khai, chất độc từ các cụm công nghiệp Tân Quang, Dị Sử, Phố Nối A bị đẩy lui xuống hạ nguồn. Cán bộ Viện Nghiên cứu thủy lợi giải thích, do cống tiêu Cầu Xe, An Thổ họ cũng lấy nước vào phục vụ tưới tiêu, toàn bộ chất ô nhiễm dồn lại ở đoạn giữa của hệ thống Bắc Hưng Hải, đoạn kéo dài từ xã Bắc Sơn, xã Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) kéo sang thị trấn Kẻ Sặt, xã Vĩnh Hưng, xã Hùng Thắng (Bình Giang, Hải Dương). “Ô nhiễm từ phía trên đẩy xuống, nước ở phía dưới cống tiêu bơm lên, đây là đoạn ô nhiễm nhất”, anh Quyền, cán bộ Viện Nghiên cứu thủy lợi giải thích. Như vậy, lựa chọn pha nước sông Hồng hiện nay để làm sạch sông Tô Lịch, thực chất là phát tán ô nhiễm xuống vùng hạ lưu.

Thực tế đó cho thấy, việc đưa nước từ sông Hồng vào các dòng sông chỉ có thể đưa rác và chất thải từ phía thượng nguồn xuống hạ lưu. Vì rác và nước thải không thể tự tiêu, tự hủy bằng cách bơm thêm nước sông vào. Nó cần được xử lý trước khi nước thải từ nơi phát sinh đổ ra khu vực tập trung rồi đổ ra sông gây ô nhiễm. Ông Ngô Xuân Hiếu, Phó Trưởng phòng Môi trường (phụ trách môi trường làng nghề) Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên cho biết, đơn vị có đề án về xử lý nước thải sinh hoạt từ nay đến năm 2030 và dự kiến dành rất nhiều chi phí cho đề án này. Theo đó, tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2030 xử lý được 30% nước thải sinh hoạt, trong đó nhấn mạnh quy hoạch các điểm thu gom xử lý, xây dựng công trình xử lý.

Phối hợp liên vùng

Chủ tịch UBND xã Tân Tiến (Văn Giang, Hưng Yên) Hoàng Trọng Phận nhẩm tính: “Mỗi ngày trên địa bàn xã thừa ra mấy chục tấn rác, nguyên nhân là do Urenco 11 (Công ty CP Môi trường đô thị và công nghiệp 11), đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý bị quá tải. Khu đô thị Ecopark họ trả phí cao hơn, nên đơn vị vận chuyển ưu tiên xử lý rác cho Ecopark hơn”. Vị chủ tịch xã Tân Tiến ngậm ngùi: “Muốn xử lý môi trường thì phải có đất, dồn được 6-7 nghìn ha để tự xử lý hữu cơ, đào lên chôn xuống để xử lý dần dần thì “trên” bảo không phù hợp với quy hoạch. Đất này quy hoạch lên thành phố vào năm 2030. Thế còn đâu đất dành cho bãi rác!”. Tại xã Nghĩa Trụ, mỗi ngày, lượng rác thải tồn đọng trên dưới 20 tấn, “huyện chỉ trả giá xử lý rác theo quy định (khoảng 4.500 đồng/tấn rác) trong khi đó tại Khu đô thị Ocean Park người ta trả giá cao hơn, khoảng 10.000 đồng/tấn, nên đơn vị vận chuyển cũng ưu tiên xử lý rác bên đó. Bài toán ở tầm vĩ mô, cấp xã, cấp cơ sở rất khó khăn”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trụ Khương Văn Oánh thừa nhận. Bãi rác Nghĩa Trụ, mỗi ngày lượng rác sinh hoạt khoảng 30-40 tấn, mà Urenco 11 chỉ mang đi xử lý được 10-15 tấn. Hiện, xã cũng chỉ biết phát động nhân dân phân loại tại hộ gia đình, hữu cơ riêng, vô cơ riêng. Hữu cơ phun chế phẩm, vô cơ thì chờ để đơn vị xử lý rác chở đi.

Nhìn vào thực trạng của Hưng Yên và tầm nhìn tới năm 2030 của tỉnh này, có thể thấy trước mắt chưa có giải pháp nào khả thi để xử lý tình trạng ô nhiễm rác, đốt rác và xả thải ra môi trường. Riêng về rác, mỗi ngày Hưng Yên bị “thừa” ra khoảng 300 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác thải công nghiệp, rác bị đổ trộm) không kịp xử lý. Như vậy, khi chưa thể xây dựng thêm cơ sở xử lý rác thải, tỉnh cần tận dụng cả những cơ sở xử lý đã có sẵn gần đó. Thí dụ, ngay cạnh Công ty Urenco 11 (thuộc Văn Lâm, Hưng Yên) là khu vực tập trung một số cơ sở xử lý rác thải của Bắc Ninh (khu vực Thuận Thành, giáp với Văn Lâm, Hưng Yên). Thuận Thành có nhà máy điện rác liên doanh với Nhật Bản. Với nhà máy điện rác thì rác thải chính là nguồn tài nguyên nên chắc chắn họ sẵn lòng tiếp nhận xử lý nguồn rác thải này. Việc vận chuyển rác thải từ các huyện nói trên của Hưng Yên sang tới nhà máy ấy không có gì khó khăn về mặt địa lý. Cái vướng mắc có lẽ là chủ trương của tỉnh, của huyện là rác tỉnh nào thì tỉnh ấy… đi mà dọn.

Từ thực tế ấy, càng thấy cần thiết phải có phương án giải quyết liên vùng, liên tỉnh. Bởi nếu không cùng nhau giải quyết vấn đề, thì thực trạng ô nhiễm của một địa bàn sẽ trở thành bài toán khó cho cả một vùng trong tương lai gần. Ô nhiễm nằm trên địa bàn này song có khi nó lại gây hại cho khí quyển, đất và nước của các vùng lân cận. Giống như Ecopark nộp phí vệ sinh cao nhưng khói khét thì lại từ Làng Khoai tới. Sông Cầu Bây xả nước thải từ Hà Nội vào Bắc Hưng Hải, còn ô nhiễm có khi từ Văn Lâm, Văn Giang bay tới Thủ đô.

Chặn đầu vào, trao và gắn trách nhiệm cho chính quyền cơ sở

Ngày 9/12/2024, chúng tôi gặp những chốt chặn của lực lượng Cảnh sát giao thông khi đi vào khu vực làng Mân Xá (Yên Phong, Bắc Ninh). 5 chốt chặn được đặt khắp các ngả ra vào làng nghề đúc nhôm, vốn là điểm đen ô nhiễm. Các chốt ứng trực 24/24 giờ kiểm soát hoạt động vận chuyển nguyên liệu sản xuất, phế liệu ra vào làng nghề Mân Xá nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Làng tái chế nhôm quy mô lớn nhất miền bắc, với hơn 300 hộ sản xuất, ngừng hoạt động. Không còn khói công nghiệp thải trong làng.

Tại Phong Khê (TP Bắc Ninh), hầu hết các cơ sở sản xuất trong khu vực dân cư đều đóng cửa. Chủ trương, chính sách thống nhất từ trên xuống dưới, sử dụng lực lượng chức năng tại chỗ, dựa vào dân để giám sát, có chế tài mạnh để răn đe, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề này đã ban đầu được giải quyết. Đó là cách làm đúng.

Đối với địa bàn Hà Nội, đối tượng đốt rác “trộm” ẩn hiện nên khó ngăn chặn. Toàn địa bàn giáp ranh, rác thải được đốt và đổ thời điểm chiều chạng vạng, nên không có đủ lực lượng tìm và xử lý. Có lẽ thế, nên chẳng mấy khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện, trừ khi cháy lớn. Mà Hà Nội thì không cháy lớn như mấy bãi ở Hưng Yên. Họ tách ra đốt rải rác, biến thành nhỏ lẻ để không gây chú ý. Đặc biệt ở vùng giáp ranh các quận, huyện, vùng giáp ranh các xã, chật chội đan xen… chính quyền chỉ biết kêu khó chứ không thể giải quyết triệt để.

Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 7 giờ 58 phút sáng 8/1, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 219, Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Trong quá trình đi tìm hiểu thực trạng ô nhiễm quanh Hà Nội, có thể thấy rằng tất cả những bức xúc trên các địa bàn nhân dân biết cả. Dựa vào dân tới đâu, trông cậy vào tai mắt nhân dân thế nào thì vẫn là vấn đề của mỗi địa phương. Cán bộ chính quyền cơ sở có lẽ cũng hiểu những bức xúc này, song giải quyết nó ra sao lại không thuộc thẩm quyền của họ. Vậy nên, trao thực quyền gắn liền với lợi ích và trách nhiệm cụ thể cho các cán bộ ở cơ sở là điều cần thiết, cần triển khai nhanh chóng. Giống điều mà tỉnh Bắc Ninh đang triển khai một cách hiệu quả trong thời gian qua.

Vành đai ô nhiễm (Kỳ 1)

Vành đai ô nhiễm (Kỳ 2)

Vành đai ô nhiễm (Kỳ 3)

Vành đai ô nhiễm (Kỳ 4)