Vành đai ô nhiễm (Kỳ 4)

Kỳ 4: “Sông trăng, sông lụa...” thay mầu
0:00 / 0:00
0:00
Một nhánh cống Đan Hoài đoạn Hoài Đức tiếp giáp Hà Đông.
Một nhánh cống Đan Hoài đoạn Hoài Đức tiếp giáp Hà Đông.

Chỉ với cái tên Hà Nội đã cho thấy Thủ đô nằm trọn vẹn trong những dòng sông. Trong lòng của thành phố nghìn năm lịch sử ấy, những sông Đáy, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Sét, sông Lừ, sông Tô, sông Tích… sau bao bồi đắp đã hình thành một miền đồng bằng trù phú với lớp phù sa màu mỡ. Một thời, sông Đáy, sông Tô, sông Tích... đã đi vào những áng văn thơ với hình ảnh như những “sông trăng, sông lụa”, “những dòng sông năm ngóng tháng chờ…”, là nơi quần tụ, sinh sống của bao thế hệ cư dân đồng bằng nay lại đang trở thành những “khúc ruột đau” vì ô nhiễm.

Đi tìm dòng cho sông Nhuệ, sông Đáy

Chúng tôi đã tìm gặp một chuyên gia về môi trường của một tập đoàn đến từ nước Đức, vị chuyên gia này buột miệng “hệ thống sông Bắc Hưng Hải hay hệ thống sông Nhuệ, Đáy ô nhiễm gần như không thể phục hồi…”. Đánh giá từ một chuyên gia nước ngoài liệu có phải thực tế không mong đợi nhất (?!). Những dòng sông thơ mộng ấy lẽ nào không thể hồi sinh?

Mang theo băn khoăn đó, trong quá trình đi thực tế tìm hiểu tình hình chúng tôi thấy rằng, nếu không có nước sông Hồng hoặc nước mưa thì hệ thống sông giáp ranh khu vực nội thành Hà Nội đều đang… chết. Đi dọc đê sông Hồng đoạn qua Hà Nội để tìm xem những dòng sông “con” lấy nước nguồn từ sông Cái đang “sống” ra sao vào dịp cuối năm này, thì thấy ngoài sông Đáy, con sông “vặn mình qua phủ Quốc” đang còn chút “tự do” trước khi “chui” vào các điểm đen về ô nhiễm ở Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu (Hoài Đức). Cống Đan Hoài, nơi lấy nước sông Hồng vào kênh Đan Hoài hay cống Liên Mạc lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ hiện tại đều ở dạng “cống”. Mùa này nước cạn, sông Hồng không đủ nước để “nuôi” hệ thống “sông con” của nó, nên hầu hết các dòng sông đều không có nước tự nhiên. Đoạn đầu cống Đan Hoài, đầu cống Liên Mạc (sông Nhuệ), phần phù sa mé ngoài sông khô nứt. Nhưng chỉ ngay từ phía trong cửa cống, nước đã mang mầu đen quánh, đậm đặc, bốc mùi.

Ông Nguyễn Văn Vực (Hoài Đức) nguyên là cán bộ Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đan Hoài cho biết, tại Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai có nhiều gia đình làm nghề sản xuất miến dong, mạch nha... Chiều 21/12/2024, chỉ một đoạn đường hơn 2 km ở thôn Me Táo, xã Dương Liễu, có khoảng hơn chục cơ sở sản xuất, chế biến bột sắn và bột củ dong riềng. Dọc những con đường như ô bàn cờ ở các thôn Xóm Mới, Đồng Phú của xã Dương Liễu, có khoảng vài trăm cơ sở chế biến nông sản, với xe cẩu, máy nghiền hoạt động hết công suất phục vụ mùa cao điểm Tết Nguyên đán. Đường đi, bờ ruộng, bờ ao, vườn đều trắng một mầu bột sắn phơi. Nước thải từ các cơ sở sản xuất chảy trực tiếp xuống cống rãnh, kênh mương. Các xóm ngoài bãi của xã Cát Quế, Minh Khai gần đó tình trạng cũng tương tự. Hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ấy vẫn hằng ngày dùng máy xúc đưa sắn vào máy nghiền, khi sắn ra bột thì dùng acid tẩy trắng bột, nước tẩy ấy trở nên đen kịt trước khi được xả thẳng ra sông Đáy. Phần còn lại của nước thải được bơm qua kênh tiêu xã Sơn Đồng (Hoài Đức) đổ vào sông Nhuệ.

Không chỉ ở đó, đi theo dòng sông từ đầu kênh đang hằng ngày đổ nước thải vào lòng nó, có thể tận mắt thấy sông đã trở thành nơi chứa nước và rác thải của nhiều cụm công nghiệp.

Thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, nhiều năm nay, Kênh T1 - 2 có “nhiệm vụ” dẫn nước sông Hồng từ trạm bơm Đan Hoài về sông Nhuệ cung cấp nước cho nhiều địa phương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi nguồn nước được đưa về đi qua Liên Trung, Tân Hội, Tân Lập kéo dài khoảng 2 km gặp kênh T1 - 3 dẫn nước thải từ xã Đức Giang, Đức Thượng, Dương Liễu và thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), nơi có nhiều làng nghề sản phẩm nông sản, làm bún, sau đó đi qua đô thị Tân Tây Đô chảy xuống xã Tân Lập. Kênh Pheo đi qua khu dân cư xã Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Tân Lập cũng đảm đương “nhiệm vụ” dẫn nước thải sinh hoạt của làng nghề chuyên làm đậu phụ, nấu rượu chảy ra tuyến kênh đi qua xã Tân Lập rồi xuống phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) đổ về sông Nhuệ.

Đi theo dòng sông ô nhiễm, cũng bắt gặp nhiều trạm bơm thủy lợi đang bị quây kín, bỏ không bởi hết chức năng nhiệm vụ khi mà nhiều cánh đồng đã biến thành… khu đô thị. Và khi ấy, phần còn lại của kênh trở thành nơi chứa rác.

Sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nam có mức độ ô nhiễm giảm so với đoạn sông Nhuệ chảy qua Hà Nội, chất lượng nước sông ở mức trung bình, sử dụng được cho tưới tiêu và các mục đích tương đương khác, các thông số (BOD5, COD,…) vẫn vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT. (Tỷ lệ COD/BOD5 là chỉ số quan trọng về khả năng phân hủy sinh học của nước thải và nguồn gốc của ô nhiễm hữu cơ. Nó được sử dụng để mô tả nguồn gốc và bản chất của ô nhiễm hữu cơ. Tỷ lệ COD/BOD5 càng cao thì khả năng phân hủy sinh học chất ô nhiễm càng khó khăn).

Cùng cảnh ô nhiễm nặng nề

Dọc theo sông Nhuệ từ đoạn khởi nguồn, nhìn thấy thực tế là dòng sông “phơi mình” đáp ứng nhu cầu xả thải. Nó “chết” do hàng loạt cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà xưởng tự phát ở hai bên sông được dựng lên từ cách đây chừng 20 năm trở lại (thời kỳ trước đó hầu hết các con sông quanh Hà Nội còn ít bị ô nhiễm). Con sông trở nên teo tóp theo thời gian. Đường trước mặt bé dần, người ta lấn dần ra phía sông sau nhà. Sông bé lại và càng ngày càng… hôi thối.

Ông Nguyễn Thanh Bình, người dân buôn bán lâu năm ở gần cầu Phố Viên (cách cửa xả cống Liên Mạc chừng 2 km) cho biết, mùa bão năm nay nước chảy qua cống Liên Mạc vào nhiều hơn nên sông có “đỡ hơn”. Từ khoảng 15 năm nay nước sông Nhuệ quá nặng mùi. “Sông chẳng còn ra sông nữa mà nó đang trở thành cái cống, nước sông cũng chẳng bao giờ trong xanh nữa mà nó biến thành mầu xanh biếc”. Mầu của hóa chất lẫn mầu chất thải.

Sống gần sông Đáy, gia đình ông Vũ Đắc Tắc (Phương Quan, Vân Côn, Hoài Đức) đã phải chịu cảnh hôi thối nồng nặc đến khó thở từ hơn 15 năm nay. Ngửi nhiều rồi cũng dần quen, nhưng các hộ dân chung quanh đây đều phải đóng cửa kín mít quanh năm, nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp. Hộ nào làm nông thì rủ nhau 2-3 hộ đào giếng khoan để tưới hoa màu. Theo ông Tắc, nước sông Đáy khu vực này bị ô nhiễm nặng bởi các nhà xưởng, làng nghề ở khu vực phía trên xả thải ra sông. Cách nhà ông vài trăm mét cũng có rất nhiều nhà xưởng trái phép làm bánh kẹo, giặt là... xả thải trực tiếp ra sông.

Những bức xúc từ phía người dân ở cạnh Cụm công nghiệp Trường An (An Khánh, Hoài Đức) được dịp bùng lên khi họ “xung phong” đưa phóng viên đi thực tế ở gần trạm bơm La Dương (đã bỏ hoang, khóa kín). Nước thải từ cụm công nghiệp này hòa lẫn nước thải sinh hoạt của người dân khu vực chung quanh đổ vào khúc kênh thuộc một thành phần của kênh Đan Hoài và nằm đọng ở đó, thỉnh thoảng lại biến mầu, bốc mùi và sủi bọt. “Mỗi lần người ta xả thải, những cư dân ở khu đô thị gần đó lại trở thành “những người khốn khổ”. Nhiều đêm, các xưởng sản xuất của một số công ty trong Cụm công nghiệp Trường An “tranh thủ” xả khí thải không qua lọc. Những quạt gió cỡ lớn chạy hết công suất, đẩy khí thải mù mịt như sương lên trời. Mùi hóa chất cám công nghiệp, mùi va-ni từ sản xuất bánh kẹo, mùi nước lẩu công nghiệp như một cái ô chụp kín cả vùng, chỉ cần bước chân ra khỏi cửa là đã ngửi thấy. “Mùi kênh hòa vào mùi khói, mùi hóa chất... hành hạ con người”. Mỗi đêm như thế, cư dân của mấy thôn Trường An, An Thọ, Vân Lũng và cả cư dân của Vinhomes Thăng Long cạnh đó chỉ biết kêu trời.

Ngày 10/12/2024, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của thành phố, trong đó có dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Theo đó, dự án xử lý nước thải Yên Xá xin lùi tiến độ thêm 2 năm (kéo dài đến năm 2027), giảm mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc môi trường miền bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Lưu vực sông Nhuệ, Đáy, đến đợt 5 của năm 2019 có tổng số 8/19 thông số bị ô nhiễm, gồm: DO; COD; BOD5; N-NH4; N-NO2; TSS; Fe và Pb. Một số thông số có tỷ lệ vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT khá cao, điển hình như thông số COD (79%); BOD5 (75%); các thông số (DO; TSS; N-NH4), hơn 50% tổng số giá trị vượt ngưỡng quy định. Khu vực các thông số vượt ngưỡng liên tục trong cả 5 đợt như các sông nội thành (sông Sét, sông Lừ, sông Kim Ngưu - từ điểm Nghĩa Đô đến điểm cầu Sét), đoạn sông Nhuệ qua Hà Đông và đoạn thượng nguồn sông Đáy (TP Hà Nội). Đoạn sông thực hiện quan trắc, nước sông tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý của các làng nghề (Phúc La: nước thải làng nghề lụa Vạn Phúc; Cự Đà: nước thải làng nghề miến Cự Đà; Cầu Chiếc, Đồng Quan: khu vực vừa tiếp nhận nước thải của các làng nghề, vừa tiếp nhận nước thải sinh hoạt của TP Hà Nội và quận Hà Đông thông qua sông Tô Lịch). Kết quả quan trắc cho thấy: Sông Nhuệ, đoạn chảy qua Hà Nội, từ đoạn sông chảy qua khu vực Hà Đông (Phúc La) cho tới trước khi nhận nước sông Tô Lịch, nước bị ô nhiễm. Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu do nước thải sinh hoạt của quận Hà Đông và nước thải của các cơ sở sản xuất và làng nghề trong khu vực. Sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch (điểm Cự Đà), nước sông Nhuệ tiếp tục bị ô nhiễm nặng. Các thông số hữu cơ (BOD5, COD, N-NH4,… đều vượt ngưỡng quy định theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT).

Đấy là những thông số về ô nhiễm ở thời điểm 5 năm về trước. Còn cho tới thời điểm hiện tại, khi mà chính quyền chưa có thêm cơ sở hay biện pháp gì để giải quyết tình trạng xả thải, khó có thể lạc quan với tình trạng ô nhiễm của mỗi dòng sông.

Trong hơn 1 tháng kể từ khi thực hiện bài viết, chúng tôi vẫn chưa thể có được số liệu quan trắc môi trường mới nhất, dù đã nhiều lần liên hệ các cục liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tìm trên trang thông tin điện tử của một số cục chức năng, cho tới lúc này, chỉ thấy số liệu về môi trường và nước ở một số tỉnh phía nam, còn đối với các con sông quanh Hà Nội không có thông tin.

(Còn nữa)

Vành đai ô nhiễm (Kỳ 1)

Vành đai ô nhiễm (Kỳ 2)

Vành đai ô nhiễm (Kỳ 3)